Sẽ bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết của Luật Cư trú sửa đổi, trong đó có nội dung bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu.

Tại phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra chiều 22/4, Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày tờ trình dự án Luật Cư trú (sửa đổi), trong đó có nội dung thay đổi hình thức quản lý cư trú bằng sử dụng sổ hộ khẩu giấy sang quản lý bằng số định danh cá nhân.

Theo Bộ trưởng Công an, quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân để tạo thuận lợi cho việc truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua mạng Internet.

“Đây là phương thức quản lý hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho nhân dân”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Thay quản lý bằng hộ khẩu, người dân không cần mang giấy tờ khi làm thủ tục hành chính. Ảnh: A.T.

Lãnh đạo Bộ Công an cũng trình bày dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) sẽ bỏ các quy định về các loại sổ hộ khẩu, tách sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu và điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu trong Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013).

Dự thảo luật sửa đổi cũng bổ sung một số quy định liên quan quản lý cư trú như: Các hành vi bị nghiêm cấm liên quan sổ hộ khẩu và sổ tạm trú, các trường hợp bị xóa hộ khẩu,...

Ngoài ra, theo tính toán của Bộ Công an, khi ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp giảm khoảng 1.600 tỷ đồng/năm từ việc không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản, không phải sao, chụp hoặc chứng thực bản sao từ bản chính.

Sau khi nghe trình bày tờ trình dự án luật và qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy nhiều ý kiến tán thành sự cần thiết điều chỉnh trong dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý dân cư và cư trú. Trên cơ sở đó, ủy ban này nhất trí quản lý cư trú theo số định danh cá nhân, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú.

Góp ý về dự thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xác định tính khả thi của việc cấp số định danh cá nhân cho khoảng 80 triệu công dân còn lại trong thời gian từ nay đến khi Luật Cư trú (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực (năm 2021) để đảm bảo quyền lợi của người dân.

Kết thúc phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất dự án Luật Cư trú đủ điều kiện trình Quốc hội cho ký kiến tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói