"Mức thu nhập hấp dẫn nếu lao động làm việc hợp pháp"

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ việc đáng tiếc đối với người lao động Hà Tĩnh đang làm việc tại Angola. Đặc biệt là tình trạng cư trú bất hợp pháp của lao động tại đất nước châu Phi này. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Lê Tiến Dũng – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH để rõ hơn về vấn đề này.

Hiện nay, phần lớn lao động Việt Nam, đặc biệt là lao động Hà Tĩnh đang làm việc trái phép ở Angola, xin ông cho biết cụ thể hơn về tình trạng này?

Thời gian gần đây, tình hình xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang thị trường các nước truyền thống gặp nhiều khó khăn, nhất là thị trường Hàn Quốc. Lợi dụng tình hình trên, một số tổ chức, cá nhân đã hứa hẹn với người lao động về hợp đồng làm việc tại Angola với công việc ổn định, thu nhập cao.

Theo thông báo của Bộ LĐ-TB&XH, đến nay, Bộ chưa cấp phép cho bất cứ một doanh nghiệp XKLĐ nào đưa lao động sang làm việc ở thị trường Angola. Vì vậy, tất cả người lao động Việt Nam sang làm việc tại Angola theo hình thức xin visa 1 năm hoặc visa du lịch 3 tháng đều không có hợp đồng lao động, không được bảo đảm về việc làm, thu nhập, không được hưởng các chính sách bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

Theo số liệu điều tra, khảo sát, cộng đồng người Việt Nam hiện đang làm ăn sinh sống tại Angola khá đông (ước tính khoảng trên 10 nghìn người, đông nhất tại các nước châu Phi); riêng Hà Tĩnh chiếm khoảng hơn 4 nghìn người. Đa số người lao động đều đã hết thời hạn visa và đang cư trú bất hợp pháp trên lãnh thổ Angola. Vì thế đã xảy ra những vụ việc đau lòng cho lao động như bị giết, bị lừa bán dâm… nhưng cơ quan chức năng phía Việt Nam chưa thể can thiệp sâu.

Xin ông cho biết ngành đã có những biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng trên?

Ngay từ đầu năm 2012, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức điều tra, thống kê toàn bộ danh sách người lao động Hà Tĩnh đang làm việc ở nước ngoài, bao gồm lực lượng lao động làm việc có hợp đồng lao động và không có hợp đồng. Theo đó, Hà Tĩnh có trên 35.000 lao động đang làm việc tại 57 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, lực lượng lao động di cư tự do đi làm việc ở nước ngoài chiếm số lượng khá lớn với trên 14 nghìn người, tập trung chủ yếu ở 3 thị trường chính là Thái Lan, Lào và Angola.

Lao động tìm kiếm việc làm, thị trường lao động tại Sàn giao dịch việc làm Khu kinh tế Vũng Áng
Lao động tìm kiếm việc làm, thị trường lao động tại Sàn giao dịch việc làm Khu kinh tế Vũng Áng

Trên cơ sở số liệu điều tra, khảo sát, chúng tôi đã tiến hành phân tích thực trạng tình hình, tìm hiểu nguyên nhân và đề ra giải pháp để chấn chỉnh. Trong đó tập trung chỉ đạo đối với những địa phương có số lượng lớn lao động di cư tự do đi làm việc ở nước ngoài đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tổ chức hội nghị cung cấp những thông tin cần thiết và những cảnh báo về nguy cơ mất an toàn mà người lao động gặp phải khi ra nước ngoài làm việc trái phép. Đặc biệt là cảnh báo các ngành, địa phương không hợp tác, ngăn ngừa các cá nhân, doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tin báo chí để tuyên truyền, nâng cao cảnh giác với người dân, ngăn ngừa tình trạng người lao động di cư tự do đi làm việc nước ngoài.Gần đây, ngày 12/4/2013, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục có Công văn số 321/CV-SLĐTBXH về việc ngăn ngừa tình trạng đưa lao động di cư tự do đi làm việc tại Angola gửi các ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh. Sở LĐ-TB&XH đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các phòng, ban liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn không hợp tác với bất cứ cơ quan, tổ chức nào để vận động, tư vấn, hướng dẫn người lao động đăng ký đi làm việc tại Angola, nhằm giảm thiểu những rủi ro, thiệt hại cho người lao động. Nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo đề nghị thông báo cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng XKLĐ đối với thị trường Angola?

Angola là một trong những đối tác trọng điểm của Việt Nam tại khu vực miền Nam châu Phi. Thế mạnh nổi trội của Angola là có nhiều tài nguyên khoáng sản như dầu lửa với sản lượng khai thác 2 triệu thùng/ngày, nguồn kim cương đứng thứ 5 thế giới. Angola đang trong quá trình xây dựng và tái thiết lại đất nước sau nhiều năm chìm trong nội chiến.

Theo đánh giá, ở Angola, riêng ở lĩnh vực xây dựng đang phát triển các tổ chức nhỏ lẻ do người Việt đứng ra làm chủ và nhận thầu với số lao động lên tới hơn 2 nghìn người. Người Việt Nam phần đông sinh sống tại thủ đô Luanda và một số tỉnh lân cận. Công việc chủ yếu của cộng đồng Việt là lao động tự do như: bán quần áo, xây dựng, làm ảnh. Thu nhập bình quân cho một lao động phổ thông Việt Nam ước khoảng 1.000 USD/tháng, một mức thu nhập khá hấp dẫn tại khu vực châu Phi nếu như lao động được làm việc hợp pháp.

Mới đây, nhân chuyến thăm và làm việc với tỉnh Hà Tĩnh của ngài Joao Manuel Bernardo - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Angola, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thiện đã bày tỏ mong muốn thời gian tới, Chính phủ 2 nước Việt Nam và

Angola sớm ký kết nghị định về hợp tác đưa lao động sang làm việc theo hình thức hợp đồng XKLĐ để tránh rủi ro người lao động; đồng thời đề nghị Chính phủ Angola cho phép doanh nghiệp XKLĐ trực tiếp của Hà Tĩnh được làm thí điểm đưa người lao động Việt Nam sang làm việc theo hình thức hợp đồng lao động. Ngoài ra, cho phép những lao động của Việt Nam, trong đó có lao động của Hà Tĩnh hiện đang làm việc tại Angola được phép chuyển đổi sang hình thức làm việc theo hợp đồng với thời hạn tối thiểu là 3 năm.

Ngài đại sứ Joao Manuel Bernardo đã tiếp thu những kiến nghị của Hà Tĩnh để báo cáo lại với Chính phủ Angola, đồng thời sẽ cố gắng để thúc đẩy quá trình hợp thức hóa vấn đề XKLĐ bằng những văn bản ghi nhớ, ký kết các hợp đồng. Khi nghị định về hợp tác XKLĐ giữa hai nước được ký kết, sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để người lao động đi làm việc tại Angola một cách an toàn, hợp pháp, mặt khác, các doanh nghiệp XKLĐ sẽ giúp người lao động lựa chọn được những đơn hàng tốt, những công việc thu nhập cao…

Xin cảm ơn ông!

.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast