Cẩm Xuyên cơ bản tiêu huỷ hết diện tích lúa bị bệnh lùn sọc đen.

Vừa diệt trừ xong nạn sâu cuốn lá nhỏ, nhiều xã ở Cẩm Xuyên đã phải đối mặt với bệnh lùn sọc đen hại lúa ,nhưng nhờ phát hiện kịp thời và huy động được cả hệ thống chịnh trị vào cuộc với nhiều biện phát tích cực, huyện lúa đã cơ bản tiêu huỷ xong diện tích lúa bị bệnh và đang chỉ đạo bà con trồng khoai trên diện tích này.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ

và cán bộ Sở NN & PTNT thăm cánh đồng lúa xã Cẩm Thịnh - vốn bị khô hạn, sâu bệnh gây hại

nhưng nhờ được xử lý kịp thời nên lúa đang phát triển tốt

Theo phòng NN&PTNT huyện, trên diện tích 8.257 ha lúa hè thu năm nay có đến gần 950 ha bị nhiễm bệnh lùn sọc đen, trong đó, diện tích bị nhiễm nặng phải tiêu huỷ hoàn toàn là 350 ha. Bệnh xuất hiện chủ yếu trên các giống lúa: XM12, PC6, HT1 và tại những xã vùng gần đồi núi, bán sơn địa. Những xã có diện tích nhiễm bệnh lớn là: Cẩm Lạc 227 ha, Cẩm Minh 129 ha, Cẩm Lĩnh 115 ha…Về tại các xã trên chúng tôi đã chứng kiến được không khí khẩn trương, quyết liệt của cán bộ huyên, xã và đông đảo bà con nông dân trên từng ô ruộng. Tại những xã trên, thiệt hại lớn là điều không còn bàn tính. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với bà con tại ruộng, hầu hết mọi người đều không quá bi quan và hiểu rõ tầm quan trọng, mức độ và áp dụng đúng đắn những biện pháp phòng trừ dịch bệnh. Bà con nông dân cho biết, ở những thửa ruộng ít rầy, chỉ cần phun thuốc diệt rầy đúng qui định, hướng dẫn; còn ở những thửa ruộng có nhiều rầy hơn thì cần phải thực hiện biện pháp tiêu huỷ để tránh lây nhiễm sang vụ sau.

Hiểu biết trên ở bà con nông dân là kết quả của sự nỗ lực lớn của lãnh đạo cấp huyện, xã, nhất là ngành nông nghiệp huyện. Anh Lê Ngọc Hà-Phó Phòng NN&PTNT huyện cho biết, đầu tháng 7/2010, khi phát hiện một số diện tích lúa tại xã Cẩm Lạc có biểu hiện của bệnh lùn sọc đen, Trạm Bảo vệ thực vật(BVTV)đã kịp thời phối hợp với Chi cục BVTV tỉnh tổ chức lấy mẫu gửi đi giám định. Khi có kết quả là dương tính, UBND huyện ra quyết định thành lập các tổ chỉ đạo công tác phòng trừ bệnh lùn sọc đen. Theo đó, các tổ và các thành viên được phân công phụ trách các xã, thị trấn có nhiệm vụ phối hợp với ban chỉ đạo các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các thôn xóm và bà con nông dân triển khai thực hiện các biện pháp phòng trừ như: giám sát đồng ruộng chặt chẽ, phát hiện chính xác triệu chứng bệnh…; chịu trách nhiệm về kết quả thống kê và tiêu huỷ số diện tích lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen. Ngay sau đó, huyện tổ chức hội nghị cán bộ cốt cán toàn huyện để triển khai các biện pháp phòng, chống dập dịch; đồng thời phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức tập huấn, tuyên truyền kỹ cho cán bộ và bà con nông dân nhận biết triệu chứng bệnh trên lúa, môi giới truyền bệnh và các biện pháp phòng trừ. Hơn 4000 tờ rơi đã được in và phát tận tay cho các hộ nông dân. Nhằm bổ cứu và nắm bắt kịp thời những vướng mắc trong việc triển khai các biện pháp cũng như kết quả thống kê, rà soát diện tích nhiễm bệnh, các tổ công tác của huyện thực hiện 3 ngày giao ban một lần. Để phục vụ công tác tiêu huỷ và khống chế dịch có hiệu quả, huyện đã trích 340 triệu đồng từ ngân sách dự phòng mua thuốc cấp phát cho các xã, thị trấn.

Nhờ phát hiện dịch bệnh kịp thời, có sự chỉ đạo quyết liệt và huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc…nên đến hết ngày 15/8, Cẩm Xuyên cơ bản đã tiêu huỷ hết diện tích lúa hè thu nhiễm bệnh lùn sọc đen. Và đây cũng chính là bài học kinh nghiệm mà Cẩm Xuyên rút ra được trong thời gian qua khi cùng một lúc phải dồn sức phòng, chống cả 2 loại dịch trên lúa là sâu cuốn lá và lùn sọc đen.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast