Transformers phiên bản bóng đá

Những ai đã từng xem qua bộ phim Transformers phần mới nhất của đạo diễn Michael Bay có lẽ cũng đồng ý: đấy là một “món ăn” thừa đạm nhưng... thiếu muối. Tuy nhiên, người ta vẫn cho vào miệng những thứ ấy thật ngon lành, cho đến khi... bị gout.

transformers phien ban bong da

Năm 2005, Michael Bay, đạo diễn lừng danh với những bộ phim bom tấn, cháy nổ, thử làm một phim “so deep” với “The Island”. Ông nhờ hai diễn viên tài danh và có thực lực là Ewan McGregor và Scarlett Johansson đóng vai chính. Kết quả là bộ phim... thất bại. Giới phê bình nói thẳng: Bay không hợp với kiểu phim như thế.

Kể từ đó, Michael Bay đoạn tuyệt luôn với kiểu phim đòi hỏi chiều sâu. Ông thậm chí chả cần đến năng lực diễn xuất của diễn viên. Và thế là Transformers ra đời, với những chú người máy biến hình, đã thu về hàng tỷ đô la.

Premier League cũng chính là Michael Bay với loạt phim ấy. Giải đấu này tràn ngập tiền của và quy mô ngày càng hoành tráng. Các CLB Premier League thất bại thê thảm khi ra châu Âu mấy năm nay, không thành vấn đề! Cầu thủ và HLV giỏi đều đổ về đó. Phim của Michael Bay đâu có tranh giải Oscar làm gì?

Trong bài viết về chủ đề cầu thủ Brazil chuyển sang Anh thi đấu ngày một nhiều hơn, Tom Sanderson của trang Thesefootballtimes đã trích dẫn một câu đầy tranh cãi: ‘Só para inglês ver’. Câu này có nghĩa là “Chỉ để cho người Anh nhìn và lựa chọn”, có nguồn gốc từ việc mua bán nô lệ ngày xưa. Có lẽ bài viết muốn ám chỉ: các cầu thủ Brazil đang là một dạng nô lệ cho những địa chủ người Anh. Cách đây mấy năm, cựu Chủ tịch FIFA Sepp Blatter từng gây bão khi gọi Cristiano Ronaldo là “nô lệ thời hiện đại”.

Về mặt thưởng ngoạn, Premier League tất nhiên rất dễ xem. Nó giống phim của Bay, không cần kiến thức điện ảnh quá dữ dội, không cần phải căng não ra suy nghĩ, không có những lớp nghĩa ẩn phía sau một khung hình. Chỉ đơn giản là giải trí thì rất ổn. Nhưng có những giải đấu lại đáng xem theo một kiểu khác, và những giải đấu ấy vẫn sống và bán được bản quyền truyền hình.

transformers phien ban bong da

Giải đấu... Brazil, mà các cầu thủ Brazil từ bỏ để sang Anh là một ví dụ.

Đấy là một giải đấu đầy kỹ thuật và ngẫu hứng, dù cho nhân sự được “thay máu” liên tục. Bạn có tin không khi năm ngoái, có tổng cộng 1.484 cầu thủ đến hoặc rời khỏi Brazil trong ba hạng đấu cao nhất của quốc gia này?

Theo thống kê của FIFA, Brazil là quốc gia chứng kiến nhiều cuộc chuyển nhượng quốc tế nhất hành tinh. Cụ thể trong năm 2016, 806 cầu thủ rời các CLB Brazil và 678 gia nhập Brazil theo chiều ngược lại. Premier League hay giải vô địch Trung Quốc không thể sánh nổi. Chỉ có điều họ không sánh được về tiền. Anh chi 1,08 tỷ bảng cho 659 vụ chuyển nhượng quốc tế trong năm 2016, con số này của Brazil chỉ là 67 triệu bảng.

Thế nhưng Brazil mới là ứng viên sừng sỏ cho chức vô địch World Cup 2018 chứ không phải Anh. Truyền thống vẫn là thứ mà người Anh không thể mua được. Brazil cũng từng có cơn khô hạn tài năng sau khi thế hệ Ronaldinho, Kaka giã từ. Nhưng họ khôi phục rất nhanh. Và giờ họ lại có Neymar, Philippe Coutinho, Roberto Firmino, Gabriel Jesus. Giải Brazil trình độ không hề kém giải Anh, và chất lượng kỹ thuật ở những trận đấu tại đây ở một tầm cao hơn hẳn.

Người ta thường nói: một nền bóng đá tốt sẽ sản sinh ra một giải vô địch tốt. Ở Anh, chúng ta đang thấy một điều ngược lại. Họ xây một giải vô địch tốt trước, và từ từ cải thiện nền móng sau. Những tín hiệu từ bóng đá trẻ gần đây khiến người Anh hy vọng, dù thất bại trong trận giao hữu trước Pháp mấy tuần trước kéo họ trở lại.

Nhưng đấy là chuyện vĩ mô và lâu dài. Còn trước mắt, cứ mỗi mùa Hè, người ta lại chờ xem giải Anh trổ những “bom tấn” gì, như dõi theo những con rô bốt xếp hình hoành tráng của Michael Bay.

Theo Bongda+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast