Xóa trạng thái “kỳ dị”: 63 tỉnh, 63 nền kinh tế

Tại Việt Nam, 63 nền kinh tế địa phương và 1 nền kinh tế trung ương giống hệt nhau nhưng độc lập với nhau tạo nên trạng thái “kỳ dị”.

Trình bày bài tham luận tại Hội thảo quốc tế “Liên kết vùng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam”, PGS. TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, ở Việt Nam, nền kinh tế quốc gia được cấu thành từ 63 nền kinh tế địa phương và 1 nền kinh tế trung ương giống hệt nhau nhưng độc lập với nhau.

Xóa trạng thái “kỳ dị”: 63 tỉnh, 63 nền kinh tế ảnh 1

PGS. TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

TS. Thiên cho hay, kinh tế Việt Nam hiện được tổ chức theo đơn vị tỉnh, trong khi các tỉnh lại độc lập với nhau về quyền lực điều hành và lợi ích, trên cả hai tuyến quản lý hành chính và ngân sách.

Vị chuyên gia này cho rằng, mô hình 64 "nền kinh tế độc lập" đang gây lãng phí nguồn lực phát triển trên quy mô lớn, phát triển xu hướng đua tranh không lành mạnh (thậm chí là "cạnh tranh cùng chết", "cạnh tranh cùng xuống đáy") giữa các tỉnh, thúc đẩy "chủ nghĩa thành tích ảo".

Nền "kinh tế tỉnh ta" và cơ chế “xin –cho”

Về mặt quản lý nhà nước, hầu như chỉ tồn tại mối liên hệ "dọc" từ trung ương đến địa phương. Trong cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, mối liên hệ dọc này tạo thành cốt lõi của cơ chế "xin-cho". Hoạt động kinh tế của các tỉnh gần như độc lập với nhau, từ góc nhìn nhà nước có thể goi là biệt lập nhau, TS. Thiên nêu vấn đề.

Theo ông Trần Đình Thiên, đặc điểm này đã hình thành một trạng thái "kỳ dị" của nền kinh tế thị trường (đúng hơn là nền kinh tế đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường) ở Việt Nam hiện nay: nền kinh tế quốc gia được cấu thành từ 64 nền kinh tế giống hệt nhau nhưng độc lập với nhau. Các nền kinh tế này có quy mô nhỏ bé, dân số trung bình 1-2 triệu người với GDP đầu người bình quân năm 2015 chỉ khoảng 2.100 USD. Mặc dù có những nỗ lực phát triển nhưng theo ông Thiên, những nỗi lực đó là đạt đến tới hạn của thành tích phát triển.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, đa số các tỉnh đều gặp những giới hạn nghiêm ngặt của cơ chế và nguồn lực "đóng cửa" nên hầu như không thể bứt phá. Giới hạn này mang tính nguyên tắc, là đặc điểm cố hữu, tất nhiên của hệ thống cơ chế "kinh tế tỉnh ta".

TS. Thiên nêu tình trạng các tỉnh đua nhau làm khu công nghiệp, đua nhau làm cảng biển, đua nhau thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) bằng cách "hạ giá” địa phương mình, tìm cách gây khó khăn cho tỉnh bạn (tranh chấp phát triển cảng biển, không phối hợp kết nối giao thông), "ngăn sông, cấm chợ" (cấm chuyển quặng ra khỏi tỉnh, tiêu thụ "bia tỉnh ta")...

“Đây là những hiện tượng khá phổ biến, gây ra những tổn thất to lớn ở cả tầm quốc gia”, TS. Thiên nhận định.

Ông Trần Đình Thiên khẳng định, cấu trúc "nền kinh tế tỉnh" chứa đựng những yếu tố và xu hướng phát triển đi ngược lại nguyên lý cơ bản của kinh tế học - nguyên lý lợi thế quy mô, nguyên lý phân công - hợp tác. Điều này cũng đi ngược lại xu hướng phát triển kinh tế hiện đại là thiết lập và mở rộng phạm vi chuỗi liên kết, mạng sản xuất, cụm công nghiệp.

Xóa trạng thái “kỳ dị”: 63 tỉnh, 63 nền kinh tế ảnh 2

Xu hướng phát triển kinh tế hiện đại là thiết lập và mở rộng phạm vi chuỗi liên kết, mạng sản xuất, cụm công nghiệp

“Lực cản” liên kết vùng

TS. Thiên cũng cho rằng, muốn thoát khỏi giới hạn chật hẹp, kém hiệu quả của cơ chế kinh tế tỉnh, không thể chỉ dừng lại ở việc chỉnh sửa, cải tiến hay "cơi nới" cơ chế phân quyền, phân cấp kinh tế hiện tại mà phải thay nó bằng một cơ chế khác đó là thể chế vùng kinh tế.

Phương án triệt để nhất là cần tích cực chuẩn bị để ra đời càng sớm càng tốt: cả nước lập ra 8-10 vùng hành chính - kinh tế độc lập, mỗi vùng bao gồm một số tỉnh hiện nay đang là độc lập sẽ chuyển thành một thành phần cấu trúc bộ phần của vùng và phụ thuộc.

Về mặt quản lý nhà nước, vùng sẽ đóng vai trò của tỉnh hiện nay - là một cấp quyền lực mang tính độc lập cao, là cơ quan quản lý hành chính - kinh tế của vùng (thiết chế độc lập). Như vậy, vùng thay thế vai trò của tỉnh, đồng thời đẩy tỉnh xuống thành cấp quản lý trực thuộc vùng.

Lợi ích chiến lược của kinh tế vùng là rõ ràng: xóa bỏ tình trạng manh mún, chia cắt và cát cứ theo tỉnh hiện nay, quy hoạch phát triển vùng sẽ hiệu quả hơn nhờ tránh được chồng chéo, lãng phí. Việc thực hiện quy hoạch phát triển vùng sẽ tránh được các xung đột cục bộ cũng như những phản đối xuất phát từ lợi ích nhóm.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này cũng thừa nhận, việc thay đổi cấu trúc tổ chức hành chính - nhà nước luôn luôn là điều không dễ dàng, luôn luôn chưa đựng khả năng gây xung đột lợi ích nhóm một cách gay gắt.

Lực lượng chống đối phương án này tại các địa phương là rất lớn do việc sáp nhập các tỉnh thành vùng chắc chắn sẽ gây tổn tại lợi ích của họ, TS. Thiên chia sẻ.

Do vậy, phương án "quá độ" được đưa ra là thành lập Hội đồng tư vấn phát triển vùng để tăng cường khả năng phối hợp hoạt động các địa phương trong vùng. Theo đó, vùng chưa thể là một đơn vị hay một khu vực hành chính, nhưng cũng không phải là phép cộng đơn thuần của các đơn vị hành chính nhỏ hơn như tỉnh.

Hội đồng này được lập ra với sự tham gia của các lãnh đạo tỉnh, vị chủ tịch hội đồng nên là một người có vị thế độc lập với các địa phương, có mối liên hệ trực tiếp với Trung ương và trong trường hợp các tỉnh không tạo được sự đồng thuận phát triển thì có thẩm quyền kiến nghị các vấn đề phát triển vùng lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để Chính phủ can thiệp, TS. Thiên gợi ý./.

Theo Trần Ngọc/VOV.VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast