Nghề nuôi ong cho thu nhập cao ở vùng bán sơn địa Đức Thọ

(Baohatinh.vn) - Nhiều năm nay, nghề nuôi ong lấy mật là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao cho người dân xã Đức Lạng (Đức Thọ - Hà Tĩnh). Đặc biệt, vùng bán sơn địa với lợi thế diện tích vườn đồi và cây ăn quả lớn đã tạo cho mật ong ở đây có hương vị riêng, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nghề nuôi ong cho thu nhập cao ở vùng bán sơn địa Đức Thọ

Nghề nuôi ong ở Đức Lạng thường kết hợp với kinh tế vườn đồi.

Xã Đức Lạng là vùng bán sơn địa, phù hợp với việc phát triển vườn đồi, trồng cây ăn quả. Tận dụng thế mạnh này, người dân nơi đây đã đầu tư thêm phát triển nghề nuôi ong lấy mật, cho thu nhập tương đối cao.

Anh Nguyễn Quốc Hùng (thôn Vĩnh Yên) cho biết: “Chi phí gây dựng một đàn ong chỉ mất khoảng hơn 1 triệu đồng, mỗi năm có 7 tháng thu mật (tháng 3 đến tháng 9 hằng năm), chu kỳ mỗi lần thu mật khoảng 15 ngày. Bình quân hằng năm, mỗi đàn ong có thể cho thu hoạch 15 lít mật nguyên chất; tính chung, mỗi năm, địa phương thu về gần 900 lít mật, theo giá bán hiện nay là 300.000 đồng/lít, gia đình thu về từ 200 - 250 triệu đồng”.

Nghề nuôi ong cho thu nhập cao ở vùng bán sơn địa Đức Thọ

Gia đình anh Hùng đang nuôi 60 đàn ong, mỗi năm thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng.

Ông Lê Minh Hồng (thôn Hà Cát), ngoài sở hữu vườn keo và cây ăn quả, cũng đã gắn bó với nghề nuôi ong gần 20 năm nay. Hiện gia đình đang nuôi trên 50 đàn, mỗi năm cho thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng. Ngoài thu nhập từ mật, mỗi năm, ông Hồng còn xuất bán từ 25 - 30 đàn ong giống với giá trung bình từ 1 - 1,2 triệu đồng/đàn.

Nghề nuôi ong cho thu nhập cao ở vùng bán sơn địa Đức Thọ

Ông Hồng kiểm tra cầu ong để căn ngày vắt mật đạt hiệu quả cao nhất

Ông Hồng cho biết: “Nuôi ong chi phí đầu tư thấp, vốn đầu tư ban đầu không lớn, không mất nhiều diện tích. Khi đã có kinh nghiệm thì công việc nuôi ong cũng không phải mất nhiều thời gian, chỉ cần kiểm tra quá trình sinh trưởng và làm mật của ong. Vì thế, bất cứ ai cũng có thể nuôi được, miễn là khu vực nuôi có nhiều vườn cây ăn quả hoặc ở ven bìa rừng, nơi có nhiều loài hoa để cho ong đi hút mật, như thế ong sẽ cho chất lượng mật rất tốt. Đối với tôi, nuôi ong không chỉ giúp tăng thêm thu nhập mà còn tạo niềm vui tuổi già”.

Nghề nuôi ong cho thu nhập cao ở vùng bán sơn địa Đức Thọ

Tháng 3 và tháng 4 là thời điểm đàn ong ở Đức Lạng cho mật cao nhất trong năm

Nghề nuôi ong không tốn thời gian chăm sóc nhưng lại đòi hỏi sự cẩn thận, cầu kỳ, tỉ mỉ. Khó khăn nhất là làm sao để đàn ong không bỏ tổ, người nuôi cần nắm được kỹ thuật, tập tính của ong để chăm sóc, quản lý, nhất là đối với việc phân tách mỗi khi đàn ong quá đông.

Nghề nuôi ong cho thu nhập cao ở vùng bán sơn địa Đức Thọ

Bình quân mỗi cầu ong sẽ cho 1 chai mật nguyên chất.

Theo những người nuôi ong ở xã Đức Lạng, thời điểm chia đàn, nhân đàn cho ong thích hợp nhất là vào tháng 3 và tháng 10. Bên cạnh đó, ong có đặc tính tổ chức bầy đàn rất cao và nhạy cảm với các tác động của ngoại cảnh như thời tiết, ánh sáng và nhiệt độ, người nuôi cũng phải nắm bắt được các đặc tính cơ bản của con ong, có các biện pháp thích hợp trong việc chống rét, chống nóng; thường xuyên vệ sinh chang ong đảm bảo khô ráo, sạch sẽ. Có vậy, đàn ong mới khoẻ mạnh và cho năng suất, chất lượng mật tốt nhất.

Nghề nuôi ong cho thu nhập cao ở vùng bán sơn địa Đức Thọ

Mỗi tổ ong người nuôi sẽ bố trí từ 5 cầu ong trở lên

Toàn xã Đức Lạng hiện có 600 ha vườn đồi, trong đó có 180 ha vườn cây ăn quả. Với lợi thế này, nghề nuôi ong lấy mật ở đây đang được xem là phù hợp để phát triển kinh tế hộ gia đình. Nếu như trước đây, nghề nuôi ong chỉ có vài hộ nhỏ lẻ, mỗi hộ nuôi từ 5 - 6 đàn thì nay xã có 65 hộ nuôi với trên 900 đàn ong. Năng suất bình quân mỗi năm (7 tháng có thu hoạch) đạt gần 9 tấn mật. Tính riêng từ đầu tháng 3 đến nay, các hộ đã khai thác khoảng 5 tấn mật ong. Nhờ nuôi ong lấy mật, kinh tế của các hộ dân ngày càng khá lên.

Nghề nuôi ong cho thu nhập cao ở vùng bán sơn địa Đức Thọ

Mật ong nguyên chất sau khi được thu hoạch, người nuôi có thể bán ngay hoặc là trử chờ được giá mới đem bán

Để đẩy mạnh phong trào nuôi ong và giải quyết ổn định đầu ra cho sản phẩm nhằm nâng cao giá trị kinh tế, Hội Nông dân xã đang hoàn tất các thủ tục để thành lập tổ hội nghề nghiệp nuôi ong lấy mật. Tổ hội nghề nghiệp ra đời sẽ tạo cơ hội cho bà con nông dân tiếp cận với kỹ thuật mới, từ đó thay đổi được thói quen nuôi ong truyền thống, từng bước nâng cao chất lượng mật. Mặt khác, giúp nông dân yên tâm đầu tư phát triển đàn ong, đưa mật ong trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.

Ông Nguyễn Hữu Minh
Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Lạng

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Chủ đề Khởi nghiệp

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast