99% lao động Hà Tĩnh xuất khẩu do các doanh nghiệp ngoại tỉnh đưa đi

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh có trên 5.000 lao động vi phạm hợp đồng, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài. 99% lao động Hà Tĩnh đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan quản lý. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Trí Lạc đã giải trình thực trạng này tại Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa XVII.

99% lao động Hà Tĩnh xuất khẩu do các doanh nghiệp ngoại tỉnh đưa đi

Tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Trí Lạc đã giải trình về thực trạng quản lý xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh.

Hơn 5.000 lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài

Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH Nguyễn Trí Lạc thông tin: Đến nay, Hà Tĩnh đang có trên 67.818 người đang làm việc tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó tập trung ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Angola, Lào, các nước Châu Âu. Số ngoại tệ do người lao động gửi về nước là trên 4.500 tỷ đồng/năm.

Cho rằng con số trên 5.000 lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp hiện nay là thực sự đáng báo động, đại biểu Đào Anh Nga (Tổ đại biểu thị xã Hồng Lĩnh) đề nghị Giám đốc Sở LĐ-TB&XH trả lời nguyên nhân vì sao và giải pháp nào để xử phạt các lao động vi phạm.

99% lao động Hà Tĩnh xuất khẩu do các doanh nghiệp ngoại tỉnh đưa đi

Đại biểu Đào Anh Nga (Tổ đại biểu thị xã Hồng Lĩnh) đề nghị Giám đốc Sở LĐ-TB&XH trả lời nguyên nhân của thực trạng lao động Hà Tĩnh vi phạm hợp đồng, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài

Ông Nguyễn Trí Lạc cho biết, các giải pháp để hạn chế tình trạng lao động làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài, nhất là những người di cư tự do là không thể thực hiện được.

“Số lao động di cư tự do ra nước ngoài xét về mặt pháp lý thì không vi phạm pháp luật của Việt Nam vì người lao động sử dụng hộ chiếu, VISA hợp pháp đi du lịch, thăm thân, khám sức khỏe, du học… Vì vậy, để thực hiện các biện pháp hạn chế hay xử lý là không có căn cứ” - ông Lạc giải thích.

99% lao động Hà Tĩnh xuất khẩu do các doanh nghiệp ngoại tỉnh đưa đi

Đối với việc xử phạt người lao động vi phạm, theo giải trình của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cũng chưa thực hiện được vì đối tượng này đang cư trú ở nước ngoài và văn bản hướng dẫn của liên bộ thực hiện chế tài xử phạt theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ chưa rõ.

Vì vậy, mặc dù đã có trên 1.300 lao động thuộc đối tượng bị xử phạt, nhưng đến nay Hà Tĩnh vẫn chưa xử lý được trường hợp nào, điều này làm gia tăng số lao động cư trú bất hợp pháp.

Công tác quản lý doanh nghiệp XKLĐ ngoài tỉnh hoạt động trên địa bàn bị bỏ trống

Việc vi phạm của các doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực XKLĐ trong thời gian qua tăng cả về quy mô và mức độ là những vấn đề mà nhiều đại biểu HĐND tỉnh quan tâm.

Trả lời băn khoăn của đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt (Tổ đại biểu TP Hà Tĩnh) về việc tỉnh chỉ quản lý 1 DN với số lao động đưa đi làm việc nước ngoài mỗi năm là 30-50 lao động (chiếm 1% tổng số người XKLĐ), Giám đốc Nguyễn Trí Lạc cho biết, trước đây, toàn tỉnh có 5 đơn vị, nhưng sau một thời gian có DN vi phạm bị tước giấy phép, có DN hoạt động không hiệu quả nên hiện chỉ còn lại Công ty CP Phát triển Công nghiệp và Xây lắp thương mại Hà Tĩnh hoạt động XKLĐ trên địa bàn. Tuy nhiên, số lao động trên địa bàn tỉnh được DN này đưa đi XKLĐ rất ít.

99% lao động Hà Tĩnh xuất khẩu do các doanh nghiệp ngoại tỉnh đưa đi

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt (Tổ đại biểu TP Hà Tĩnh) chất vấn về công tác quản lý các doanh nghiệp xuất khẩu lao động

Trước trăn trở của đại biểu Nguyệt về công tác quản lý các doanh nghiệp XKLĐ ngoài tỉnh đang hoạt động cung ứng lao động đi nước ngoài trên địa bàn tỉnh ta, Giám đốc Lạc cho biết: “Hiện có trên 9.000 lao động (chiếm 99%) do các doanh nghiệp XKLĐ ngoài tỉnh đưa đi, số DN này khá lớn - 410 DN với 1.000 chi nhánh cùng với nhiều văn phòng, điểm tiếp nhận hồ sơ hoạt động chui trên địa bàn cả nước. Vì vậy việc quản lý hết sức khó khăn”.

Ông Nguyễn Trí Lạc cũng chia sẻ thêm, hiện công tác tuyển chọn lao động của doanh nghiệp XKLĐ không tuân theo một chuẩn mực, hay một quy định nào. Các DN này sử dụng điện thoại và mạng xã hội Zalo, Facebook để giới thiệu đơn hàng, hướng dẫn người lao động đăng ký tham gia các chương trình xuất khẩu lao động, sau đó trả hoa hồng cho người môi giới trung gian với số tiền khá lớn, khiến chi phí đi XKLĐ của Việt Nam cao nhất thế giới. Sở đã có kiến nghị với Bộ LĐ-TB&XH để tổ chức thanh tra, kiểm tra xử lý.

99% lao động Hà Tĩnh xuất khẩu do các doanh nghiệp ngoại tỉnh đưa đi

Mặc dù chưa được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm nhưng Công ty TNHH Xúc tiến việc làm Hải Thơm (tổ dân phố Đông Trinh, phường Kỳ Trinh, TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vẫn tổ chức hoạt động tư vấn, nhận hồ sơ và thu tiền của người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái quy định. (Trong ảnh: Khách sạn Forlove (TDP Đông Trinh, phường Kỳ Trinh, TX Kỳ Anh) là nơi đặt trụ sở Công ty TNHH Xúc tiến việc làm Hải Thơm). Ảnh Giang Nam.

Tiếp tục làm rõ những khoảng trống trong công tác kiểm soát, quản lý hoạt động XKLĐ trên địa bàn, các đại biểu HĐND tỉnh chất vấn: Có hay không tình trạng DN hoặc tổ chức, cá nhân không có giấy phép vẫn tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động đi làm việc ở nước ngoài?

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thừa nhận có nhiều DN trên địa bàn đang lợi dụng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở KH&ĐT cấp có mã ngành hoạt động cung ứng lao động hoặc giấy phép hoạt động tư vấn du học do Sở Giáo dục & Đào tạo cấp để tổ chức cung ứng lao động đi làm việc ở nước ngoài, lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người lao động. Ngành LĐ-TB&XH hiện chưa nắm bắt được số lượng cụ thể các DN này.

“Hiện nay, Sở LĐ-TB&XH đang phối hợp với Công an tỉnh tổ chức tổng kiểm tra DN hoạt động dịch vụ, việc làm để có giải pháp kiểm soát, quản lý trong thời gian tới, tuy nhiên, việc này cũng đang gặp nhiều khó khăn” - Giám đốc Nguyễn Trí Lạc cho biết.

99% lao động Hà Tĩnh xuất khẩu do các doanh nghiệp ngoại tỉnh đưa đi

Chủ đề Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Hà Tĩnh

Chủ đề Hà Tĩnh 24h

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast