“Rác tặc” hoành hành, người dân mắc màn... ăn cơm!

(Baohatinh.vn) - Bức xúc, lo lắng là tâm trạng chung của 187 hộ dân ở thôn Đông Xá, xã Đức Hòa (Đức Thọ - Hà Tĩnh) bởi đã nhiều năm nay, bãi rác Phượng Thành (nơi tập kết rác thải của 28 xã, thị trấn) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

rac tac hoanh hanh nguoi dan mac man an com

Người dân vứt rác bừa bãi ngay trên đường 28.

Tỉnh lộ 28, một trong những tuyến đường nằm trong đề án du lịch tâm linh của huyện Đức Thọ, khi đi đến địa phận tiếp giáp giữa xã Tùng Ảnh và Đức Hòa, điều dễ nhận thấy là không khí ở đây trở nên ngột ngạt vì mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi. Ngay cạnh tuyến đường này là bãi rác thải của 28 xã, thị trấn trên địa bàn Đức Thọ. Rác thải được tập kết và vứt bừa bãi cả ngoài tường rào bao quanh bãi rác, thậm chí là ngay giữa lòng, lề đường.

Chúng tôi có mặt tại đây vào một ngày trời nắng nóng, ngoài phải “lãnh đủ” mùi hôi thối khó chịu, còn bị rất nhiều ruồi nhặng bủa vây. Theo anh Mai Ngọc Trung - Hạt 2 Hạt Quản lý giao thông Đức Thọ: “Đoạn đường này thuộc sự quản lý của chúng tôi nên anh em 1 tuần phải tổ chức dọn rác 1 lần, nhưng do lượng rác thải quá nhiều, lại đổ bừa bãi nên dọn xong hôm nay ngày mai rác lại tuồn về. Bên cạnh sự thiếu ý thức của một số người dân đi xe máy mang rác đến vứt, còn có một số xe ô tô chở rác của các xã đổ tùy tiện ngoài khuôn viên bãi rác”.

rac tac hoanh hanh nguoi dan mac man an com

Xử lý không xuể

Bãi rác Phượng Thành nằm ở thôn Đông Xá, xã Đức Hòa và tiếp giáp với 2 xã Tùng Ảnh, Đức Long, diện tích khoảng 3 ha. Năm 2000, UBND huyện Đức Thọ đã đồng ý quy hoạch địa điểm này làm bãi xử lý rác thải của thị trấn Đức Thọ, HTX Môi trường thị trấn Đức Thọ là đơn vị trực tiếp quản lý. Trước đó, bãi rác Phượng Thành chỉ chiếm một khu vực nhỏ, nhưng đến nay, lan rộng, kéo dài cả cây số, trở thành điểm tập kết rác của 28 xã, thị trấn trong toàn huyện. Ðiều đáng lo ngại là tại đây, không chỉ có rác thải sinh hoạt thông thường mà còn có xác động vật. Đặc biệt, 187 hộ dân thôn Đông Xá, xã Đức Hòa luôn phải sống trong môi trường ô nhiễm.

Theo quan sát của chúng tôi, nguồn nước ở tất cả các ao hồ xung quanh bãi rác rất gần với nhà dân đều có màu đen. Do sống ở khu vực bán sơn địa nên người dân ở đây đều phải sử dụng nước giếng khơi (địa hình quá cao nên không thể cung cấp nước máy). Không ai dám chắc rằng, nguồn nước ngầm người dân đang sử dụng sẽ không bị ô nhiễm từ bãi rác đầu nguồn.

rac tac hoanh hanh nguoi dan mac man an com

Chị Phan Thị Thanh Tình (thôn Đông Xá) cho biết: “Bãi rác này ngày càng ô nhiễm nặng, nhất là vào mùa hè, mùi hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng xuất hiện nhiều vô kể, tràn cả vào nhà, nhiều bữa chúng tôi phải mắc màn để ăn cơm, đeo khẩu trang ngay trong nhà mình. Chúng tôi rất lo lắng vì trong thôn ngày càng xuất hiện nhiều người bị bệnh ung thư, lở ngứa, viêm da, viêm xoang...”.

Được biết, quy hoạch ban đầu của bãi rác nói trên sẽ được thực hiện bằng phương án san lấp. Tuy nhiên, từ khi hình thành bãi rác đến nay, giải pháp chủ yếu được thực hiện là đốt, gây ra khói bụi, ảnh hưởng nặng nề đến môi trường. Ông Trần Văn Điền - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hòa cho biết: Tại các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND huyện và tỉnh, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã đã nhiều lần kiến nghị di dời, hoặc có biện pháp xử lý giảm thiểu ô nhiễm tại bãi rác nhưng vẫn chưa có kết quả khả quan.

Ông Thái Sơn Vinh - Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Đức Thọ cho biết: Bãi rác Phượng Thành đã quá tải từ lâu, huyện đã quy hoạch bãi rác mới rộng 5 ha tại xã Đức An, nhưng do chưa có kinh phí để xây dựng nên đang phải sử dụng bãi rác này. Hiện nay, huyện đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng bãi rác mới theo hình thức xã hội hóa.

Người dân xã Đức Hòa, đặc biệt là 187 hộ dân thôn Đông Xá đang mong chờ một ngày sớm nhất, bãi rác Phượng Thành sẽ được di dời, để không còn phải sống trong cảnh mắc màn khi ăn cơm và đeo khẩu trang trong khi ngủ.

Đọc thêm

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Được giới thiệu có nguồn gốc từ Nhật Bản, các sản phẩm hàng hóa đã cũ kỹ vẫn được nhiều người dân Hà Tĩnh mua và sử dụng. Vậy, việc kinh doanh loại hàng này liệu có hợp pháp?
Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Cầu số 2 và cầu số 3 bắc qua sông Sóc thuộc xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hiện đã hư hỏng và không có lan can, khiến nhiều người di chuyển qua đây bị rơi xuống sông.
Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Kênh Vách Nam có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho một số vùng của thị trấn Thạch Hà và các xã: Thạch Ngọc, Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh), tuy vậy, việc phát quang, dọn dẹp cây bụi hai bên kênh lại chưa được chú trọng.
Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.