Tập trung lực lượng, vật tư thiết bị để sớm dập tắt dịch LMLM gia súc

Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ trong chuyến kiểm tra công tác phòng chống dịch LMLM tại huyện Thạch Hà vào sáng ngày 14 - 11.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ kiểm tra công tác dập dịch ở xã Nam Hương
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ kiểm tra công tác dập dịch ở xã Nam Hương

Sau khi trực tiếp kiểm tra việc khoanh vùng xử lý dịch LMLM trên đàn trâu bò tại một số hộ dân ở xã Nam Hương (Thạch Hà), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở NN&PTNT, Chi cục thú y, huyện Thạch Hà và 7 xã đã xuất hiện dịch từ tháng 9 đến nay gồm: Thạch Sơn, Thạch Long, Thạch Thắng, Nam Hương, Thạch Khê, Thạch Điền và Thạch Tân.

Theo đó, dịch LMLM ở Thạch Hà bắt đầu xuất hiện tại xã Thạch Sơn từ ngày 12 - 9. Đến thời điểm này, Thạch Hà còn 3 xã có dịch chưa qua 21 ngày là Nam Hương (71 con trâu bò), Thạch Điền (18 con trâu bò) và Thạch Tân (9 con trâu bò). Nguyên nhân chủ yếu do công tác tiêm phòng triển khai chậm, đa số gia súc mắc bệnh chưa được tiêm phòng vụ đông.

Mặc dù các xã có dịch đã triển khai các biện pháp bao vây, khoanh vùng, lập chốt kiểm dịch tiêu độc khử trùng và cấm buôn bán, vận chuyển gia súc ra vào địa bàn nhưng do quá trình thực hiện thiếu đồng bộ, cùng với ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân chưa cao nên dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.

Gia súc mắc bệnh phải được đóng dấu chín để quản lý
Gia súc mắc bệnh phải được đóng dấu chín để quản lý

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ chỉ đạo huyện Thạch Hà cần tiếp tục triển khai các biện pháp đồng bộ để dập tắt dịch trong thời gian sớm nhất, nhất là chủ động trích kinh phí (khoảng 50 triệu đồng) để hỗ trợ các địa phương chống dịch; tiếp tục soát xét công tác tiêm phòng vụ đông vừa qua để tiến hành tiêm bổ sung từ vùng dịch, vùng khống chế ra các xã, thị có tỷ lệ tiêm thấp.

Đối với Sở NN&PTNT, cần chỉ đạo Chi cục thú y tỉnh tăng cường lực lượng, vật tư, máy móc để hỗ trợ các địa phương dập dịch; rà soát chính sách cho cán bộ thú y cơ sở để có phương án hỗ trợ thỏa đáng để họ an tâm công tác. Về lâu dài, ngành chủ quản cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục tuyên truyền một cách sâu rộng và hiệu quả về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh cũng như vai trò của công tác tiêm phòng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast