Hướng đi nào cho phát triển cao su tiểu điiền?

Qua 14 năm được trồng trên đất Hà Tĩnh, bước đầu đã khẳng định, cao su là loại cây phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh và cho hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, bên cạnh chủ trương phát triển cao su đại điền, Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm phát triển cao su tiểu điền để khai thác tiềm năng đất đai, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên trước mắt, vẫn còn nhiều bài toán đang đặt ra cho tương lai của hướng đi mới này.

Đồng thuận trong xác định mô hình liên kết sản xuất

Hà Tĩnh có trên 170 ngàn ha đất lâm nghiệp đã được quy hoạch sản xuất, đây là nguồn lợi rất lớn trong phát triển cây công nghiệp từ vốn rừng. Sau nhiều trăn trở tìm hướng đi cho ngành lâm nghiệp và người dân làm nghề rừng, năm 1997 những cây cao su đầu tiên chính thức được bén rễ trên đất rừng tỉnh ta. Đến nay, diện tích cao su đã phát triển lên 9.770 ha. Sau 14 năm triển khai đã khẳng định, cây cao su hoàn toàn thích nghi được với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, đặc biệt hiệu quả kinh tế thu được cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác.

Cây cao su đã được khẳng định là cây có hiệu quả kinh tế cao trên đất Hà Tĩnh

Cây cao su đã được khẳng định là cây có hiệu quả kinh tế cao trên đất Hà Tĩnh

Tuy nhiên, một hạn chế trong phát triển cây cao su ở tỉnh ta, đó là thực trạng thiếu cân bằng giữa diện tích cao su đại điền và cao su tiểu điền. Hiện toàn tỉnh mới chỉ có 423 ha cao su tiểu điền, chiếm 4% tổng diện tích cao su. Trong khi đó, tỉnh Quảng Bình, cao su tiểu điền chiếm 52% diện tích; tỉnh Quảng Trị chiếm 75%. Đáng chú ý là điều kiện tự nhiên của các địa phương này gần như tương đồng với địa bàn Hà Tĩnh. Với thực trạng trên, phát triển diện tích cây cao su tiểu điền là một yêu cầu có tính cấp thiết, đặc biệt là trong giai đoạn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh, các ban, ngành, địa phương có tiềm năng trồng cây cao su và đại diện Tập đoàn Cao su Việt Nam, các công ty cao su trong tỉnh gần đây được coi là một động thái quan trọng, có ý nghĩa như là một bước khởi động cho tương lai của cây cao su tiểu điền ở tỉnh ta.

Ông Lê Xuân Hòe - Phó tổng Giám đốc Tập đoàn cao su Việt Nam cho biết: “Đối với địa bàn Hà Tĩnh, việc đầu tư trồng cây cao su, nhất là cao su tiểu điền sẽ gặp nhiều khó khăn như điều kiện khí hậu, cơ sở hạ tầng, người dân thiếu kiến thức, thiếu vốn… Tuy nhiên, ngoài yếu tố lợi nhuận, chúng tôi còn xác định nhiệm vụ không kém phần quan trọng, đó là cùng địa phương khai thác tối đa vốn rừng để sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Vì vậy, có được một tiếng nói chung là cơ sở để sớm thực thi chủ trương kế hoạch đã đề ra”.

Về việc lựa chọn mô hình liên kết giữa các công ty và người dân, hai bên đã đưa ra 3 phương án để bàn bạc: Thứ nhất là mô hình lên kết - công ty đầu tư 100% vốn, hộ dân đầu tư đất; thứ hai là, công ty đầu tư giống, kỹ thuật và vật tư trong giai đoạn kiến thiết cơ bản và thu lại bằng sản phẩm khi vườn cây cao su bắt đầu cho khai thác; thứ ba là, hộ dân đầu tư 100% vốn, công ty hỗ trợ kỹ thuật, cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm.

Trong 3 phương án trên, hai bên đã sớm đi đến thống nhất chọn phương án thứ nhất. Theo đó, công ty cao su đầu tư 100% vốn cho lập dự án, khai hoang, trồng, chăm sóc và bảo vệ vườn cây, xây dựng hạ tầng và tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm cao su. Các hộ dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất cho một chu kỳ trồng cây cao su (27 năm).

Việc ký kết hợp đồng liên kết theo nguyên tắc thỏa thuận tự nguyện giữa hộ dân với công ty, có xác nhận của chính quyền địa phương cấp xã, đảm bảo thực hiện đúng qui định của pháp luật. Khi vườn cây đến thời kỳ khai thác, hộ dân được chia sản phẩm theo số diện tích đất góp vào công ty; tỷ lệ phân chia theo thỏa thuận. Công ty có trách nhiệm bao tiêu sản phẩm cho dân.

Đối với các hộ dân có diện tích đất trên 2 ha đưa vào hợp tác kinh doanh được công ty tuyển vào làm công nhân của công ty và được trực tiếp sản xuất trên diện tích đất của mình. Người có đất nhưng không có sức lao động hoặc không đủ điều kiện để công ty tuyển dụng, vẫn có thể tham gia hợp tác và được chia giá trị sản phẩm theo thoả thuận.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn, trong điều kiện trình độ sản xuất cũng như nguồn vốn đầu tư của người dân chưa đảm bảo, việc xác định phương án thứ nhất - liên kết với Công ty cao su để sản xuất là phương án tối ưu nhất. Tuy nhiên, xác định phương án chỉ mới là bước đi đầu tiên trong lộ trình thực hiện chủ trương. Vẫn còn đó nhiều khía cạnh còn vướng mắc, những quan điểm chưa đồng thuận, cần phải tích cực bàn thảo để tìm ra được một tiếng nói chung, một sự hài hòa ngay từ bước khởi động.

Cần có một tiếng nói chung

Một trong những vướng mắc lớn nhất trong quá trình đàm đạo và tìm lời giải cho bài toán hài hòa lợi ích giữa công ty cao su và người dân, đó là vấn đề góp vốn cho việc liên kết trồng cao su tiểu điền. Theo mong muốn của UBND tỉnh Hà Tĩnh, thực hiện mô hình liên kết trồng cao su, giá đất góp vốn của hộ dân cho công ty theo Quyết định 3927/QĐ-UBND, ngày 28/12/2010 là 37,3 triệu đồng trên 27 năm (theo giá đất lâm nghiệp). Trong khi đó, Tập đoàn Cao su Việt Nam xây dựng qui định giá đất góp vốn của hộ dân chỉ với 20 triệu đồng/ha (theo giá đất nông nghiệp).

Cần sớm tìm được tiếng nói chung để cây cao su tiểu điền có chỗ đứng xứng đáng với tiềm năng của nó

Cần sớm tìm được tiếng nói chung để cây cao su tiểu điền có chỗ đứng xứng đáng với

tiềm năng của nó

Về vấn đề này, rất nhiều ý kiến không thống nhất với cách tính toán đầu vào của phía Tập đoàn và mong muốn trong trường hợp này, rất cần một sự nhìn nhận khách quan và thiên về lợi ích của người dân, bởi đất đai là nguồn tư liệu sản xuất chính của họ.

Theo ông Nguyễn Hùng Mạnh - Phó Giám đốc sở TN & MT, thì về việc định giá đất, cần phải có sự thỏa thuận dựa trên một yếu tố trung gian và có sự định hướng của tỉnh. Tuy nhiên giá đất góp vốn của dân được tính 20 triệu/ha là quá thấp.

Cần lưu ý, cây cao su là loại cây lâu năm, vì vậy giá đất cũng phải tính theo giá đất trồng cây lâu năm (có giá rất cao - hàng trăm triệu đồng/ha), không thể tính theo giá đất nông nghiệp được. Một nguyên tắc nữa là, đất càng sử dụng thì càng đem lại lợi nhuận, giá đất càng cao, còn tài sản càng sử dụng thì càng khấu hao… Từ đó, trong suốt 27 năm thực hiện, tỷ lệ góp vốn của dân càng ngày càng tăng lên, trong khi đó tỷ lệ phân chia lợi ích vẫn không thay đổi, gây thiệt thòi rất lớn cho người dân.

Cũng liên quan đến việc góp vốn cho việc liên kết trồng cao su, việc phân chia lợi ích khi cao su đến kỳ thu hoạch cũng là một khoảng trống trong quá trình thảo luận. Với suất đất góp vốn 20 triệu đồng/ha, Tập đoàn cao su đưa ra tỷ lệ chia sản phẩm cho hộ dân là 10%. Theo quan điểm của phía Tập đoàn và các công ty cao su, tỷ lệ 10% sản phẩm, tương đương với 29,7% lợi nhuận cho dân là khá cao; nếu tăng thêm, công ty có thể lỗ. Tuy nhiên, về phía tỉnh, với giá trị đất góp vốn 37,3 triệu đồng thì tỷ lệ sản phẩm người dân được hưởng tối thiểu phải đạt 14%.

Về thời hạn của hợp đồng, tính suốt cả chu kỳ sản xuất của cây cao su, nhiều ý kiến cho rằng, thời hạn hợp đồng trong suốt 27 năm là chưa hợp lý, bởi trong thời gian đó sẽ có sự biến động về kinh tế - xã hội không nhỏ.

Ông Đặng Bá Thức ở Hội khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Hà Tĩnh đề xuất, cần có một lộ trình điều chỉnh hợp đồng 5 năm một lần; hai là tùy theo tỷ lệ phần trăm thay đổi giá trị hợp đồng để điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn. Như vậy sẽ đảm bảo tính sát thực và công bằng trong phân chia sản phẩm. Theo ông Trần Ngọc Sơn - Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc công ty Cao su Hà Tĩnh, khó khăn lớn nhất công ty đang gặp phải là số đất của các hộ dân góp vốn cho công ty hầu hết là đất có tài sản (đang trồng keo, bạch đàn và các loại cây lâm nghiệp khác).

Vì vậy, để nhận đất từ dân, công ty phải bỏ thêm một số tiền để đền bù cho dân, dẫn đến nâng cao giá trị đầu tư lên. Thứ hai là, phần lớn các diện tích góp vốn đều không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do dân đem thế chấp ở ngân hàng, hoặc chưa được chính quyền giao đất.

Về phía tỉnh Hà Tĩnh, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn, trong phạm vi trách nhiệm của mình, tỉnh sẽ có những định hướng và giải pháp thiết thực để kịp thời giải quyết những vướng mắc, những thủ tục pháp lý để tạo điều kiện cho các công ty sớm triển khai chương trình đầu tư.

Đồng thời cũng mong muốn Tập đoàn CSVN quan tâm dành cho Hà Tĩnh một cơ chế có tính đặc thù áp dụng trong các hình thức liên kết để trước mắt động viên, khuyến khích nhân dân yên tâm tham gia đóng góp vào quá trình liên kết sản xuất. Gắn kết với chính quyền địa phương thực hiện lộ trình và bước đi cụ thể trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau để tìm được tiếng nói chung, sự hài hòa về lợi ích, nhằm phát triển sản xuất cao su nói chung và cao su tiểu điền nói riêng tương xứng với tiềm năng của địa phương.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast