Năng suất lao động Việt Nam thấp do thiếu kỹ năng mềm

(Baohatinh.vn) - Theo khảo sát, đánh giá của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), năng suất lao động Việt Nam thấp nhất châu Á. Vì sao một đất nước có số người trong độ tuổi lao động cao, có truyền thống cần cù, sáng tạo mà năng suất lao động lại thấp?

Công nhân Công ty nước khoáng Sơn Kim đóng gói sản phẩm trước khi xuất xưởng.

Công nhân Công ty nước khoáng Sơn Kim đóng gói sản phẩm trước khi xuất xưởng.

Cách tính năng suất lao động của ILO là lấy tổng thu nhập quốc nội (GDP) chia cho số lao động làm việc. Theo đó, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần và Malaysia 5 lần....

Theo ILO, 80% nhân viên văn phòng ở Việt Nam thiếu kỹ năng, lao động kỹ thuật là 83% và lao động phổ thông 40%.

Trước những con số mà ILO công bố, nhiều chuyên gia về lao động cho rằng, có 3 nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động Việt Nam thấp: tỷ lệ lao động trong nông nghiệp cao, công nghiệp chủ yếu gia công, ít công nghệ cao; tỷ lệ lao động có bằng cấp thấp, lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao; ngành nghề đào tạo không phù hợp với thị trường, trong đó nghiêm trọng nhất là mất cân bằng giữa cung và cầu.

Trong khi nguồn lao động ở nông thôn dư thừa thì ở lĩnh vực phát triển công nghiệp, các ngành dịch vụ trung, cao cấp lại thiếu hụt lao động trầm trọng. Bên cạnh đó, năng suất lao động Việt Nam thấp do trình độ khoa học công nghệ, quản lý còn yếu kém; môi trường lao động lạc hậu, hiệu quả không cao.

Theo đánh giá của ông Malte Luebker, chuyên gia cao cấp của ILO tại châu Á - Thái Bình Dương, ở những quốc gia như Campuchia, Lào và Việt Nam, vẫn còn một lực lượng lớn lao động làm việc trong ngành nông nghiệp, nên có thể có năng suất lao động chung thấp hơn. Ngược lại, Singapore có thể có mức năng suất lao động cao hơn, vì nền kinh tế nước này chủ yếu dựa vào ngành chế tạo và các dịch vụ cao cấp như tài chính, bảo hiểm. Tương tự, những quốc gia có nhiều lao động làm việc trong nền kinh tế phi chính thức (người lao động thường không được tiếp cận với công nghệ mới nhất hoặc hiện đại nhất) có thể có năng suất lao động chung thấp.

Ngoài ra, việc Việt Nam chú trọng sản xuất gia công, xuất thô các khoáng sản và nguyên vật liệu các ngành sản xuất, kỹ thuật công nghệ lạc hậu hay chất lượng lao động không cao, đào tạo không đúng nhu cầu của doanh nghiệp, chủ yếu lao động thủ công... cũng khiến năng suất làm việc thấp.

Đánh giá của ILO đối với năng suất lao động của Việt Nam là dịp để các ngành chức năng cùng nhau nhìn vào thực tế, khắc phục hạn chế, yếu kém của nguồn lao động trong nước, từng bước có giải pháp khắc phục nhằm tận dụng thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong những năm tới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast