Cây cao su ở Hà Tĩnh: Thời "oanh liệt" nay còn không?!

(Baohatinh.vn) - Những tháng đầu năm 2017, giá mủ cao su thiên nhiên đang nhích dần lên sau nhiều năm trầm lắng. Đây là thời điểm cần nhìn lại một cách thấu đáo cây “kinh tế mũi nhọn” này để xác định hướng đi, đảm bảo sự phát triển bền vững trên vùng đất thiên tai khắc nghiệt Hà Tĩnh và phù hợp với quy luật cung - cầu.

cay cao su o ha tinh thoi oanh liet nay con khong

Thiếu kinh phí, đường vào các lô cao su xuống cấp

“Một thuở vàng son”

Bén duyên trên đất Hà Tĩnh vào những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX, cây cao su đã có sự phát triển nhanh chóng cả về diện tích và sản lượng, nhờ được sự quan tâm của ngành và tỉnh. Từ hơn chục ha ban đầu của Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh, đến năm 2013, toàn tỉnh đã có 13.197 ha cao su.

Cùng với phát triển nhanh về diện tích, giá mủ cao su thời điểm đó cũng tăng chóng mặt. Ông Nguyễn Khánh Toàn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh, nhớ lại: 2009 - 2011 là những năm mủ cao su thiên nhiên có giá rất cao, có lúc đạt trên 100 triệu đồng/tấn. Theo đó, hàng ngàn công nhân công ty có thu nhập cao, nhiều gia đình có thu nhập vài chục triệu đồng/ tháng. Nhiều công nhân đã xây nhà cửa khang trang, nuôi con ăn học đàng hoàng đều nhờ thu nhập từ cây cao su. Không ít người dân ở Hà Tĩnh thời bấy giờ mơ được trở thành công nhân cao su... Những năm đó, công ty trích kinh phí nhiều tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các địa phương trên địa bàn”.

Một cán bộ Công ty Cao su Hà Tĩnh, giờ vẫn khẳng định: Người ta ví cao su là “vàng trắng” ở thời điểm đó, quả không ngoa! Chỉ 8 tháng đầu năm 2012, Hà Tĩnh có diện tích cao su đưa vào khai thác trên 2.500 ha, với sản lượng mủ thu được trên 1.154 tấn, lợi nhuận trên 20,3 tỷ đồng (sau thuế - PV), nộp ngân sách trên 13 tỷ đồng. Buôn vàng thật cũng không có lợi nhuận cao như vậy!

cay cao su o ha tinh thoi oanh liet nay con khong

Vào lúc cao su rớt giá, việc bón phân cũng chỉ mức cầm chừng

Bài học của quy luật cung - cầu

Sau khi đạt đỉnh, giá cao su xuất khẩu bắt đầu lao dốc và chạm đáy. Ông Nguyễn Khánh Toàn cho biết thêm: “Giá mủ cao su xuống thấp kéo dài nhiều năm khiến công ty gặp rất nhiều khó khăn, thua lỗ nhiều tỷ đồng/năm. Cụ thể: Năm 2015, công ty khai thác được 1.800 tấn mủ, với giá chỉ 28 triệu đồng/tấn; năm 2016, thu 1.300 tấn mủ, với giá chưa đầy 30 triệu đồng/tấn, thấp hơn giá thành 3 triệu đồng/tấn; năm 2016, công ty lỗ 6 tỷ đồng”.

“Trong những năm khó khăn đó, công ty đã cố gắng để đảm bảo chế độ cho người lao động và duy trì mức lương bình quân 3 triệu đồng/người/ tháng. Nhiều người không trụ nổi đã phải tự chuyển nghề. Suất đầu tư từ 170 triệu đồng/ha hạ xuống còn 70 triệu đồng/ha. Nhiều diện tích cao su đã bị thanh lý, dừng trồng...” - ông Toàn chua chát.

Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê trong những năm qua không triển khai trồng mới; thực hiện tiết giảm đầu tư theo chỉ đạo của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Nhiều diện tích cao su chuyển sang chăm sóc tối thiểu, nhằm duy trì vườn cây; chi phí quản lý, vốn phục vụ sản xuất thiếu... Những yếu tố trên làm ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động...

Các chuyên gia đều cho rằng, giá cao su xuống thấp kéo dài là do cung vượt cầu. Diện tích cây cao su cả nước đã vượt xa quy hoạch chung của Chính phủ, trong đó có các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Quy luật cung - cầu cũng không ngoại trừ đối với cả cây “vàng trắng”. Bài học đắt giá này sẽ cho chúng ta có cái nhìn biện chứng, khách quan hơn để có hướng đi đúng cho cây cao su phát triển bền vững trên đất Hà Tĩnh.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast