Sao phải "mặc cả" phí BOT giao thông...?!

Từ ngày 24/4, trạm thu phí BOT cầu Bến Thủy 1 (Nghệ An, Hà Tĩnh) miễn 100% phí cho các phương tiện loại 1 (xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn), loại 2 (xe 12 đến 30 chỗ, tải trọng từ 2 đến dưới 4 tấn) và xe buýt của chủ xe tại TP Vinh, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), thị xã Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) khi đi qua trạm BOT cầu Bến Thủy 1.

Người dân hai đầu cầu Bến Thủy vui mừng trước kết quả “có hậu” sau bốn tháng quyết liệt phản đối bằng đủ cách, từ gửi đơn kiến nghị tập thể, tụ tập đông người, đến dùng “biện pháp kỹ thuật” trả phí bằng tiền lẻ, gây tắc nghẽn giao thông tại trạm… Trước đó, sự việc tương tự cũng xảy ra tại một số trạm thu phí BOT như đoạn Tam Nông trên quốc lộ 32 đoạn Hòa Lạc - Hòa Bình trên quốc lộ 6…, khiến UBND các địa phương liên quan phải vào cuộc, có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giảm phí phù hợp cho người dân địa phương,…

Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước ngày 21-2-2017 với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có tới 80% trong số 27 dự án BOT (hầu hết là chỉ định thầu) sau khi được rà soát các chi phí và mức thu phí đã bị Kiểm toán Nhà nước kiến nghị phải rút ngắn thời gian thu phí hoàn vốn, dự án ít nhất là 10 tháng và nhiều nhất là 13 năm, với tổng số thời gian điều chỉnh giảm gần 100 năm so với các phương án hiện hành. Cá biệt, dự án tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Tam Kỳ và đường ĐT618 huyện Núi Thành (Quảng Nam) còn bị đề nghị chấm dứt việc thu phí ngay lập tức…! Riêng Bộ GTVT sau khi rà soát cũng đã chủ động rút ngắn thời gian thu phí dự án quốc lộ 10 đoạn La Uyên - Tân Đệ (từ 21 năm 3 tháng xuống còn 10 năm 3 tháng); dự án cầu Rạch Miễu, quốc lộ 60, tỉnh Bến Tre (từ 22 năm 10 tháng xuống còn 13 năm 5 tháng)…

Những sự việc thực tế và con số thống kê trên đây cho thấy, Nhà nước nếu tính đúng, tính đủ các mức thu phí hiện hành, có thể buộc nhà đầu tư dự án BOT phải giảm mức thu hoặc cắt ngắn thời gian được phép thu phí, tức bịt lại những kẽ hở pháp lý cho phép chủ đầu tư “ăn không” của người dân hoặc chiếm dụng nguồn thu NSNN từ dự án BOT, dù tất cả đã được “thực hiện đúng quy trình”.

Dự án BOT giao thông là cách thức đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, giảm chi và tăng thu NSNN; đồng thời, cũng là thước đo thể hiện năng lực, trách nhiệm, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước nói chung, quản lý xã hội hóa đầu tư và tài sản công nói riêng. Phương thức BOT giao thông đúng nghĩa chỉ được áp dụng cho các dự án xây dựng những tuyến đường hoàn toàn mới; không phải đường độc đạo, tạo được sự đồng thuận xã hội, khuyến khích người dân tham gia bởi so sánh lợi ích và có quyền lựa chọn cơ hội sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông hiện có.

Vì vậy, cần tiếp tục củng cố cơ sở nhận thức, hệ thống văn bản pháp luật, bộ tiêu chí cho phép nhận diện đúng đắn về một dự án BOT chuẩn mực trong giao thông; làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương và đơn vị liên quan trong tổ chức đấu thầu và kiểm toán nghiêm túc các quyết toán chi phí đầu tư thực tế; định kỳ cập nhật mức và thời hạn thu phù hợp với từng khu vực, đặc điểm dự án; giảm tình trạng “xin-cho” và minh bạch hóa các chi phí thực tế để người dân không còn phải “mặc cả” phí thu qua các trạm thu phí BOT giao thông; ngăn ngừa sự lạm dụng BOT giao thông vì lợi ích cá nhân và “lợi ích nhóm”, làm méo mó và gây tác động mặt trái lớn hơn so với lợi ích kỳ vọng ban đầu trong toàn bộ quá trình lập, thẩm định, triển khai thi công, giám sát và quyết toán các dự án BOT giao thông.

Một khi minh bạch và hợp lý hóa các chi phí, hài hòa các lợi ích, chuẩn hóa cơ sở pháp lý và căn cứ thực tế xác định đúng thời gian, mức và đối tượng thu phí, thì sao người dân còn phải bận lòng “mặc cả” với chủ dự án BOT làm gì!

(Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử)

Chủ đề An toàn giao thông

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Chủ đề Gây rối - Trật tự - Phá hoại

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói