Gặp tổng thống Mỹ - chiến thắng lớn nhất của gia tộc họ Kim

Bản thân cuộc gặp với Tổng thống Mỹ đã được coi là thắng lợi với Triều Tiên khi nó giúp Bình Nhưỡng củng cố mạnh mẽ vị thế quốc tế.

Gặp tổng thống Mỹ - chiến thắng lớn nhất của gia tộc họ Kim

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP.

Các quan chức Mỹ và Triều Tiên đang gấp rút chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước dự kiến được tổ chức vào ngày 12/6 ở Singapore. Trong quá trình thương thảo những chi tiết của cuộc gặp, câu hỏi Triều Tiên sẽ yêu cầu Mỹ nhượng bộ ra sao để đổi lại việc nước này tiến hành phi hạt nhân hóa hoàn toàn và Bình Nhưỡng có thể thỏa hiệp với Washington ở mức độ nào luôn gây tranh cãi.

Tuy nhiên, chuyên gia nhận định chỉ cần Tổng thống Mỹ Donald Trump bước chân vào phòng hội nghị, bản thân cuộc gặp đã là chiến thắng lớn nhất đối với Triều Tiên, theo CNN.

"Có được một cuộc gặp thượng đỉnh cùng tổng thống Mỹ là điều mà không ít quốc gia ao ước. Vì thế với Triều Tiên, đất nước nhỏ bé về mặt kỹ thuật vẫn đang chiến tranh với Mỹ, việc lãnh đạo của họ ngồi đối diện tổng thống Mỹ trên bàn đàm phán đã là một thành công rực rỡ", Jean H. Lee, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Wilson, trụ sở ở Mỹ, bình luận.

"Kim Jong-un đang thực hiện nốt những bước cuối cùng mà ông nội ông không thể hoàn thành và điều đó sẽ củng cố thêm quyền lực của ông với tư cách lãnh đạo họ Kim đời thứ ba", Lee nhấn mạnh.

Giành sự tôn trọng

Chỉ 5 tháng trước, Triều Tiên bị cô lập và phải hứng chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt mạnh mẽ. Họ thậm chí còn đánh mất một số mối quan hệ ngoại giao sau vụ án Kim Jong-nam, người được cho là anh lãnh đạo Kim Jong-un, bị ám sát ở Malaysia năm 2017.

Nhưng một cuộc gặp với một tổng thống Mỹ đương nhiệm sẽ mang đến cho Bình Nhưỡng sự tôn trọng, ít nhất là về mặt bên ngoài. "Nó cho thấy nhiều điều, sự chấp nhận Triều Tiên với tư cách một quốc gia và lãnh đạo của họ là một lãnh đạo toàn cầu", Jim Hoare, cựu tham tán ngoại giao Anh ở Triều Tiên, nhận xét.

Những thành viên gia tộc họ Kim từng gặp các tổng thống Mỹ song đều là khi họ đã mãn nhiệm. Cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành, ông nội Kim Jong-un, vào năm 1994. Đến năm 2009, lãnh đạo Triều Tiên lúc bấy giờ là Kim Jong-il cũng gặp cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton tại Bình Nhưỡng.

Bill Clinton từng suýt có cuộc gặp với Kim Jong-il trong thời gian còn tại vị vào năm 2000. Tuy nhiên, ông cuối cùng quyết định từ chối lời mời gặp mặt từ lãnh đạo Triều Tiên vì thiếu niềm tin. Thay vào đó, ông cử ngoại trưởng Madeleine Albright đi thay.

"Tổng thống Clinton đã khéo léo nói rằng "Tôi sẽ không đi nếu chưa được chuẩn bị và tôi cử ngoại trưởng thay thế mình... Nó khiến người Triều Tiên không mấy hứng thú"", Albright cho hay hồi tháng ba tại Brussels, Bỉ.

Nhưng với tinh thần hăm hở hướng tới một chiến thắng ngoại giao, chính quyền Trump dường như sẽ thúc đẩy đến cùng cuộc gặp lần này, cây bút Ben Westcott từ CNN nhận định.

Củng cố quyền lực

Khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra, về phía Triều Tiên, họ có rất nhiều lợi ích tiềm tàng và quan trọng hơn cả là đảm bảo được sự tồn tại của chính quyền, theo Westcott.

Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn trong tình trạng chiến tranh với cả Hàn Quốc và Mỹ. Bình Nhưỡng lâu nay luôn coi Washington là mối đe dọa lớn nhất. Bất kỳ hiệp ước hòa bình nào với Hàn Quốc cùng những lợi ích mà nó mang lại đều cần sự chấp thuận từ Mỹ.

"Có một niềm tin mãnh liệt ở Triều Tiên... rằng nếu Mỹ chấm dứt thái độ thù địch nhằm vào họ, Triều Tiên sẽ an toàn, sẽ không còn ai can thiệp", Hoare cho biết.

Không những thế, những biện pháp trừng phạt cứng rắn mà Liên Hợp Quốc áp đặt lên Triều Tiên vì chương trình hạt nhân và tên lửa đã cắt đứt không ít nguồn thu nhập của Bình Nhưỡng, đặc biệt là khả năng xuất khẩu nguyên liệu thô.

Nếu đạt được một cam kết đảm bảo an toàn từ Mỹ hay thuyết phục thành công Washington gỡ bỏ các lệnh trừng phạt, đó sẽ là chiến thắng vang dội với Kim Jong-un và từ đây, lãnh đạo Triều Tiên có thể giữ vững quyền lực của mình, giới phân tích đánh giá.

Theo Lee, dù việc nắm bắt tình hình nội bộ Triều Tiên vô cùng khó khăn, bà cho rằng Kim Jong-un đang có tham vọng xây dựng một cơ sở quyền lực thực sự vững mạnh nhằm giữ chiếc ghế lãnh đạo trong nhiều thập kỷ về sau.

"Ông ấy là người trẻ lên nắm quyền một cách đột ngột sau cái chết của cha, vì thế thật khó để tưởng tượng rằng ông ấy không có bất kỳ thách thức hay cảm giác bất an nào", Lee nói.

Theo VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast