Tổng thống Macron đang ngập trong những khó khăn về chính sách đối nội. Ảnh: Daily Express. |
Nhậm chức ngày 7/5 trong sự ủng hộ tuyệt đối của cử tri, Emmanuel Macron mang theo niềm hy vọng cải cách hệ thống chính trị già nua và hàn gắn một xã hội bị chia rẽ thành hai phe tả - hữu của nước Pháp.
Từ 66% giảm còn 36% ủng hộ
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, nhiệm kỳ tổng thống của ông Macron đã sớm trải qua sóng gió. Ông chủ Điện Elysee đang đối mặt với chỉ số tín nhiệm tụt dốc không phanh, từ 66% xuống chỉ còn 36% cử tri ủng hộ, trong cuộc thăm dò dư luận mới đây. Đây mới là lần đầu tiên một người lãnh đạo nước Pháp có chỉ số ủng hộ lao dốc nhanh như vậy kể từ năm 1995.
Chiến thắng của ông trước ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, dù với số phiếu áp đảo, được cho là không phản ánh đúng không khí chính trị của Pháp. Các số liệu chỉ ra số cử tri tham gia bầu cử hồi tháng 5 ở mức thấp kỷ lục 74%, và thực tế chỉ có 1 trên 4 cử tri bầu cho ông Macron trong vòng bầu cử đầu tiên.
Ông Macron ngồi vào chiếc ghế nóng tại Điện Elysee chưa bao lâu thì sóng gió đã nổi lên. Cáo buộc về vụ bê bối tài chính khiến 4 bộ trưởng từ chức chỉ trong 48 giờ hồi cuối tháng 6 làm tổn hại nghiêm trọng uy tín chính phủ Pháp.
Không dừng lại ở đó, chương trình cải cách lao động, cắt giảm chi tiêu công cùng kế hoạch hợp thức hóa vai trò "Đệ Nhất phu nhân" cho bà vợ 64 tuổi đã đánh tụt niềm tin của cử tri vào vị tổng thống 39 tuổi.
Hậu quả các quyết sách
"Đã đến lúc Macron phải thực tế và gánh chịu hậu quả do các quyết sách của ông ta gây ra", nhà phân tích Jerome Fourquet bình luận.
Hồi đầu tháng 7, tranh cãi nổ ra giữa Điện Elysee và Bộ Quốc phòng Pháp sau khi Tổng thống Macron đưa ra kế hoạch cắt giảm chi tiêu quân sự. Bộ trưởng Quốc phòng Pierre de Villiers nghi ngờ tính hiệu quả và khôn ngoan của động thái cắt giảm ngân sách quốc phòng trong bối cảnh quân đội Pháp đang tham chiến tại Tây Phi, Trung Đông và cuộc chiến chống khủng bố trong lòng nước Pháp. Ông Villiers từ chức chỉ vài ngày sau đó.
Với việc tỷ lệ ủng hộ chính phủ của ông Macron sụt giảm trong thời gian qua, Điện Elysee được cho là sẽ đối mặt với thách thức lớn trong những tháng sắp tới.
Chính trường Pháp sẽ trở lại hoạt động trong tháng này với các chương trình nghị sự then chốt như cải tổ luật lao động và dự thảo ngân sách năm. Nhiều khả năng ông Macron sẽ đối mặt với những cuộc bãi công, tuần hành và "cuộc biểu tình của nhân dân" do các tổ chức công đoàn và các đảng đối lập kêu gọi.
"Tuần trăng mật giữa ông Macron và người Pháp đã chấm dứt", nhà báo Laurent Bodin nhận định.
Le lói điểm sáng đối ngoại
Trái ngược với sự khởi đầu u ám trong nước, hình ảnh Emmanuel Macron trên mặt trận đối ngoại là khá tích cực. Ông Macron đã chứng tỏ được vị thế của ông và nước Pháp trong quan hệ với cả Mỹ và Nga.
Giữa những bất ổn xung quanh vấn đề Brexit, lập trường cam kết với Châu Âu của ông chủ Điện Elysee làm dấy lên hy vọng cho sự sống lại của trục Pháp - Đức, mối quan hệ đã thúc đẩy sự hội nhập của Châu Âu và tạo ra khối liên minh thương mại lớn nhất thế giới.
Tổng thống Macron và Thủ tướng Merkel tại Văn phòng hữu nghị tuổi trẻ Pháp - Đức hôm 13/7. Ảnh: AFP. |
Ông Macron cũng hoàn thành cam kết dọn dép "mớ bùng nhùng" chính trị sau hàng loạt các bê bối, đồng thời thúc đẩy các biện pháp cứng rắn chống khủng bố trong lòng nước Pháp. Phát ngôn viên chính phủ Pháp Christophe Castaner khẳng định "Tổng thống Macron đã đặt nền móng cơ bản cho sự cải cách sâu rộng của đất nước".
Một điểm sáng nữa trước cuộc giông bão sắp tới với ông Macron là tỷ lệ thiện cảm dành cho bà Brigitte, người vợ hơn ông 25 tuổi, hiện ở mức cao. Người ta đã thấy hàng dài phụ nữ xếp hàng phía ngoài cửa hiệu thời trang H&M tại kinh đô ánh sáng Paris để mua những chiếc áo phông có in tên bà Brigitte trên đó.
"Luôn mỉm cười thân thiện và diện những bộ cánh thể thao hợp thời, sự yêu mến mà công chúng dành cho bà Brigitte có lợi cho nhiệm kỳ tổng thống của ông Macron", nhà báo Le Parisien của tờ Paris Daily bình luận.