Trong dáng đứng của anh có dáng hình Tổ quốc

(Baohatinh.vn) - Trong những ngày tháng tư lịch sử này, nhiều người lại nhớ đến bài thơ Dáng đứng Việt Nam của nhà thơ Lê Anh Xuân. Bài thơ là khúc tưởng niệm về một thời kỳ oai hùng, về những con người oai hùng mà tên các anh đã hòa vào tên đất nước.

Trong dáng đứng của anh có dáng hình Tổ quốc

“Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường/Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ” - Lê Anh Xuân (Ảnh tư liệu)

Trước hết phải khẳng định rằng, trong những bài thơ đi cùng năm tháng, Dáng đứng Việt Nam của nhà thơ Lê Anh Xuân được xem như một bản anh hùng ca về đề tài chiến tranh cách mạng. Ở đó, hình ảnh người lính hiện lên với vẻ đẹp đầy tính biểu tượng.

Vượt lên trên cả những đau thương mất mát, bài thơ tôn vinh cái đẹp của sự hy sinh cao cả cho lý tưởng cách mạng. Viết về sự hy sinh nhưng hình ảnh chiến sĩ giải phóng quân hy sinh trên sân bay Tân Sơn Nhất đã trở thành một bức tượng đài đầy tính biểu cảm:

Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất

Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng

Và Anh chết trong khi đang đứng bắn

Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.

Ở đầu bài thơ, hình ảnh người chiến sĩ giải phóng quân đã hiện lên rất dũng cảm. Trong lúc đối mặt với kẻ thù, người chiến sĩ ấy đã trúng đạn. Ở phút giây anh ngã xuống ấy, anh vẫn không chịu đầu hàng, không chịu khuất phục, anh đã dùng ngay xác trực thăng để làm điểm tựa chiến đấu tiếp.

Trong dáng đứng của anh có dáng hình Tổ quốc

Người dân ùa ra đường chung niềm vui đại thắng cùng các chiến sỹ giải phóng quân (Ảnh tư liệu)

Chính cái tư thế không chịu lùi bước trước kẻ thù của anh đã làm quân giặc hoảng sợ nhận ra rằng sức mạnh của vũ khí tối tân hiện đại cũng không thể nào thắng nổi ý chí quật cường của những người lính giải phóng. Sự quả cảm ấy đã làm cho kẻ thù khiếp sợ mà đầu hàng. Ta có thể thấy được hành trang của người lính giải phóng như một sự đối nghịch với máy bay tối tân của giặc Mỹ đã nằm lại dưới chân anh:

Anh tên gì hỡi Anh yêu quý

Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng

...

Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ

Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường

Khổ thơ này có thể coi là cao trào khắc họa hình ảnh những hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ. Những người lính không để lại một tấm hình hay một dòng địa chỉ nhưng đã để lại bao thổn thức nhớ thương trong lòng Nhân dân Việt Nam.

Trong dáng đứng của anh có dáng hình Tổ quốc

Quân giải phóng chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975 (Ảnh: TTXVN)

Điệp từ “không” thêm một lần nữa nhấn mạnh những phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ. Họ chiến đấu vì lý tưởng, độc lập, vì muốn có một cuộc sống hòa bình. Đó là một sự hy sinh cao cả. Bởi thế, dáng đứng của các anh trên đường băng Tân Sơn Nhất ấy đã nâng Tổ quốc lên tầm cao mới.

Anh là chiến sỹ giải phóng quân.

Tên Anh đã thành tên đất nước

Ôi anh Giải phóng quân!

Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất

Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.

Dáng đứng Việt Nam là thi phẩm cuối cùng của nhà thơ - chiến sĩ Lê Anh Xuân, được viết tháng 3/1968 trong những ngày khói lửa của cuộc Tổng tiến công mùa xuân Mậu Thân. Bài thơ đã khắc họa thành công chân dung của người giải phóng quân một cách rõ nét nhất bởi chính anh cũng là một người lính trong cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, trong đội hình của mũi tấn công vào Sân bay Tân Sơn Nhất. Được lệnh, các chiến sỹ băng qua hàng rào thép gai đánh chiếm lô cốt địch, tràn vào sân bay phá hủy máy bay.

Tuy nhiên, lực lượng địch rất đông. Nhiều chiến sĩ bị thương vẫn chống trả lại rất kiên cường. Họ gượng dậy tì súng vào máy bay giặc để chiến đấu, lấy máy bay giặc làm nơi che chở. Hình ảnh ấy nhà thơ chiến sỹ của chúng ta chứng kiến và ghi lại bằng những con chữ thấm máu, để rồi hai tháng sau khi bài thơ ra đời, nhà thơ, chiến sĩ Lê Anh Xuân đã vĩnh viễn nằm lại tại một mặt trận ở ven thành phố Sài Gòn ngày 24/5/1968.

Trong dáng đứng của anh có dáng hình Tổ quốc

Sân bay Tân Sơn Nhất hôm nay (Ảnh internet)

Giáo sư John Dumbrell - tác giả cuốn Rethinking the Vietnam War (Nghĩ lại về Chiến tranh Việt Nam) xuất bản năm 2012 cho rằng: “Sự thất bại của Mỹ tại Việt Nam là trường hợp rõ ràng đầu tiên khi Mỹ để thua một cuộc chiến. Thất bại đó dẫn đến nhiều thập niên người Mỹ ngờ vực chính mình, và khủng hoảng bản sắc sâu đậm trong chính trị Mỹ. Làm thế nào giải thích thất bại của cường quốc số một thế giới trước quân đội cộng sản Việt Nam tương đối nhỏ? Sức mạnh và quyết tâm của lực lượng chống Mỹ, cả ở Bắc và Nam Việt Nam, là một phần câu trả lời…”

Và một phần câu trả lời nữa đó là lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam được thể hiện trong những vần thơ nồng đượm tình yêu đất nước, quê hương, ngập tràn lý tưởng cách mạng và vững vàng một niềm tin chiến thắng.

Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân là một bài thơ như thế.

Chủ đề CHIẾN THẮNG 30/4 VÀ QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1/5

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast