Đã là đảng viên thì không nên... ba phải!

Dịp đầu năm 2012, tôi đến công tác ở huyện H, rất may được gặp nhiều đồng chí cán bộ thuộc các ban Đảng của Huyện uỷ, những người có kinh nghiệm chỉ đạo cơ sở...

Sinh hoạt tư tưởng:

Không rào đón trước sau, tôi đi thẳng vào vấn đề:

- Cuối năm 2011, các cấp, các ngành tổ chức hội nghị để đánh giá kết quả hoạt động của năm qua và bàn phương hướng hoạt động của năm mới. Theo các đồng chí, chất lượng của những hội nghị đó ra sao, có cần bổ cứu gì không?

Hình như câu hỏi của tôi đã khơi đúng mạch nên đồng chí S trả lời ngay:

- Tổng kết cuối năm là dịp kiểm điểm, ghi nhận những thành tựu đã đạt được, rút ra kinh nghiệm, nguyên nhân để tiếp tục phát huy, đồng thời nghiêm túc nhìn nhận những yếu kém, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, thấy rõ trách nhiệm của tập thể và từng người để khắc phục. Tuy nhiên, được dự nhiều hội nghị, tôi thấy có một hiện tượng, tuy không nhiều, nhưng gây cảm giác khó chịu cho mọi người, đó là tình trạng thờ ơ, bàng quan trước một sự việc, hay nhiệm vụ của ngành mình, đơn vị mình. Khi tổ chức hội nghị, thường có nhiều ý kiến tham gia, mỗi người đánh giá, phân tích theo suy nghĩ và sự hiểu biết của cá nhân mình và cuối cùng đi đến biểu quyết nhất trí theo ý kiến đa số. Việc biểu quyết là thể hiện quan điểm và nhận thức của mỗi người trong việc phân biệt rõ sự việc ấy, ý kiến ấy đúng hay chưa đúng, nhất trí hay không nhất trí, tạo sự thống nhất và dân chủ mà vẫn giữ được sự đoàn kết trong đơn vị mình, cơ quan mình. Vậy mà có đồng chí trong cuộc họp khi cần phải biểu quyết thì lại không biểu quyết cho ý kiến nhất trí, cũng chẳng biểu quyết cho ý kiến không nhất trí. Nghĩa là chung chung… “ba phải” (!) không thể hiện rõ ràng quan điểm của mình, mà còn thờ ơ, bàng quan trước nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Thấy đồng chí S dừng lại, tôi “truy tiếp”:

- Vậy theo các đồng chí, làm thế nào để khắc phục tình trạng này?

Nghe tôi hỏi xong, một lúc sau đồng chí H chậm rãi đáp:

- Tôi tán thành những điều đồng chí S vừa nêu. Không suy nghĩ sâu sắc để đóng góp ý kiến một cách chủ động và tích cực trong các hội nghị (có thể là hằng tháng, quý, năm) của cơ quan, đơn vị là thiếu trách nhiệm, chưa làm tròn trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Để khắc phục tình trạng này, nên chăng mỗi cơ quan, đơn vị trước khi tổ chức hội nghị, hội thảo hay đại hội... cần quán triệt kỹ và sâu sắc về nội dung và trách nhiệm để mọi cán bộ, đảng viên, tự xác định trách nhiệm của cá nhân mình, tập trung trí tuệ vì đơn vị, vì cái chung lớn hơn mà góp sức xây dựng.Không nên để hiện tượng “ba phải”, vô thưởng vô phạt như vậy. Đặc biệt là trong lúc toàn đảng, toàn dân và toàn quân chúng ta đang thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức trách nhiệm của mỗi người vì tập thể, vì cộng đồng…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast