Tỉnh nào cũng có nhiều trường CĐ, TC và các trung tâm nhưng người học lại ít. Ảnh: Mỹ Quyên
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, thuộc Bộ LĐ-TB&XH cho biết như trên. Cũng theo ông Minh, từ nay đến cuối năm sẽ cùng các địa phương tiến hành rà soát, sắp xếp các tổ chức giáo dục nghề nghiệp để năm 2019 trình Chính phủ, theo tinh thần thận trọng, không vội vàng, đảm bảo bước đi vững chắc với mục tiêu đến năm 2021 sẽ giảm 10% các cơ sở công lập. Riêng các trường đào tạo ngành nghề đặc thù sẽ xem xét để tiếp tục hoạt động.
Hiện nay, số lượng trường cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC) và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp quá cồng kềnh trong khi nhiều đơn vị tuyển sinh thiếu hiệu quả, việc quy hoạch lại hệ thống là vô cùng cần thiết, nhưng không đơn giản.
Thực tế cho thấy, tỉnh nào cũng có nhiều trường CĐ, TC và các trung tâm nhưng lượng người học lại ít, vì vậy hiếm trường nào tuyển đủ chỉ tiêu. Ví dụ, Hà Tĩnh có tới 26 cơ sở đào tạo, trong đó 7 trường CĐ, 4 TC; tỉnh Nam Định có hơn chục trường CĐ, TC, Bình Định có đến 40 cơ sở đào tạo, tỉnh An Giang có 34 cơ sở…
Trước chủ trương sáp nhập, lãnh đạo nhiều trường CĐ, TC cho rằng rất cần thiết thực hiện sớm để việc đầu tư được tập trung, tránh dàn trải, thu hút tuyển sinh… Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc sáp nhập, giải thể phải hết sức thận trọng, cần tiến hành rà soát nhu cầu lao động ở từng địa phương, tránh vội vàng dẫn đến hiệu quả không những không tăng mà còn làm thiếu hụt nhân lực cần thiết.
Ông Nguyễn Phan Hòa, Hiệu trưởng Trường TC Nhân Đạo, nhìn nhận: “Trước tiên, nên quy hoạch lại theo địa bàn dân cư chứ không nên theo địa giới hành chính. Ví dụ một khu vực có mấy trăm ngàn dân thì cần có một cơ sở đào tạo? Hiện nay hầu như ở TP.HCM mỗi quận, huyện đều có trường, chưa kể trung tâm. Việc đầu tư rất dàn trải, tốn kém, không được tập trung nên các trường vẫn yếu mà người học lại không nhiều”.
Theo ông Hòa, sau khi sáp nhập, nên tính toán xem khu vực nào thì đào tạo ngành nghề nào. Ví dụ các huyện xa thì phải là các ngành nông nghiệp, còn gần khu công nghiệp thì nên là các nghề cơ khí chính xác, công nghệ cao… Những trường gần nhau thì chỉ nên tập trung một nhóm ngành nghề, tránh việc trường nào cũng đào tạo các ngành giống nhau vừa phân tán giáo viên, trang thiết bị, vừa phân tán người học.
Mạng lưới dạy nghề hiện nay Biểu đồ: Võ Ba |
Bà Trương Nguyễn Ánh Nga, Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM, cho rằng nên tìm hiểu kỹ các nguyên nhân dẫn đến tình trạng tuyển sinh không được, là do xã hội không có nhu cầu, do năng lực trường đó kém, hay do các nguyên nhân khác như ĐH mở cửa, người học nhận thức thiếu đúng đắn về học nghề…
“Có những ngành xã hội rất cần nhưng người học lại ít vô do sợ học ra lương thấp. Hoặc có những ngành nghệ thuật đặc thù nếu đóng cửa thì lĩnh vực đó sẽ bị biến mất. Vì thế, khi quy hoạch lại, tôi nghĩ phải có hướng đi để tồn tại và phát triển chứ không chỉ là động tác sáp nhập”, bà Nga nhận định.
Về những vướng mắc, theo bà Phan Thị Hải Vân, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex, đó là cơ cấu tổ chức nhân sự. Bà Vân đưa ra ý kiến: “Việc sáp nhập chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa nhân sự, trong đó có lãnh đạo, cán bộ, giáo viên… Nên có cơ chế, chế độ, chính sách dành cho họ để tránh sự hụt hẫng”.