Sai lầm khi chọn áo chống nắng khiến tia UV vẫn gây hại da

Không phải sản phẩm nào dán mác “áo chống nắng” cũng có tác dụng chắn tia UV như nhau. Áo càng nhiều chất cotton thì càng ít khả năng chống nắng.

Áo càng dày càng chống được nắng là sai lầm

Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang ở cao điểm của đợt nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có thể lên đến gần 40 độ C. Nhu cầu mặc áo chống nắng giờ đây không chỉ của phụ nữ mà nhiều thanh niên cũng ưa chuộng trang phục này khi nắng nóng. Thị trường sản phẩm quần áo chống nắng vì thế cũng nhộn nhịp, nhưng ít người hiểu đúng bản chất của các sản phẩm trang phục chống nắng.

Loại vải nào thực sự ngăn được tia UV, chống nắng tốt nhất? Có phải mặc quần áo càng dày, càng nhiều lớp thì chống nắng càng tốt? PGS.TS Phạm Văn Nho, phòng Thí nghiệm Vật lý Ứng dụng, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, để biết áo đó có chống nắng được không thì phải biết làm từ vật liệu gì, khả năng chống nắng là bao nhiêu.

Theo PGS.TS Phạm Văn Nho, hiện nay có quan điểm rất sai lầm rằng, một chiếc áo chỉ cần ánh nắng không thể xuyên qua được là đã có khả năng chống nắng. Bất cứ vật gì cản được ánh sáng đều có khả năng chống tia UV. Suy nghĩ như vậy nên nhiều chị em cứ mặc thật nhiều áo, nhiều lớp, áo thật là dày… với hy vọng ánh nắng sẽ không chiếu tới da.

Sai lầm khi chọn áo chống nắng khiến tia UV vẫn gây hại da

Áo chống nắng chất liệu cotton ít có khả năng chống nắng.

Sai lầm này là bởi mắt thường chúng ta không nhìn thấy hết các thành phần có trong ánh nắng. Tia hồng ngoại, tia tử ngoại trong ánh nắng có thể xuyên qua nhiều lớp vải khác nhau mà mắt thường không nhìn thấy được. Do đó, không có chuyện áo gì cũng có thể chống được nắng. “Nếu bạn mặc chiếc áo chất liệu cotton thì áo có dày như mo cau cũng không thể chống lại tia UV được”, PGS.TS Phạm Văn Nho ví von.

Một sai lầm nữa trong chọn trang phục chống nắng là cho rằng cứ sản phẩm nhập khẩu thì tốt. Dù có đắt tiền, chị em cũng không tiếc để mua. Theo PGS.TS Phạm Văn Nho, rất nhiều nước họ không quan tâm đến việc chống nắng như ở Việt Nam, nên chị em không nên “sính” hàng ngoại, cho rằng cứ áo chống nắng nhập ngoại là tốt, là phải đắt. Chọn đúng sản phẩm có tác dụng chống nắng sẽ bảo vệ làn da khỏi những tác hại của tia UV.

Loại vải chống nắng tốt nhất

Theo PGS.TS Phạm Văn Nho, vải có chất liệu sợi tổng hợp polyeste là loại vải có thể chống lại tia UV trong ánh nắng tốt nhất. Tuy nhiên, loại sợi này không dùng riêng biệt để làm quần áo được vì rất khó mặc mà nó phải pha với sợi bông hoặc một số loại sợi khác theo một tỉ lệ nhất định. Khi chọn trang phục chống nắng, chị em nên ưu tiên thành phần sợi vại là polyeste. Dù nhược điểm của loại sợi này là nóng, không thấm mồ hôi song nó lại chặn tia UV tốt nhất.

Cấu trúc hóa học của loại sợi polyeste giúp ngăn tia tử ngoại là đúng. Nhưng thực tế nhiều hãng sản xuất quảng cáo vống lên về những tác dụng của loại áo chống nắng. Nhiều khi tem nhãn có ghi chất liệu polyeste nhưng để kiểm chứng đúng là như thế hay không cũng rất khó. Bởi bằng mắt thường thì không thể biết chiếc áo đó có ngăn tia UV hay không mà phải cần đến các phòng thí nghiệm.

“Gần đây cũng có đơn vị đến phòng thí nghiệm của tôi để kiểm tra khả năng chống nắng của một loại vải. Việc này không khó khăn, nhưng đáng nói là thị trường hiện trà trộn rất nhiều loại sản phẩm khác nhau, đủ mọi nguồn gốc. Loại sợi polyeste không phải là hiếm và cũng không đắt tiền, nhưng vì sao các loại áo chống nắng cứ được thổi giá lên rất cao mà chị em vẫn mua? Việc hiểu đúng về vật liệu áo chống nắng vẫn còn là một khoảng trống với nhiều chị em”, PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết.

Ngoài chất liệu chống nắng, chọn màu sắc cũng có tác dụng không kém. Về nguyên lý hấp thụ nhiệt của các màu sắc thì những màu sắc tối sẽ có khả năng hấp thụ nhiệt nhiều hơn, nóng hơn. Nhưng màu sắc tối lại có khả năng chống các tia cực tím, tia UV có hại cho sức khỏe tốt hơn các màu sắc sáng.

Bảo vệ da khi tia UV tăng cao

Những ngày này, ngoài nắng nóng thì chỉ số tia UV rất cao, chị em cần bảo vệ da bằng nhiều cách khác nhau. Khi ra ngoài trời phải đội mũ rộng, quần áo che kín để tránh tác hại của tia cực tím. Chỉ số chống nắng SPF của quần áo, và mũ hằng ngày là bao nhiêu? Mũ vải là từ 3 - 6 (từ là 66.7% đến 83.3%). Áo chống nắng bình thường chúng ta vẫn mặc có chỉ số chống nắng khoảng 6 - 7 (từ 83.3% đến 85.7%).

Khi mặc quần áo, bạn hãy nhớ những điều sau để chống nắng được tốt như chọn loại vải được dệt chặt, thay vì vải dệt thưa. Chất liệu tổng hợp như polyester hoặc rayon tốt hơn chất liệu cotton. Chất liệu bóng bẩy như satin tốt hơn chất liệu không bóng. Quần áo khô tốt hơn quần áo ướt.

Ngoài ra phải kết hợp với đeo kính râm. Nên chọn loại có mắt kính to bản, hơi khum theo đường vòm cung, và có gọng dày che phần thái dương để có thể hạn chế tia cực tím đến từ các phía khác nhau.

PGS.TS Phạm Văn Nho nói: Thời điểm tia cực tím trong ánh nắng nhiều nhất là từ 10h trưa đến 3h chiều. Nếu không có việc gì thì hạn chế ra ngoài đường nhất là trong những ngày nắng gắt vào khung giờ này. Chỉ cần như vậy cũng giảm thiểu rất nhiều tác hại của ánh nắng đến da.

Chống nắng là một việc rất cần thiết để bảo vệ làn da và sức khỏe trong giai đoạn này, nhưng nếu vì trời quá nóng bức, mà da của bạn trở nên nóng rát khó chịu, thì chống nắng thôi chưa đủ đâu. Đó là lý do những sản phẩm “sau khi ra nắng” ra đời. Nhưng thực tế là bạn không cần phải mua những sản phẩm “hậu nắng” chuyên dụng, vì cơ chế của chúng chỉ đơn giản là làm dịu da, chống kích ứng mà thôi.

Để làm dịu da trong những ngày nắng nóng , bạn có thể sử dụng những nguyên liệu tại nhà như nước trà xanh, nước lô hội/nha đam, đắp mặt nạ với bột yến mạch, dầu hạnh nhân chuyên trị phục hồi da sau cháy nắng...

Theo SK&ĐS

Đọc thêm

Hà Tĩnh đón gió mùa Đông Bắc

Hà Tĩnh đón gió mùa Đông Bắc

Do ảnh hưởng của bộ phận không khí lạnh, từ ngày mai (17/11), Hà Tĩnh khả năng có gió Đông Bắc mạnh cấp 3, cấp 4; nhiệt độ thấp nhất 20 độ C.
Áp thấp tan dần, bão USAGI có gió giật cấp 15

Áp thấp tan dần, bão USAGI có gió giật cấp 15

Theo Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, hồi 7 giờ sáng nay, vị trí tâm bão USAGI ở trên vùng biển phía Bắc đảo Lu Dông (Philippin); sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (117-133km/h), giật cấp 15
Bệnh tuyến giáp ở nam giới có nguy hiểm?

Bệnh tuyến giáp ở nam giới có nguy hiểm?

Thông thường các bệnh về tuyến giáp phổ biến hơn ở nữ giới. Nguyên nhân là do sự khác biệt về cấu tạo và chức năng sinh lý khiến tỷ lệ mắc bệnh tuyến giáp ở nữ cao hơn nam giới. Vậy, ở nam giới thường mắc các bệnh tuyến giáp như nào?
Tin nhanh diễn biến cơn bão số 8

Tin nhanh diễn biến cơn bão số 8

Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cho biết, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 2,0-4,0m.