Bóng đá Việt Nam và 'nghệ thuật' thưởng

Tưởng thưởng hợp lý để lao động ngày càng tạo ra nhiều giá trị cho ông chủ là cả một nghệ thuật. Tuy nhiên, câu chuyện thưởng ở ta cũng theo kiểu “trăm hoa đua nở”, bóng đá cũng không là riêng biệt. Thậm chí, thưởng trong bóng đá gây nhiều tranh cãi trong 16 năm lên chuyên nghiệp.

Bóng đá Việt Nam và 'nghệ thuật' thưởng ảnh 1

1. Tổng số tiền thưởng mà đội bóng đất Thủ nhận được sau trận thắng Jenonbuk Hyundai Motors (với tỷ số 3 – 2) ở AFC Champions League mới đây lên tới 1,4 tỷ đồng, thực sự làm choáng váng giới bóng đá, nhất là trong điều kiện khó khăn như hiện nay, đa số các CLB đều chắt bóp chuyện thưởng.

Đành rằng thưởng lớn là việc của CLB nào có điều kiện, họ có quyền, nhưng nếu chỉ số ít vung tiền thưởng “quá trán”, cũng gây băn khoăn cho những nỗ lực chung của đa số CLB cùng xã hội đang muốn trả bóng đá về đúng giá trị cống hiến của nó.

Thưởng là vấn đề khá nhức nhối ở lĩnh vực bóng đá. Tại sao các ông chủ phải thưởng lớn cho cầu thủ, vốn dĩ được thuê, ký hợp đồng và trả lương rất cao để hoàn thành nhiệm vụ tất yếu?

Các cầu thủ B.Bình Dương được thưởng tới 1,4 tỷ đồng sau 1 trận thắng tại AFC Champions Leaague.Ảnh: Tuân Phạm

Bóng đá Việt Nam không hề thiếu những viện dẫn, về việc cầu thủ chỉ đá khi có thưởng và ngược lại. Ở một vài tình huống, việc treo thưởng trở thành con dao 2 lưỡi, mà điển hình là vụ tiêu cực SEA Games 23, Bacolod, Philippines, cách đây hơn 10 năm. Ở cấp độ V-League, một thời chưa xa CLB nào cũng phải treo thưởng trước các trận đấu, nếu không muốn cầu thủ sẽ chùn chân, mỏi gối.

Trong tự truyện “Tôi là Zlatan”, siêu tiền đạo Zlatan Ibrahimovic kể đã từng lên thẳng phòng ông chủ cũ ở Inter Milan, Massimo Moratti, để thuyết phục ngài chủ tịch nên thay đổi về quan niệm thưởng nóng cho từng trận đấu, bởi điều này là vô cùng tai hại.

Tiền đạo người Thuỵ Điển nói đại ý, một số ngôi sao sẽ chỉ thực sự cố gắng khi được hứa thưởng hậu hĩnh, ở những trận đấu cụ thể. Song tại sao, các ông chủ không thưởng cho họ, tuỳ vào thành tích chung cuộc của đội bóng. Và Moratti đã thay đổi, trước khi Inter Milan trở thành nhà vô địch Seria A nhiều năm liền và thậm chí đã từng đòi lại ngai vàng UEFA Champions League (mùa giải 2009 – 2010).

2. Trở lại với bóng đá Việt Nam và những quan điểm khá lạc hậu về phương pháp làm thưởng khi điều cơ bản nhất cầu thủ phải nhìn lên khán đài mà đá, phục vụ tối đa khán giả như nhiệm vụ cao cả của nghề.

Hãy nhìn B.Bình Dương đã và đang được xem như một đội bóng hàng đầu xứ sở, nhưng họ chưa bao giờ thu hút được lực lượng đông đảo CĐV, thậm chí là những khán giả trung lập. Một số trận đấu của nhà vô địch V-League, ví như cuộc tiếp đón Jenonbuk Hyundai Motors, chỉ có một nhóm CĐV nhỏ lẻ ngồi bên khán đài B, số còn lại khá chung dung, bao gồm cả các hàng ghế VIP, cũng không đáng kể.

Cầu thủ đá cho nhau và đá vì tiền thưởng, khi đáng ra, họ có thể chơi bóng với đầy đủ niềm tự hào, phục vụ khán giả. Thế mà họ vẫn được thưởng to, bất kể tính chất trận đấu, ít nhất với đối thủ Jenonbuk Hyundai Motors là không quá quan trọng.

Một sản phẩm làm ra để bán, mà với đối tượng khách hàng trực tiếp quan trọng nhất là khán giả, đã là quá khó, thì chúng ta phải xem lại về chất lượng, cũng như cung cách phục vụ. Khán giả, CĐV là những người nuôi đội bóng, đương nhiên họ cần một sản phẩm bóng đá tốt.

Đa số các CLB ý thức rất rõ về điều này, bất kể các ông chủ của họ cũng không thiếu tiền. Nhưng ý thức là một chuyện, chạy theo cái lợi trước mắt lại là chuyện khác.

Bong bóng bất động sản từng vỡ và người ta kỳ vọng rằng, bóng đá không là một loại bong bóng khác, mong manh trước gió. Muốn vậy, phải thay đổi quan điểm và cách làm, trong đó có vấn đề tiền thưởng sao cho đúng mức.

Nếu không, sẽ còn lâu cầu thủ mới chịu đá vì khán giả. Nghĩ kỹ, cũng không nên trách cầu thủ, bởi ai tạo điều kiện cho họ luôn nghĩ đến việc khai thác tiền thưởng từ các ông chủ?

Theo Tùy Phong/Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast