Giữ vững màu xanh những cánh rừng thông

Mùa khô lo hỏa, mưa xuống lo sâu. Đó luôn là những nhiệm vụ trọng tâm và thường trực với những người quản lý và bảo vệ rừng trên đỉnh núi Hồng. Ý thức tốt nhiệm vụ được giao, từ nhiều năm nay, dù nắng hay mưa, mỗi CBCNV Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh và các chủ hộ được giao khoán rừng đều miệt mài với “cuộc chiến” chống lại thiên tai, địch họa để giữ vững màu xanh cho những cánh rừng thông Ngàn Hống.

Anh Nguyễn Phi Quỳnh – Phó BQL rừng phòng hộ Hồng Lĩnh cho biết, dù đã vào đông nhưng với kiểu thời tiết khô hanh bất thường này thì dù lạc quan đến mấy, chúng tôi cũng không thể “quẳng gánh lo âu” được. Không những thế, thời gian này, tập thể CB, CNV BQL rừng phòng hộ Hồng Lĩnh lại còn vất vả với nạn sâu róm phá hoại trên diện tích gần 1.000ha thuộc địa bàn các huyện Nghi Xuân, Can Lộc và thị xã Hồng Lĩnh.

Trên đường tuần tra bảo vệ rừng đầu nguồn.
Trên đường tuần tra bảo vệ rừng đầu nguồn.

Hưởng ứng phong trào thi đua lao động sản xuất của Sở NN&PTNT về chào mừng kỷ niệm 50 năm Bác Hồ khởi xướng “Tết trồng cây” cũng là mừng nửa thế kỷ hình thành và phát triển của ngành lâm nghiệp, toàn thể CB, CNV văn phòng BQL và các quản lý, bảo vệ rừng đang tập trung cao độ cho việc dập dịch sâu róm bằng các loại chế phẩm sinh học và hóa chất.

BQL RPH Hồng Lĩnh hiện đang quản lý, bảo vệ gần 10 ngàn ha rừng và đất rừng trên địa bàn 4 huyện, thị (Nghi Xuân, Can Lộc, Lộc Hà và Thị xã Hồng Lĩnh), trong đó, diện tích rừng thông gần 6.000 ha (chủ yếu rừng trồng).

Ngoài sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, hàng năm, BQL RPH Hồng Lĩnh còn trồng mới từ 150 – 200ha ở những vùng có mật độ thông còn thưa.

Khác với các đơn vị quản lý rừng tự nhiên trong tỉnh, BQL RPH Hồng Lĩnh không phải chịu áp lực về nạn chặt phá, khai thác rừng để mưu lợi cá nhân. Song, do trong phạm vi rừng vẫn còn khá nhiều hộ dân sinh sống nên việc khai thác củi, đốt than diễn ra ở một số nơi luôn đặt rừng thông trước nguy cơ xảy ra cháy.

Để hạn hế đến mức thấp nhất vấn đề này, hàng năm, ngoài chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về các hành vi xâm hại rừng, BQL RPH Hồng Lĩnh giao cho các trạm quản lý bố trí lực lượng để chốt gác ở những vùng trọng yếu, đồng thời phối hợp tốt với chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trước các mùa khô, cùng với tập trung tu bổ các hạng mục công trình PCCR, đơn vị còn duy trì tốt chế độ trực gác ở 44 điếm canh rừng nhằm kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường liên quan đến cháy rừng để xử lý triệt để. Nhờ đó, 5 năm lại nay, dù tiết trời luôn khô nóng nhưng những cánh rừng thông một dải Lam Hồng vẫn trải dài một màu xanh biếc.

Gần đây, trước sức ép của việc khai thác vật liệu xây dựng (chủ yếu là đá) ở các khu vực phía đông Hồng Lĩnh, nhiều diện tích rừng thông không chỉ đứng trước nguy cơ bị phá bỏ mà còn là các khu vực dễ xảy ra tranh chấp về quyền lợi. Để dung hòa tốt mối quan hệ giữa phòng hộ với lợi ích kinh tế trước mắt này, đơn vị lập kế hoạch xác định những cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng cố tình vi phạm đến rừng và làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái kiến nghị ngành chức năng tuyệt đối không cấp và gia hạn cấp phép khai thác.

Tuy nhiên, vì quyền lợi của một bộ phận thiểu số, cộng với nhận thức về giá trị rừng còn hạn chế nên tình trạng xâm hại rừng thông vẫn chưa được chấm dứt. Đây không chỉ là trăn trở của những người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng thông nơi đây mà còn là vấn đề chưa dễ giải quyết của ngành lâm nghiệp Hà Tĩnh.

Do chính sách chung về khoán quản lý bảo vệ rừng của Nhà nước còn thấp trong khi đặc thù của vùng rừng này không có thêm loài cây gì thích nghi được với chất đất và khí hậu nên đa phần đời sống của CB, CNV ở BQL RPH Hồng Lĩnh còn nhiều hạn chế. Nhưng bằng tâm huyết với rừng, họ đã không quản khó khăn, trở ngại để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast