Boat Tail là sản phẩm dành riêng cho khách hàng đặc biệt thuộc tầng lớp thượng lưu. Chiếc Boat Tail được lên kế hoạch sản xuất sau khi chiếc Sweptail ra mắt vào năm 2017. Ngay từ khi bắt đầu dự án, hãng xe Anh Quốc muốn tạo ra một chiếc xe “vui tươi”, mang tính “kỷ niệm” và chủ xe có thể tận hưởng cùng gia đình.
Alex Innes, trưởng bộ phận thiết kế Rolls-Royce Coachbuild Design, gọi việc tạo ra Boat Tail là “sự kết hợp độc đáo” giữa Rolls-Royce và khách hàng của mình. Ông nói “ngay từ đầu, các khách hàng nói rằng họ muốn tạo ra thứ gì đó vượt ra khỏi những đặc điểm quen thuộc mà chúng ta thấy ngày nay và thiết kế một cái gì đó hướng tới tương lai”.
Innes cho biết Boat Tail giới thiệu trong xu hướng thiết kế “hậu sang trọng” của Rolls-Royce, sau khi chiếc Ghost thế hệ hai ra mắt vào năm ngoái.
Xe siêu sang mui trần Boat Tail. Ảnh: Rolls-Royce
Chủ nhân của chiếc Gran Tourer ưa thích màu xanh, cũng đang sở hữu chiếc Boat Tail đời 1932, do đó Rolls-Royce đã lấy cảm hứng từ biển, đặc biệt là du thuyền J-Class để chiều lòng khách hàng. Bao phủ bởi lớp sơn mài hai màu xanh đại dương đậm/nhạt kết hợp với những viên pha lê lấp lánh theo phong cách Gradient, tạo ra hiệu ứng huyền ảo trong bóng tối và rực rỡ ngoài ánh sáng. Lớp sơn xanh sẽ được tạo mẫu ở cạnh bằng cách lướt ngón tay một cách dứt khoát trước khi sơn, giúp tạo ra hai tông màu xanh đậm/nhạt ở các phần trên xe, khiến thân xe sẽ không có lớp hoàn thiện cụ thể vì khách hàng không thích vẻ ngoài của các lớp sơn được hoàn thiện đầy đủ. Cách phối hai tông màu cũng được áp dụng trên bộ la-zăng 21 inch.
Ở phía trước, lưới tản nhiệt đền Pantheon được bao bọc bởi dải đèn ban ngày dài, mỏng và đặt sâu hơn, kết hợp cùng đèn pha tròn cổ điển phía dưới. Tất cả làm cho thiết kế gần như liền mạnh.
Nhìn từ phía hông, chiều dài 5,9 mét làm nổi bật tỷ lệ của xe, chủ đề và cảm hứng biển cả rõ ràng nhất khi kính chắn gió bao quanh giống tấm che trên thuyền, phần mui có thiết kế dốc xuống nhẹ nhàng, được làm từ vải và tháo mở bằng tay, khác biệt so với hệ thống đóng/mở điện trên mẫu Drophead hay Dawn và có thể cất gọn trong cốp xe đề phòng thời tiết xấu.
Phía đuôi xe có cụm đèn hậu mỏng và đặt thấp, gợi lên vẻ ngoài của đuôi thuyền khi chìm dưới nước. Ngoài ra, Rolls-Royce sử dụng sợi carbon khắp phần dưới của xe, bao gồm cản trước/sau và cạnh dưới cửa xe.
Điểm đặc biệt là Boat Tail có phần đuôi hoàn thiện bởi sàn gỗ veneer Caleidolegno làm tối màu, được sắp xếp khéo léo và đối xứng ở đuôi xe gợi nhớ hình thức thân tàu bằng gỗ.
Sàn gỗ có lỗ rỗng cùng lớp khảm bằng thép không gỉ tạo cảm giác phần đuôi được kéo dài. Sàn gỗ được chia hai phần, có thể mở kiểu cánh bướm với góc 67 độ trong khi bản lề đặt ở trung tâm thông qua một nút ấn. Sau khi mở, ở cốp mà hãng gọi là boongke trang bị đầy đủ dụng cụ dao kéo, khăn tắm, cốc, ly pha lê, bát sứ do Christofle đặt làm riêng và hai bàn xoay được nâng lên góc 15 độ để chủ nhân dễ dàng sử dụng trong các chuyến picnic. Tủ lạnh cùng hai chai rượu champagne Armand de Brignac ưa thích của chủ nhân có thể làm lạnh nhanh ở nhiệt độ chỉ 6 độ - mức nhiệt độ tối ưu cho các loại rượu cổ điển. Ngoài hai chiếc ô ở cửa xe như thường lệ, ở thanh trượt giữa hai sàn gỗ có thêm chiếc ô cố định.
Hệ thống âm thanh 15 loa của Boat Tail đều sử dụng một phần bệ cửa làm buồng cộng hưởng cho các loa bass, đảm bảo cho phần đuôi xe cũng có loa, toàn bộ cấu trúc sàn được sử dụng. 5 ECU mới được dành riêng cho phần đuôi xe để đảo bảo khả năng cung cấp điện cho khoang cốp, điều này cũng yêu cầu một dây điện chuyên dụng mất 9 tháng phát triển. Khoang cốp có hệ thống kiểm soát khí hậu riêng trong các ngăn để bảo quản thực phẩm và hai quạt được gắn ở phía dưới trong trường hợp thời tiết nóng. Hãng còn thử nghiệm trong khoảng từ 80 độ xuống -19 độ C nhằm đảm bảo hệ thống có thể hoạt động ở mọi vùng khí hậu.
Nội thất không khác biệt so với các mẫu Rolls-Royce khác nhưng có các điểm nhấn riêng biệt. Cách phối hai tông màu tone sur tone với ngoại thất, ghế trước có màu xanh đậm trong khi hàng ghế sau có màu nhạt, điểm xuyết bởi các đường chỉ khâu tương phản xung quanh cabin. Một chi tiết đặc biệt khác là mặt số của bảng đồng hồ sau vô-lăng được trang trí bằng kỹ thuật có tên Guilloché (một kỹ thuật thường được các thợ kim hoàn và thợ đồng hồ sử dụng).
Chủ nhân của chiếc xe là người đam mê sưu tập bút, do đó hộp đựng găng tay cũng chứa một cây bút Montblac đặt trong hộp nhôm và da được làm thủ công. Ngay cả những chiếc đồng hồ trên táp-lô cũng được thiết kế riêng, có hai chiếc, một dành cho phụ nữ và một dành cho đàn ông, có thể tháo rời để đeo tay hoặc đặt trên táp-lô như đồng hồ xe hơi. Những chiếc đồng hồ yêu cầu Rolls-Royce và Bovet 1822 hợp tác trong hơn 3 năm.
Boat Tail vẫn sử dụng nền tảng Architecture of Luxury mới nhất của Rolls-Royce nhưng không tiết lộ cụ thể về động cơ, dự kiến xe vẫn sử dụng động cơ 6,75 lít V12 danh tiếng của thương hiệu Anh Quốc. Rolls-Royce cho biết đã có 3 chiếc sản xuất thủ công, cá nhân hóa theo mong muốn của người mua, cả 3 khách hàng chưa từng gặp nhau, nhưng có tầm nhìn giống nhau về chiếc xe.
Rolls-Royce không tiết lộ mức giá cụ thể nhưng sẽ có giá khoảng 28 triệu USD, khiến Boat Tail trở thành chiếc xe đắt nhất của hãng xe xứ sở sương mù, và cũng là đắt nhất thế giới. Chiếc xe đắt nhất khi Boat Tail chưa xuất hiện là Bugatti La Voiture Noire, giá 18,7 triệu USD.