Sớm xử lý ô nhiễm ở Trung tâm Giống chất lượng cao Kỳ Phong

(Baohatinh.vn) - Sau gần 1 năm rưỡi đi vào hoạt động, tình trạng ô nhiễm môi trường đang xẩy ra gần khu vực sản xuất của Trung tâm Giống chất lượng cao Kỳ Phong (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) khiến người dân trên địa bàn lo lắng, môi trường sống bị ô nhiễm...

Trung tâm Giống chất lượng cao Kỳ Phong thuộc Công ty CP Chăn nuôi Mitraco, có diện tích 18 ha, đóng tại khu vực Cồn Ngang (xã Kỳ Phong). Ở đây hiện có 1.100 con lợn nái cấp ông bà và bước đầu đã đi vào sản xuất hiệu quả. Nhưng điều đáng quan tâm nhất là, dù mới đi vào hoạt động, nhưng đã có những tác động tiêu cực đến môi trường.

som xu ly o nhiem o trung tam giong chat luong cao ky phong

Mặc dù đã qua 2 hồ lắng trước khi thải ra môi trường, nhưng nước thải ở trại lợn nái Kỳ Phong (Kỳ Anh) vẫn có màu đen và mùi hôi thối.

Theo thống kê của thôn Nam Phong, mới đây, đã có 3 giếng nước vùng lân cận không thể sử dụng được, riêng của hộ ông Đinh Văn Dung hoàn toàn không thể sử dụng. Bên cạnh đó, do nước thải từ trại lợn nên vụ lúa xuân vừa rồi có 1 ha ở vùng Đập Đồi bị ảnh hưởng về năng suất, trong đó có những đám bị lốp, không có hạt. Ngoài ra, trong đợt hạn vào tháng 6 và 7 vừa qua, có 2 hộ nuôi cá lấy nước bổ sung vào hồ từ khe có nước thải ra từ trại lợn dẫn tới cá bị chết...

Ông Nguyễn Ngọc Phú – Bí thư Chi bộ thôn Nam Phong cho biết: Ngoài nguồn nước bị ô nhiễm, vào mùa hè, mùi hôi thối từ trại lợn bốc ra khá nặng, thậm chí, có những thời điểm khiến những hộ sống xung quanh đứng ngồi không yên. Điều này khiến rất nhiều hộ lo lắng, bức xúc vì dự án mới đi vào hoạt động mà đã xảy ra tình trạng như thế thì dăm năm nữa chắc phải dọn đi nơi khác ở…”.

Ông Phú cũng cho rằng, môi trường nước và không khí bị ô nhiễm là do doanh nghiệp chưa xây dựng đầy đủ các hạng mục cần thiết trong hệ thống xử lý chất thải, các bể lắng không lót đáy bằng bạt, dự án xây dựng quá gần khu dân cư...

Chúng tôi đã đến khu vực xử lý chất thải của trung tâm này để tìm hiểu thực tế. Trước khi đi, giám đốc trung tâm Nguyễn Minh Ngọc khẳng định, trung tâm đã làm đúng quy trình nên nước thải ra môi trường đã sạch, chỉ khác màu chứ không có mùi hôi, 2 bể lắng cuối cùng đã nuôi cá; khi bạt phủ bể biogas xẩy ra sự cố thì mới có mùi hôi, chứ hiện tại thì không, vì thỉnh thoảng mới bị rò rỉ và sau 1-2 ngày là khắc phục được.

Thế nhưng, dù trước thời điểm chúng tôi đến đây đã có những trận mưa lớn, có thể làm giảm mức độ ô nhiễm, song thực tế vẫn khác lời Giám đốc Ngọc trình bày. Bằng các giác quan thông thường vẫn nhận thấy được nước có màu đen, mùi hôi khá nặng, các hồ không có dấu hiệu nuôi cá.

som xu ly o nhiem o trung tam giong chat luong cao ky phong

Cùng một khe nhưng lại có 2 màu nước khác nhau bởi do nước thải của trại lợn Kỳ Phong xả ra

Đặc biệt, tại khu vực cống xả nước ra môi trường, bằng mắt thường cũng dễ dàng thấy được sự khác biệt giữa cây cỏ ven bờ, bọt nước, độ trong của dòng suối... tại 2 khu vực có và không có nước thải hòa lẫn. Và với mức xả ra từ 40-70 m3/ngày và chất lượng nước xả ra như tại thời điểm này thì nguy cơ ô nhiễm môi trường như phản ánh là điều dễ xẩy ra...

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Đình Nhị - Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Mitraco cho rằng: “Do đây là dự án có quy mô lớn, đầu tư nhiều tiền, có vai trò quan trọng nên công tác bảo vệ môi trường nói chung và xây dựng hệ thống xử lý chất thải nói riêng luôn được quan tâm và thực hiện đầy đủ, hồ sơ đánh giá tác động môi trường cũng đã được các cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt. Tuy nhiên, sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra và nếu đúng như phản ánh thì sẽ có sự điều chỉnh để đảm bảo sản xuất lâu dài cũng như giữ gìn môi trường sống cho người dân xung quanh”.

Tuy chưa ở mức báo động nhưng tình trạng ô nhiễm tại Trung tâm Giống chất lượng cao Kỳ Phong là có thật và sự băn khoăn, lo lắng của người dân là chính đáng, cần phải được xem xét cẩn trọng. Để tránh nguy cơ trở thành điểm nóng về môi trường, đảm bảo sản xuất lâu dài cũng như ngăn chặn từ xa xung đột giữa người dân sở tại với công ty thì doanh nghiệp cần sớm xử lý dứt điểm các vấn đề người dân đang bức xúc. Điều này, ngoài sự hợp tác, chia sẻ của người dân thì còn phụ thuộc rất lớn vào trách nhiệm của doanh nghiệp, sự vào cuộc của chính quyền và cơ quan chức năng các cấp...

Đọc thêm

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Được giới thiệu có nguồn gốc từ Nhật Bản, các sản phẩm hàng hóa đã cũ kỹ vẫn được nhiều người dân Hà Tĩnh mua và sử dụng. Vậy, việc kinh doanh loại hàng này liệu có hợp pháp?
Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Cầu số 2 và cầu số 3 bắc qua sông Sóc thuộc xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hiện đã hư hỏng và không có lan can, khiến nhiều người di chuyển qua đây bị rơi xuống sông.
Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Kênh Vách Nam có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho một số vùng của thị trấn Thạch Hà và các xã: Thạch Ngọc, Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh), tuy vậy, việc phát quang, dọn dẹp cây bụi hai bên kênh lại chưa được chú trọng.
Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.