Hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch: Những “lỗ hổng” cần lấp đầy

(Baohatinh.vn) - Hướng dẫn viên (HDV), thuyết minh viên (TMV) du lịch là mắt xích gắn kết chuỗi giá trị sản phẩm du lịch, là linh hồn hấp dẫn, thu hút du khách. Tuy nhiên, hoạt động HDV và TMV du lịch đang để lại “lỗ hổng” lớn do bị mất gốc từ công tác đào tạo. Và việc lấp đầy nó lại phải bắt đầu từ chuyện đào tạo.

>> Hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch: Thiếu, yếu nhiều mặt

huong dan vien thuyet minh vien du lich nhung lo hong can lap day

Cần tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch để họ có thể gắn bó với nghề. Ảnh: Quốc Khánh

Mất gốc từ đào tạo

Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lê Trần Sáng: Thời gian qua, hoạt động HDV, TMV đang để lại lỗ hổng lớn do chưa được đào tạo một cách hệ thống. Chất lượng đào tạo thấp, chưa bắt kịp nhu cầu phát triển, còn “khập khiễng” giữa cung và cầu. Sản phẩm đào tạo yếu kém, thiếu chuyên nghiệp, không đáp ứng được yêu cầu thị trường đặt ra. Hiện nay, nguồn nhân lực của tỉnh ta đang phụ thuộc vào kết quả đào tạo của các trường Đại học Hà Tĩnh, Cao đẳng VH-TT&DL Nguyễn Du và Trung cấp Nghề Hà Tĩnh. Trong khi công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục, dạy nghề rất khó khăn, nhiều trường không chú trọng đầu tư phát triển khoa ngành du lịch do không tuyển đủ chỉ tiêu để mở lớp.

Vài năm lại đây, các trường Cao đẳng VH-TT&DL Nguyễn Du và Trung cấp Nghề đã mở được 2 lớp đào tạo HDV và TMV du lịch với hơn 60 chỉ tiêu. Tuy nhiên, đa số sau khi tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu của đơn vị tuyển dụng do chất lượng đào tạo thấp. Sở VH-TT&DL đã triển khai 2 lớp tập huấn nghiệp vụ cho 30 HDV du lịch theo chương trình dự án EU nhưng do thời gian tập huấn ngắn nên hiệu quả không cao.

Ông Hồ Việt Anh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng VH-TT&DL Nguyễn Du từng chia sẻ tại một số hội nghị về phát triển du lịch: Trường chúng tôi hiện đang đào tạo theo kiểu “méo mó có hơn không. Hiện nay, nhà trường không tuyển đủ chỉ tiêu để mở lớp do con em Hà Tĩnh còn mặc cảm với nghề du lịch và cho rằng, làm nhân viên du lịch thu nhập không ổn định, còn bị bạn bè, xã hội gièm pha. Mặt khác, chủ doanh nghiệp không có năng lực quản trị. Các công ty lữ hành chưa năng động, cách làm không chuyên nghiệp, không đánh thức hết tiềm năng của mỗi điểm du lịch để định hướng cho HDV phát huy khả năng nghề nghiệp.

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Đính, nguồn nhân lực HDV, TMV du lịch Hà Tĩnh đang hiếm hoi, thấp kém, thiếu chuyên nghiệp sẽ làm cho hoạt động du lịch của tỉnh ta càng thêm tụt hậu”. Theo ông, mỗi địa chỉ du lịch đều mang trong mình những bí ẩn riêng về địa lý, lịch sử, phong tục tập quán, văn hóa truyền thống… Thông qua HDV, TMV, khách du lịch sẽ hiểu được giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, vẻ đẹp của các khu, điểm du lịch. Trong khi HDV, TMV chúng ta chưa làm được điều đó cũng chính là do chất lượng sản phẩm đào tạo còn thấp kém. Mặt khác, các cơ sở đào tạo đang nặng về lý thuyết, chưa đi sâu vào thực hành. Đội ngũ giảng viên chuyên ngành du lịch đang thiếu năng lực chuyên môn, thiếu cả kiến thức thực tiễn.

Cũng theo Giáo sư Đính, ngoài kỹ năng sư phạm, năng lực nghiệp vụ, HDV du lịch cần phải được trải nghiệm thực tế để tích lũy kinh nghiệm truyền nghề. Trong khi trường không có kinh phí để đào tạo nâng cao trình độ và tổ chức bồi dưỡng kỹ năng thực hành cho giáo viên. Sản phẩm đào tạo kém chất lượng, hệ lụy là sinh viên ra trường khó phát huy hiệu quả và thiếu gắn bó với nghề là điều tất yếu.

Thiếu “đất diễn” lẫn “đất sống”

Công tác đào tạo “khập khiễng” không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành du lịch mà còn hệ lụy đến việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động nói chung, HDV, TMV du lịch nói riêng. Mặt khác, các công ty lữ hành thiếu năng động, bế tắc thị trường, cung cách làm ăn theo kiểu “chụp giật”, không dám đầu tư, sợ bị thua lỗ, chất lượng dịch vụ kém, hiệu quả thu nhập thấp dẫn đến việc làm không ổn định, ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của người lao động. Từ đó, xuất hiện tình trạng lao động HDV, TMV du lịch không mặn mà với nghề.

huong dan vien thuyet minh vien du lich nhung lo hong can lap day

Đông đảo khách tham quan được thuyết minh viên Khu lưu niệm Nguyễn Du giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của Đại thi hào. Ảnh: Quốc Khánh

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu: Bình quân mỗi năm, cả nước có hơn 30.000 sinh viên du lịch ra trường, trong đó, hệ đại học chiếm hơn 40%. Tuy nhiên, đa số con em Hà Tĩnh sau khi ra trường không muốn về quê công tác vì khó tìm việc làm, thu nhập thấp, không đảm bảo cuộc sống.

Anh Nguyễn Văn T. tốt nghiệp khoa Sử - Đại học Huế, từng có nhiều năm làm HDV cho Công ty Lữ hành Thành Sen, chia sẻ: “Nghề HDV vui, được đi đây đi đó. Tuy nhiên, do thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống gia đình, nhiều khi muốn tìm cho mình một chỗ làm việc khác thu nhập kha khá nhưng rất khó tìm “đất diễn”. Từ ngày chuyển sang làm tiếp thị cho công ty khác, thu nhập của tôi cao hơn và ổn định hơn”.

Ông Hoàng Minh Mạnh - Giám đốc Công ty CP Du lịch Đại Việt, Chi hội trưởng Chi hội Lữ hành - Vận tải du lịch Hà Tĩnh thì cho hay: “Một số công ty lữ hành dùng người học trái nghề sang làm HDV đưa đón, dẫn tour, do đó, hiệu quả công việc thấp, thu nhập của doanh nghiệp cũng bấp bênh, rất khó để giữ chân người lao động”.

Cần giải pháp đồng bộ

Đã đến lúc cần những giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng đội ngũ HDV, TMV nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh nhà. Trong đó, nguồn nhân lực HDV, TMV phải được đào tạo cơ bản, kiến thức nghiệp vụ tinh thông, mang tính chuyên nghiệp cao, thích ứng với thời kỳ hội nhập quốc tế. Đặc biệt, để lấp đầy “lỗ hổng”, ngành VH-TT&DL cần chủ động tham mưu cho tỉnh xây dựng quy hoạch, kế hoạch, giao chỉ tiêu đào tạo cụ thể cho các trường.

Trên cơ sở đề án Quy hoạch, phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2016–2020 và tầm nhìn 2030 được phê duyệt, năm 2016, Sở VH-TT&DL đã bố trí 400 triệu đồng hỗ trợ Trường Cao đẳng VH-TT&DL Nguyễn Du, Trung cấp Nghề đào tạo lớp HDV du lịch (30 chỉ tiêu); 200 chỉ tiêu nghiệp vụ du lịch với thời gian đào tạo 3 tháng. Nhưng như thế cũng chỉ mới là những bước đi đầu tiên.

Sở VH-TT&DL cần triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ. Trước hết, các cơ sở đào tạo trên địa bàn phải chú trọng đổi mới toàn diện chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, đào tạo nghề nhằm cung cấp nguồn HDV và TMV có trình độ nghiệp vụ cao, ngoại ngữ giỏi, am hiểu lịch sử - văn hóa dân tộc. Theo đó, ngành du lịch, các cơ sở đào tạo du lịch nên có sự hỗ trợ, tư vấn cho các địa phương và các doanh nghiệp, công ty lữ hành xây dựng kế hoạch phát triển nhân lực du lịch phù hợp đặc thù của từng lĩnh vực để phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp, công ty lữ hành cần tích cực xúc tiến quảng bá tiềm năng du lịch ra ngoại tỉnh và các nước trong khu vực; tuyên truyền, giới thiệu các điểm đến, tích cực phát triển, kết nối các tour du lịch giữa Hà Tĩnh với các tỉnh trong nước và phát triển các tour, tuyến du lịch quốc tế từ Lào, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… nhất là tuyến Việt Nam - Lào - Thái Lan, tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp HDV du lịch ổn định đời sống để gắn bó với nghề.

Ngành cũng cần chú trọng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho các TMV, chỉ đạo các địa phương bổ sung người làm TMV tại các khu di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là tại các khu di tích danh nhân để hấp dẫn du khách.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast