Lúa nếp Hà Tĩnh: “Có bao nhiêu, mua bấy nhiêu”

(Baohatinh.vn) - Liên tục giữ giá từ 5.800 - 6.100 đồng/kg lúa tươi suốt từ đầu vụ thu hoạch, các loại giống lúa nếp (nếp 98, nếp 87) Hà Tĩnh đang có giá bán cao nhất từ trước tới nay …

Lúa nếp Hà Tĩnh: “Có bao nhiêu, mua bấy nhiêu”

Giá lúa nếp tươi tại chân ruộng Hà Tĩnh dao động động từ 5.800- 6.100 đồng/kg, cao nhất từ trước tới nay

Sở dĩ lúa nếp trở thành loại hàng “hot” tại thị trường Hà Tĩnh là vì nguồn cầu lớn. Không chỉ riêng đầu mối tại địa phương, các đầu nậu lớn từ ngoại tỉnh cũng vào tận nơi “có bao nhiêu, mua bấy nhiêu”. Được biết, phần lớn số lúa nếp này đều được xuất đi thị trường Trung Quốc.

Lúa nếp Hà Tĩnh: “Có bao nhiêu, mua bấy nhiêu”

Thương lái “dựng” điểm thu mua ngay trên đường lớn vào xã Thuận Lộc (thị xã Hồng Lĩnh)

Cánh đồng Nếp 98 của thôn Thuận Giang, xã Thuận Lộc (thị xã Hồng Lĩnh) chưa bao giờ sôi động như bây giờ. Dưới chân ruộng máy chạy ầm ù, gấp gáp thu hoạch hết thửa ruộng này vắt sang thửa ruộng khác. Lúa đổ ra từ máy còn nóng hôi hổi, bà con nông dân vội tải lên chiếc xe ba gác đẩy ra đường lớn để cân bán cho thương lái ngay bên bờ ruộng.

Ông Nguyễn Duy Hồng, thôn Thuận Giang cho hay: “Nhà tôi làm 3 mẫu thì 1,5 mẫu là nếp. Chưa năm nào được mùa, được giá như năm nay, năng suất bình quân 4 tạ/sào, thu lên là bán luôn cho thương lái với giá 5.800 đồng/kg. Giá cao nên nhà tôi bán hết sạch, thu “tiền tươi” trên 20 triệu đồng”.

Cánh đồng này chỉ kéo dài chưa đầy vài cây số nhưng có đến 2-3 điểm tập kết hàng của thương lái. Toàn bộ số lúa đã được bán đều là giống nếp các loại (chủ yếu vẫn là nếp 98). Sau mỗi ngày thu hoạch, các đầu nậu sẽ đưa xe tải “gom” hàng chuyển ra cho các ông chủ lớn miền Bắc trước khi xuất đi Trung Quốc.

Chị Nguyễn Thị Châu, thương lái ở Hương Sơn nhưng xuống tận thị xã Hồng Lĩnh để thu mua lúa. “Giá đã có chung của thị trường rồi, thời điểm cao nhất là 6.100 đồng/kg, còn lại cũng ở khoảng 5.700- 5.800 đồng/kg. Chúng tôi thu mua ở tất cả các địa phương và bán cho các đầu mối lớn để xuất khẩu đi Trung Quốc. Từ đầu vụ đến nay chúng tôi đã thu mua được khoảng 1.000 tấn”, chị Châu cho biết.

Lúa nếp Hà Tĩnh: “Có bao nhiêu, mua bấy nhiêu”

Không còn đưa lúa về nhà, nông dân xã Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc) đưa thẳng lúa nếp từ đồng vào nhập cho nhà buôn

Còn ở Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà… nhiều ngày nay cảnh mua - bán luôn tấp nập ngay trên bờ ruộng. Ông Đoàn Xuân Lai, thôn Quang Thiêm, xã Thanh Thịnh Bình (Đức Thọ) cho biết: “Mọi năm, giá nếp tươi chỉ được khoảng 4.500- 4.600 đồng/kg, còn giá như năm nay thì chưa khi nào có. Thu hoạch xong là bán lúa tươi luôn, không cần đưa về nhà nữa ”.

Tại kho tập kết lúa gạo của hộ thu mua ông Trần Quang Hiển, xã Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc) cứ ít ngày lại có một chuyến xe containe cỡ lớn về nhập hàng. “Bao giờ đầu mối lớn cần hàng thì chúng tôi bắt đầu thu mua của dân và chuyển đi. Tại vùng này, chúng tôi đã mua được khoảng trên 300 tấn với giá từ 5.700- 6.000 đồng/kg. Năm nay lúa nếp đắt giá ở tất cả các thị trường”.

Vào vụ xuân, Hà Tĩnh có khoảng gần 8.000 ha lúa sản xuất các loại giống nếp như: Nếp 98, Nếp 87 (chiếm khoảng 13% tổng diện tích). Điều đặc biệt, loại giống này phân bố đều trên tất cả các địa phương và được bà con nông dân ưa chuộng.

Lúa nếp Hà Tĩnh: “Có bao nhiêu, mua bấy nhiêu”

Nhiều cánh đồng lúa nếp ở Thạch Hà tiếp tục được thu hoạch gọn, giá bán vẫn chưa hề “hạ nhiệt”

Kỹ sư Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết: “Bình quân năng suất của các loại giống nếp ở khoảng 3,2- 3,5 tạ/sào, nơi cao đạt 4 tạ/sào ở vụ xuân, được xếp vào một trong những loại giống cho năng suất cao. Đặc biệt là nếp 98, giống thích ứng với nhiều vùng sinh thái, năng suất cao, ít nhiễm sâu bệnh và quan trọng nhất là giá trị hàng hóa rất cao”.

Hiện nay, nếp 98 thuộc bản quyền sản xuất của Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh, trở thành lợi thế của địa phương trong việc chủ động nguồn giống. Điều này, giúp ngành chuyên môn quản lý, kiểm soát chất lượng giống tại gốc, nhằm nâng cao giá trị hàng hóa sản phẩm lúa gạo cho bà con nông dân.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast