Thông qua dự thảo đề án duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông

Chiều 18-11, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức buổi làm việc nghe báo cáo dự thảo đề án duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông, hoàn chỉnh văn kiện trình kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khoá XV. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự chủ trì buổi làm việc.

Hà Tĩnh có trên 8.487, 45 km đường bộ, trong đó đường quốc lộ 440,3 km với 6 tuyến có kết cấu chủ yếu là đường nhựa và bê tông; tỉnh lộ 379 km với 12 tuyến; đường giao thông nông thôn (GTNT) có tổng chiều dài 7.668,15 km, trong đó có 4.118, 22 km đường nhựa, bê tông và 3.549 km đường đất, cấp phối các loại.

Hệ thống đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường đô thị được phân cấp quản lý, có nguồn vốn ngân sách ổn định hàng năm đáp ứng mức độ nhất định cho công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng nên khai thác tốt, phục vụ có hiệu quả và đảm bảo lưu thông an toàn.

Hệ thống đường GTNT chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong mạng lưới đường bộ của tỉnh và là một khối tài sản khổng lồ được đầu tư xây dựng từ nhiều nguồn kinh phí. Quá trình khai thác do không được quản lý, duy tu, bảo dưỡng nên xuống cấp nghiêm trọng, chủ yếu là do sự tác động của con người (xe quá tải, đào phá, vi phạm lấn chiếm hành lang…) và tác động của môi trường thiên nhiên. Nhiều tuyến đường chỉ sau 2-3 năm đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng nghiêm trọng gây khó khăn trong việc đi lại của người dân.

Hệ thống GTNT trên địa bàn Hà Tĩnh có trên 40% cần phải đầu tư lại, 25% cần phải đưa vào sửa chữa vừa để cấp hạng, số còn lại mới được nâng cấp sửa chữa.

Về các giải pháp tổ chức quản lý, ở cấp tỉnh cần bổ sung thêm 2 định biên cho phòng quản lý giao thông nhằm phụ trách chung về quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển GTNT, theo dõi và chỉ đạo phong trào làm GTNT, phụ trách theo dõi quản lý toàn bộ hệ thống GTNT như: quản lý ATGT và các cơ sở hạ tầng giao thông cấp huyện; ở cấp huyện, thị, thành phố bố trí tổi thiểu 1-3 định biên chuyên trách phụ trách giao thông bao gồm cả công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên…

Cần có sự phân cấp rõ ràng về quản lý cho cấp huyện, xã. Đối với kinh phí quản lý, duy tu, ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư 40% kinh phí sửa chữa đường huyện và 30% duy tu đường xã. Ngân sách huyện gồm nguồn ngân sách, nguồn kinh phí đóng góp hợp pháp, nguồn khai thác, xử phạt vi phạm ATGT trích lại chi cho duy tu đường huyện và hỗ trợ 30% kinh phí duy tu đường xã. Nguồn vốn của xã cũng tương tự.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự đánh giá cao công tác chuẩn bị đề án. Đề án mang tính khả thi cao, đề nghị các ngành, các địa phương tập trung nghiên cứu và bổ sung nhằm hoàn thiện hơn và đem lại hiệu quả cao trong quá trình thực hiện. Đề án không những đáp ứng được vấn đề kéo dài tuổi thọ cho các tuyến đường mà còn mang tính nhân văn rất cao, đáp ứng an sinh xã hội, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast