Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 265.464 ca COVID-19, đứng thứ 80/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.700 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 261.463 ca, trong đó có 94.211 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có 05/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình.
- Có 07 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Lào Cai, Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang, Hải Phòng.
+ 05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (144.770), Bình Dương (41.621), Long An (13.885), Đồng Nai (13.070), Bắc Giang (5.794).
Theo Bộ Y tế, đến nay gần 97.000 bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam đã được chữa khỏi
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
- 4.247 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 14/8 nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 96.985 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 579 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 18 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tính đến 14/8 là 5.437 ca , xếp thứ 69/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng tính tỷ lệ tử vong/1 triệu dân, Việt Nam xếp vị trí 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu dân có 55 người tử vong do COVID-19).
Tình hình xét nghiệm
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 150.579 xét nghiệm cho 569.731 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 7.993.443 mẫu cho 22.570.078 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19
Tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm là 13.772.920 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 12.500.947 liều, tiêm mũi 2 là 1.271.973 liều.
TP Hồ Chí Minh lập 312 tổ phản ứng nhanh cấp cứu F0 cách ly tại nhà
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã công bố danh sách và số điện thoại 312 tổ phản ứng nhanh cấp cứu F0 cách ly tại nhà ở TP.
Theo HCDC, khi F0 có triệu chứng chuyển bệnh có thể gọi cấp cứu 115 và tổ phản ứng nhanh tại địa phương.
Trước đó UBND TP.HCM đã có văn bản giao các quận, huyện, thành phố Thủ Đức ban hành quyết định thành lập tổ phản ứng nhanh tại mỗi phường, xã, thị trấn.
Thành phần mỗi tổ phản ứng nhanh gồm: bác sĩ, điều dưỡng của trạm y tế của phường, xã, thị trấn, các nhân viên y tế là tình nguyện viên, công an, Đoàn thanh niên...
Việc thành lập các tổ phản ứng nhanh ở phường, xã, thị trấn nhằm đảm bảo kịp thời tiếp cận và hỗ trợ chăm sóc khi F0 cách ly tại nhà có dấu hiệu chuyển nặng.
Bình Dương đã ghi nhận hơn 41.000 ca COVID-19
Tối 14-8, Sở Y tế tỉnh Bình Dương thông tin trong 24 giờ qua, trên địa bàn tỉnh Bình Dương ghi nhận thêm 2.029 ca mắc mới (giảm 27,9% so với ngày 13-8), có 612 ca được phát hiện qua sàng lọc cộng đồng, 1.078 ca trong khu phong tỏa, 191 ca tại cơ sở y tế, 148 ca có kết quả khẳng định PCR tại khu cách ly tạm thời.
Cùng ngày, Bình Dương có thêm 1.091 bệnh nhân khỏi bệnh được xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân khỏi bệnh lên 9.717 trường hợp được xuất viện.
Thành phố Thuận An vẫn là tâm dịch của Bình Dương, ngày 14-8 tiếp tục ghi nhận thêm 939 ca (tăng 9,6%).
Hà Nội xây dựng phương án đáp ứng oxy y tế trong tình huống 40.000 người mắc COVID-19
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Phương án đáp ứng oxy y tế trong tình huống có 40.000 người bệnh COVID-19 trên địa bàn.
Phương án được đề ra nhằm bố trí bảo đảm oxy y tế cho các bệnh viện, cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế, đồng thời sử dụng nguồn lực hợp lý, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Phương án thực hiện theo 3 giai đoạn, gồm: Giai đoạn đáp ứng tình huống 10.000 ca mắc COVID-19, giai đoạn đáp ứng tình huống 20.000 ca và giai đoạn đáp ứng tình huống 40.000 ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Trên cơ sở phân loại người bệnh theo mức độ bệnh, sẽ phân chia các cơ sở thu dung điều trị, gồm: Cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân vừa; cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch cần điều trị hồi sức tích cực; cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 không có triệu chứng và nhẹ (có các phương án riêng).
Việc điều phối oxy y tế đến các cơ sở thu dung, điều trị trong từng thời điểm căn cứ vào việc sử dụng thực tế tại các cơ sở được phân công thu dung, điều trị.
Đồng Nai: Đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 theo từng cấp độ nguy cơ
Theo kế hoạch của Sở Y tế Đồng Nai, đợt 5 tiêm vaccine phòng COVID-19 trong tỉnh bắt đầu từ ngày 16/8- 30/8. Tuy nhiên, địa phương, đơn vị nào đã chuẩn bị tốt có thể tiến hành tiêm sớm và hoàn thành sớm nhất có thể, lưu ý vấn đề an toàn tiêm chủng. Tổng số vaccine để tiêm trong đợt 5 là 73.000 liều AstraZeneca và 84.000 liều Moderna.
Theo đó, những nhóm đối tượng sẽ được tiêm vaccine đợt 5 của tỉnh Đồng Nai gồm: Người từ 79 tuổi trở lên; thương binh; lực lượng tuyến đầu chống dịch; giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục và đào tạo;
Tiêm nhắc mũi 2 và tiêm bổ sung cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị; các chức sắc tôn giáo; công nhân cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp áp dụng “3 tại chỗ” từ 500 người trở lên (xét theo số lượng từ trên xuống) và dự phòng hao hụt.