Sĩ tử nghèo và ước mơ giảng đường đại học

(Baohatinh.vn) - Trong tổng số hơn 9.000 thí sinh Hà Tĩnh nuôi ước mơ vào giảng đường đại học mùa thi THPT quốc gia năm nay, nhiều học sinh (HS) có hoàn cảnh rất khó khăn. Chuyện của các em HS Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên) là một phần bức tranh về những ước mơ, khát vọng, ý chí của sĩ tử nghèo vùng đất học.

Không may mắn như bạn bè cùng trang lứa, những ngày diễn ra kỳ thi quan trọng trong cuộc đời HS, Đặng Lan Hương (thị trấn Thiên Cầm), HS lớp 12A1 Trường THPT Nguyễn Đình Liễn phải tự mình lo toan mọi thứ. Bố mất sớm, mẹ tảo tần nuôi 4 chị em và bà bị liệt. Để mưu sinh, mẹ em phải bươn chải làm thuê, làm mướn đủ nghề. Lao lực suốt một thời gian dài khiến mẹ Hương phải nhập viện. Đó cũng là lý do, kỳ thi này em phải một mình đơn độc, vừa chuẩn bị hành trang cho tương lai, vừa chăm lo cho các em nhỏ và bà.

Sĩ tử nghèo và ước mơ giảng đường đại học

Với sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, Lan Hương luôn giành thành tích cao trong học tập

Cuộc sống quá khó khăn cũng chính là động lực giúp Hương nỗ lực vượt qua thử thách, cố gắng học tập để tự lo cho bản thân và giúp đỡ gia đình. Hương cho biết: “Ban ngày, mẹ đi bán gạo, bốc vác, đêm về lại xin bưng bê cho các nhà hàng, mỗi ngày chỉ nghỉ ngơi vài giờ đồng hồ nhưng mẹ không hề than thở. Mẹ luôn nói rằng, kết quả học tập của em chính là niềm vui của mẹ. Chính vì thế, em phải hết sức cố gắng để không làm mẹ buồn”.

Cùng với những tình cảm ấm áp của thầy cô, bạn bè, Hương luôn giành thành tích cao trong học tập. Em là HS giỏi môn Hóa cấp tỉnh lớp 11 và là một trong những thí sinh có điểm số cao trong các kỳ thi thử vừa qua của Trường THPT Nguyễn Đình Liễn. Kết quả ấy cũng chính là hành trang giúp Hương nỗ lực để trở thành sinh viên công nghệ thông tin của Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Với nam sinh làng biển (Cẩm Hòa) Phạm Văn Sơn - HS lớp 12A2, ước mơ được vào giảng đường đại học đã tiếp sức cho em trong những ngày đấu tranh trên giường bệnh. Căn bệnh viêm cầu thận trong 2 năm trở lại đây khiến con đường chinh phục ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin của Sơn thêm phần gian nan. Trong những ngày nước rút, khi bạn bè miệt mài với từng trang sách thì em lại phải nằm trên giường bệnh. Thế nhưng, sự động viên của gia đình và bạn bè, thầy cô đã giúp em vượt qua khó khăn, trau dồi kiến thức để chuẩn bị cho kỳ thi.

Sĩ tử nghèo và ước mơ giảng đường đại học

Em Phạm Văn Sơn luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập

Em Chu Thị Quỳnh, bạn học của Sơn cho biết: “Ở gần nhà nên em thường hỗ trợ bạn chép bài trong thời gian bạn nghỉ ốm. Điều em ngưỡng mộ Sơn là bạn đã dám ước mơ và quyết tâm thực hiện ước mơ. Có lẽ quyết tâm đó đã giúp Sơn chóng bình phục để kịp tham gia kỳ thi này”.

Câu chuyện của em Nguyễn Thị Thanh Cẩm - tổ dân phố Yên Thọ, thị trấn Thiên Cầm, HS lớp 12A4 cũng là một trong những dẫn chứng về ý chí vượt khó, xây dựng tương lai bằng con đường tri thức.

Gia đình Cẩm làm nghề nông, cả 5 miệng ăn đều nhìn vào mấy sào ruộng. Để có thêm tiền cho các con ăn học, bố em phải đi làm thuê xa nhà, mẹ vất vả bươn chải đủ nghề. Là chị cả trong gia đình, Cẩm vừa là trụ cột giúp mẹ việc nhà, chăm sóc các em, vừa dành quỹ thời gian còn lại dồn sức học tập với khát khao bằng con đường tri thức sẽ đổi thay cuộc sống.

Sĩ tử nghèo và ước mơ giảng đường đại học

Việc tự học giúp Thanh Cẩm tích lũy kiến thức để đầu tư cho môn học mình yêu thích.

Có thế mạnh nổi trội về các môn xã hội, Cẩm chọn môn Địa lý để tạo sự bứt phá cho con đường học của mình. Tranh thủ sự hướng dẫn của thầy giáo bộ môn và dành thời gian tìm kiếm thêm nhiều tài liệu, hình ảnh để bổ sung kiến thức, Cẩm đạt được kết quả rực rỡ qua những mùa thi HS giỏi: Giải nhì cấp tỉnh năm lớp 10, giải nhất cấp tỉnh năm lớp 11 và giải nhì quốc gia môn Địa lý năm lớp 12.

Bước vào kỳ thi với nỗ lực cao nhất để thực hiện mục tiêu đậu vào Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Cẩm đang cùng nhiều HS nghèo trên vùng đất học tự tin viết trang mới cho tương lai.

Chủ đề Kỳ thi THPT Quốc gia

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.
Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.