Những điểm sạt lở ăn sâu trong phần đất đang trồng keo của người dân.
Nhiều năm qua, mỗi mùa mưa lũ đi qua, khu vực đất sản xuất nằm ở hạ lưu công trình thủy lợi hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí của người dân xã Kỳ Hoa, TX Kỳ Anh lại trôi hàng trăm mét vuông đất.
Đặc biệt, tình trạng sạt lở, bồi lấp nghiêm trọng đang diễn ra sau trận mưa lũ vừa qua, nhất là 2 thôn Hoa Thắng và Hoa Tiến.
Ở những điểm sạt lở nặng, xuất hiện những hàm ếch ăn sâu vào trong phần đất đang trồng keo của người dân. Nhiều thửa ruộng trồng ngô, lúa nằm ven sông đang bị sạt lở, bồi lấp nghiêm trọng, nguy cơ dẫn đến tình trạng hoang hóa vì người dân không đủ sức khắc phục.
Có mặt tại khu ruộng của gia đình chị Nguyễn Thị Thủy (SN 1980, thôn Hoa Thắng), chúng tôi chứng kiến 0,4 ha ruộng lúa của gia đình chị sau trận mưa lũ bị bồi lấp dày đến hơn 60 cm.
Lớp đất đóng dày hơn 60 cm trên 0,4 ha ruộng lúa gia đình chị Thủy.
Chị Thủy rầu rĩ: “Nông dân chúng tôi chỉ trông vào mấy sào ruộng, giờ ruộng bị bồi lấp như thế này muốn canh tác lại cũng phải mất vài chục triệu để đào đất lên mới làm được. Mong chính quyền địa phương hỗ trợ giúp bà con chúng tôi về phương tiện máy móc để bà con khắc phục, yên tâm sản xuất…”.
0,5 ha ruộng của gia đình bà Đào Thị Tình (thôn Hoa Thắng) cũng cùng chung cảnh ngộ. “Bà con chúng tôi không biết xoay xở như thế nào. Nếu không dành ra được số tiền vài chục triệu mà đào đất lên, thì ruộng nhà chúng tôi cũng đành để hoang thôi…” - bà Tình thở dài nói.
Sau đợt mưa lũ vừa qua, có hơn 5 ha diện tích đất nông nghiệp và lâm nghiệp của người dân xã Kỳ Hoa bị sạt lở và bồi lấp.
Gia đình bà Lê Thị Biểu (thôn Hoa Tiến) có hơn 2 ha trồng keo hơn 2 năm tuổi nhưng trận mưa lũ vừa qua đã “nuốt” trọn 0,5 ha diện tích đất và cây cối trên đất.
Bà Biểu cho biết: “Hàng năm mưa lũ, đất có sụt nhưng không nghiêm trọng như thế này. Với đà này thì ít năm nữa diện tích đất lâm nghiệp nhà tôi xem như mất trắng. Mong chính quyền địa phương, các cấp, ngành có phương án khắc phục trước mắt cũng như định hướng lâu dài cho bà con".
Người dân địa phương cho rằng, nguyên nhân gây sạt lở là do mùa lũ đến, nước thay đổi dòng chảy gây xói lở và ăn mòn nhiều diện tích đất, thêm vào đó đây là khu vực xả tràn của công trình thủy lợi hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí. Trước đây, lòng dòng chảy rộng khoảng 15-20m nhưng sau nhiều năm sạt lở nay đã lấn sâu vào bờ, tạo nên bãi đá sỏi rộng hơn 50m giữa lòng chảy.
Đại diện chính quyền địa phương chỉ khu vực bị bồi lấp đất nông nghiệp thuộc thôn Hoa Tiến
Đặc biệt, do chưa được xây dựng kè chống xói lở nên vào mùa mưa lũ, người dân có diện tích đất nông, lâm nghiệp ở gần hệ thống công trình thủy lợi lại thấp thỏm lo mất đất, mất ruộng vì sạt lở, bồi lấp. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng này cần có nguồn kinh phí lớn và sự vào cuộc của các cấp, ngành.
Ông Đặng Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Kỳ Hoa cho biết: “Chúng tôi đã kiến nghị lên các cấp, ngành trước mắt có phương án hỗ trợ bà con có diện tích đất lâm nghiệp bị sạt lở và hỗ trợ máy móc, phương tiện để cải tạo lại đất sản xuất nông nghiệp bị bồi lấp sâu…”.