Hồ Bộc Nguyên kêu cứu!

Hơn 10 vạn dân thành phố Hà Tĩnh và các vùng phụ cận đều rất tự hào với nguồn nước trong lành mà hồ Bộc Nguyên cung cấp hàng ngày để phục vụ sản xuất và dân sinh. Song, chỉ rất ít trong số đó biết rằng, hồ Bộc Nguyên hiện đã xuống cấp nghiêm trọng và đang đứng trước nguy cơ vỡ đập...

Nguy cơ vỡ đập

Vào thời gian này, nếu có dịp đi qua về lại Tỉnh lộ 17 đoạn qua xã Cẩm Thạch (Cẩm Xuyên), dù chỉ là một người dân bình thường nhất đều dễ dàng nhận thấy nhiều bất thường từ chân đập đất và mái hạ lưu hồ Bộc Nguyên.

Nước thấm qua nền và thân đập chảy thành dòng tạo nên các ao, hồ nhỏ dưới mái hạ lưu hồ Bộc Nguyên
Nước thấm qua nền và thân đập chảy thành dòng tạo nên các ao, hồ nhỏ dưới mái hạ lưu hồ Bộc Nguyên

Nước chảy thành dòng với lưu lượng lớn không chỉ gây nên hiện tượng sình lầy mái hạ lưu đập mà còn tạo thành nhiều ao hồ, thùng đấu (đủ rộng để có thể nuôi trồng thủy sản) dưới chân đập chính A và đập phụ C. Tại đoạn tiếp giáp giữa đập chính A với đập phụ B, đơn vị quản lý còn đo được lưu lượng thấm qua thân đập có Qt= 23 l/s (gần gấp đôi lưu lượng thấm hồ Đá Bạc - thị xã Hồng Lĩnh).

Theo ông Trần Quốc Hùng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nguy cơ vỡ đập lµ rÊt lín vì đường bão hòa của hồ Bộc Nguyên đã vọt lên khỏi mặt đất, tức là vượt xa giới hạn cho phép mà nhà thiết kế đưa ra.

Chưa dừng lại ở đó, với cường độ thấm cực mạnh, dòng nước từ nền đập chính A còn âm thầm chảy dưới nền đường Tỉnh lộ 17 để đổ ào xuống kênh N1 Kẻ Gỗ (nằm song song với chiều dài đập chính) làm mái kênh bị sạt lở nghiêm trọng tại vị trí từ K5+070 đến K5+370.

Tư vấn BCEOM (Pháp) - đơn vị tham gia thiết kế Dự án hiện đại hóa hệ thống kênh tưới Kẻ Gỗ cho hay, với lưu lượng thấm lớn thì không thể xác định trước khối đất lớn có thể chặn ngang tuyến kênh N1, gây ách tắc dòng chảy và làm ảnh hưởng đến sản xuất của 7.280 ha từ sau đoạn K5+070; lúc đó, nước sẽ ứ đọng ở thượng lưu và làm vỡ kênh chính Kẻ Gỗ (do hiện nay đoạn từ K0 - K5 rất yếu trong khi lưu lượng nước chảy trên kênh lại khá lớn (khoảng trên 12 l/s).

Không chỉ mất an toàn do nước thấm qua nền và thân đập chảy thành dòng, hồ Bộc Nguyên còn xuống cấp nghiêm trọng khi các lớp đá lát khan, cát sỏi lọc của mái thượng lưu đã bị xói trôi, xô lệch nên không còn tác dụng; đỉnh đập gồ gề, nhiều chỗ chỉ rộng còn 1,8 m (trong khi quy định hiện nay là 6m); tràn xả lũ cũng bị xói lở mạnh và có hiện tượng lệch về phía tả mũi khoan.

Vì đâu nên nỗi?

Hồ Bộc Nguyên được xây dựng từ giữa thập niên 60 của thế kỷ trước. Giới kỹ thuật ngày nay cho rằng, có thể do nhu cầu dùng nước thời điểm đó khá bức xúc nên hồ mới được thiết kế hơi khác biệt với 3 đập đất được nối tiếp nhau theo hình cánh cung.

Với dung tích chứa 24 triệu m3, trong giai đoạn đầu, hồ Bộc Nguyên làm nhiệm vụ tưới cho 6.260 ha đất canh tác của một số xã vùng hạ du lòng hồ thuộc các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà.

Tuy nhiên, đến năm 1998, trước yêu cầu cung cấp nước sạch cho thành phố Hà Tĩnh và các vùng phụ cận, hồ Bộc Nguyên được chuyển đổi mục đích sử dụng từ cấp nước sản xuất nông nghiệp sang cấp nước sinh hoạt.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, đồng thời để đảm bảo an toàn cho công trình này, một số chỉ tiêu kỹ thuật của hồ cũng được thay đổi như: cao trình ngưỡng tràn từ +20m xuống còn +18,42m; khẩu độ cống lấy nước từ (1,5x1,5) m xuống còn Φ40cm. Theo đó, dung tích hồ từ 24 triệu m3 giảm xuống còn 19 triệu m3.

Có hai nguyên nhân chính để thuyết phục cho sự xuống cấp của hồ chứa này.

Một là, do hồ được xây dựng khá lâu nên các thông số kỹ thuật đều theo tiêu chuẩn cũ (không còn phù hợp) và việc thi công đắp đập hoàn toàn bằng phương pháp thủ công.

Hai là, do hồ đang nằm dưới sự quản lý của một doanh nghiệp không có chuyên môn sâu về thủy lợi nên không thể hiểu rõ từng "chân tơ kẽ tóc" về sự an toàn của một hồ chứa, kết hợp với đó là sự hạn chế về kinh phí để phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên.

Giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa và khai thác đa mục tiêu

Với công suất cấp nước 17 ngàn m3/ngày đêm như hiện nay thì hàng năm lượng nước dư thừa trong hồ Bộc Nguyên là khá lớn (gần 14 triệu m3).

Nếu tính đến năm 2020, công suất cấp nước của nhà máy nước Bộc Nguyên nằm trong khoảng 25 - 28 ngàn m3/ngày đêm thì lượng nước tiêu thụ một năm cũng chỉ từ 9 - 10 triệu m3, tức vẫn còn dư thừa từ trên 10 triệu m3 (tính theo cao trình mực nước dâng bình thường là +20m).

Đó là chưa kể từ hơn một thập kỷ nay, hồ chỉ lấy nước trên cao trình +15,5m, cộng với sự chăn thả trâu bò phía trong lưu vực lòng hồ nên có thể nguồn nước trong hồ đã bị nhiễm bẩn.

Hồ Bộc Nguyên đang xuống cấp nghiêm trọng, đang lãng phí 10 triệu m3 nước/năm và có thể đang bị ô nhiễm (do không thể xả kiệt để thay đổi nguồn nước từ hơn 10 năm nay).

Trước yêu cầu này, UBND tỉnh đã có quyết định giao cho Sở NN&PTNT, trực tiếp là Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Kẻ Gỗ lập dự án cải tạo, nâng cấp hồ chứa nước Bộc Nguyên nhằm đảm bảo an toàn hồ chứa, đồng thời khai thác tổng hợp nguồn nước từ hồ Kẻ Gỗ đổ vào hồ Bộc Nguyên để vừa cấp nước sinh hoạt, công nghiệp cho thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận với công suất 50 ngàn m3/ngày đêm (giai đoạn 2015 - 2020), vừa bổ sung nguồn nước cho kênh N1 Kẻ Gỗ với diện tích tưới ổn định cho 9.100 ha đất canh tác, nuôi trồng thủy sản ở các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên và thành phố Hà Tĩnh.

Theo các chuyên gia tư vấn thủy lợi, để đảm bảo an toàn và khai thác tổng hợp nguồn nước hồ Bộc Nguyên thì cùng với xử lý thấm (có thể bằng một trong hai phương án là đắp tường nghiêng sân phủ mái thượng lưu hoặc khoan phụt vữa sét xi măng vào thân đập), cao trình đỉnh đập sẽ được nâng lên + 22,7m, mặt đập mở rộng ra 6m, mái đập phía thượng lưu được bảo vệ bằng các tấm bê tông, mái hạ lưu được bảo vệ bằng việc trồng cỏ có rãnh thoát nước bằng bê tông.

Cống lấy nước được sửa lại theo hình cống hộp có kích thước (1,5x1,5)m. Trµn xả lũ được nâng cấp theo hướng nâng cao ngưỡng tràn như thiết kế ban đầu (cao trình +20m), chiều rộng ngưỡng tràn mở ra 103m thay vì 66m như hiện nay do theo tiêu chuẩn thiết kế mới thì hồ Bộc Nguyên thuộc công trình cấp 3 và tần suất tiêu thoát lũ là 1%, tương ứng với lưu lượng xả 493m3/s (trước đây chỉ tính tần suất thoát lũ 1,5% tương ứng với lưu lượng xả 324m3/s.

Ngoài ra, cần làm mới cống lấy nước từ hồ Kẻ Gỗ, bố trí ở vai phải đập phụ 2 của hồ Kẻ Gỗ, cống hộp có kích thước (1,6x1,8)m, cao trình đáy cống +17m; kết hợp với đó là tuyến đường ống cấp nước sinh hoạt dẫn nước từ cống về Nhà máy nước Bộc Nguyên.

Thêm một mùa mưa, bão mới là thêm những nỗi lo về sự mất an toàn của một số công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh ta. Chỉ mong hồ Bộc Nguyên tránh được cái hạn mưa, lũ năm nay để sẵn sàng cho quá trình "lột xác" trong thời gian tới nhằm đưa công trình ngày càng bền vững hơn, đồng thời đảm bảo cung ứng nguồn nước đa mục tiêu không chỉ riêng thành phố Hà Tĩnh mà còn cho các địa phương lân cận.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast