Tác phẩm “Tự chỉ trích” và những cống hiến của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ

(Baohatinh.vn) - Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - nhà lý luận xuất sắc của Đảng, người đã có những cống hiến hết sức to lớn trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, đã để lại những tài sản tinh thần vô cùng quý giá trong công tác xây dựng Đảng.

Trong đó, tác phẩm “Tự chỉ trích” có ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn, đóng góp có giá trị vào kho tàng lý luận cách mạng của Đảng ta.

Tác phẩm “Tự chỉ trích” và những cống hiến của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ

Với bút danh Trí Cường, tác phẩm được viết trong bối cảnh lịch sử có những biến động mau lẹ và phức tạp; cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II có nguy cơ bùng nổ, thực dân Pháp trở mặt, ra sức đàn áp phong trào dân chủ ở các nước.

Còn trong nước, nội bộ Đảng và phong trào cách mạng xuất hiện những khuynh hướng có thể gây chia rẽ, mất đoàn kết, vai trò lãnh đạo của Đảng có nguy cơ bị suy yếu, đòi hỏi Đảng phải nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc trong sinh hoạt và tổ chức, làm tốt công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Trong đó vấn đề phê bình và tự phê bình cần được nhìn nhận, đánh giá và thực hiện thực chất, hiệu quả hơn.

Tác phẩm “Tự chỉ trích” và những cống hiến của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ

Tác phẩm "Tự chỉ trích" của đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một tác phẩm lý luận mẫu mực về xây dựng Đảng không chỉ trong giai đoạn cách mạng khi đó, mà nó còn nguyên giá trị cho tới ngày nay. Ảnh tư liệu.

Tác phẩm “Tự chỉ trích” gồm 4 phần: (1) Nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng; (2) Bài học về cuộc tuyển cử Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ; (3) Đấu tranh về bảo vệ đường lối Mặt trận Dân chủ của Đảng chống tả khuynh và hữu khuynh; (4) Tóm tắt đường lối chiến lược và sách lược của Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

Nội dung xuyên suốt là nêu rõ mục đích, nội dung, phương pháp tự phê bình, phê bình của người đảng viên, qua đó đấu tranh chống lại những tư tưởng, nhận thức sai trái nhằm giữ vững và phát huy đoàn kết, thống nhất trong Đảng. “Tự chỉ trích” được xem tác phẩm điển hình về quan điểm tự phê bình và phê bình của đồng chí Nguyễn Văn Cừ và nó vẫn còn nguyên giá trị cho đến tận ngày nay.

Về mục đích của tự phê bình và phê bình, theo đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đối với một đảng chính trị, đặc biệt lại là một đảng còn non trẻ, thì trong quá trình hoạt động, việc mắc phải khuyết điểm, sai lầm là điều khó tránh khỏi, vì vậy đòi hỏi Đảng phải thường xuyên kiểm điểm, đánh giá và thực hiện phê bình và tự phê bình, nhằm làm cho Đảng ngày càng mạnh.

Đồng chí cho rằng: phê bình và tự phê bình là để chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm, đặc biệt để kịp thời phát hiện ra những xu hướng cần phải đấu tranh loại bỏ như “tả khuynh”, “hữu khuynh”, xa rời quần chúng, làm mất đoàn kết nội bộ. Đồng thời, phải tìm ra nguyên nhân của những sai lầm, khuyết điểm để kịp thời khắc phục, sửa chữa.

Tác phẩm “Tự chỉ trích” và những cống hiến của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ

Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tại phường Phù Khê, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: VOV

Về phương pháp thực hiện, đồng chí cho rằng, trong phê bình và tự phê bình, phải đảm bảo thế giới quan mác-xít, tức là “phải tôn trọng sự thật, công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những lỗi lầm của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu, thỏa hiệp”. Đồng chí phân tích, nếu không trung thực, thẳng thắn, không mạnh dạn đấu tranh, nghiêm túc trong phê bình và tự phê bình mà thực hiện theo kiểu “đóng kín cửa bảo nhau” để “giữ cái vỏ thống nhất bề ngoài mà bên trong thì hổ lốn một cục” thì “đó không phải một đảng tiền phong cách mạng mà là một đảng hoạt đầu cải lương” và dẫn đến nhiều hậu quả tai hại.

Đối với Đảng, khi phê bình và tự phê bình, “Đảng có bổn phận phải phân tích xác thực hoàn cảnh, không bi quan, hoảng hốt mà cũng không đắc chí tự mãn”, “Chúng ta không bao giờ có thể đổ hết những nguyên nhân thất bại cho việc quân thù đàn áp và cử tri chưa giác ngộ. Chúng ta phải biết nhìn nhận những khuyết điểm về chủ quan mà chính ta gây ra, chính ta phải chịu hoàn toàn trách nhiệm” và “phải đứng về lợi ích, về công cuộc của dân chúng mà chỉ trích những khuyết điểm, những chỗ lừng chừng hoặc hèn nhát để đẩy phong trào phát triển rộng rãi, mạnh mẽ hơn”.

Đối với mỗi đảng viên, “có quyền tự do thảo luận, tự do chỉ trích, miễn là sự thảo luận luôn luôn mang tinh thần Bôn-sê-vich, không làm giảm uy tín của Đảng, nhằm làm cho kẻ thù không thể hí hửng tìm ở đây một sự chia rẽ hay mầm bè phái gì giữa những người cộng sản”. “Người cộng sản có bổn phận nói sự thật với quần chúng, dẫn đường cho quần chúng chớ không phải theo đuôi họ, hay phỉnh họ… Và dẫu cho có sai lầm, có thất bại thì phải có can đảm “mở to mắt ra nhìn sự thật”; khi phê bình không để xẩy ra “cãi vã những chuyện nhỏ nhen” mà phải biết “trọng uy tín của Đảng, coi nó là cốt yếu, luôn luôn làm cho nó được gia tăng...”, “phải nắm vững mục đích xây dựng đảng, xây dựng đồng chí mình, không được đả kích hoặc cường điệu những sai lầm khuyết điểm của đồng chí mình”.

Như vậy, đối với mỗi tổ chức Đảng và mỗi đảng viên, khi “phê bình và tự phê bình phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Đối với uy tín của Đảng thì danh dự cá nhân mình không có nghĩa lý gì, hay nói đúng ra không có nữa, vì một người đảng viên cộng sản chỉ biết lấy uy tín, lấy danh dự chung của toàn Đảng làm danh dự của mình thôi”.

Có thể nói, tác phẩm “Tự chỉ trích” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ ra đời với những nội dung về phê bình và tự phê bình - một nguyên tắc hết sức quan trọng trong sinh hoạt đảng, đã kịp thời tháo gỡ được nút thắt trong công tác xây dựng Đảng lúc bấy giờ. Đây là một tác phẩm lý luận mẫu mực về xây dựng Đảng không chỉ trong giai đoạn cách mạng khi đó, mà nó còn nguyên giá trị cho tới ngày nay.

Tác phẩm “Tự chỉ trích” và những cống hiến của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912-9/7/2022), chiều 8/7, tại Bắc Ninh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh”. Ảnh: VOV

Tại Hội nghị Trung ương 4 khoá XI (năm 2012), Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận định: “Công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng”, đặc biệt “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”.

Vì vậy, hiện nay Đảng ta đang ra sức thực hiện công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI của Đảng về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”…

--------------------------

Tài liệu tham khảo: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6. Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội 2000. Tr.619-647

Đọc thêm

Hương Sơn tinh gọn được 13 tổ chức cơ sở đảng

Hương Sơn tinh gọn được 13 tổ chức cơ sở đảng

Từ năm 2017 đến nay, Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã rà soát, sắp xếp lại các tổ chức cơ sở đảng, bố trí cán bộ kiêm nhiệm phù hợp với năng lực của từng người nên tạo được sự đồng thuận cao.
Hà Tĩnh chú trọng việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân

Hà Tĩnh chú trọng việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân

Thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh, thời gian qua, các cấp ở Hà Tĩnh đã thường xuyên quan tâm công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân.
60 năm giữ trọn lời thề sắt son với Đảng

60 năm giữ trọn lời thề sắt son với Đảng

60 năm qua, vợ chồng đảng viên lão thành Nguyễn Hồng Tiến và Nguyễn Thị Nhung ở phường Kỳ Trinh (TX Kỳ Anh - Hà Tĩnh) luôn một lòng sắt son với Đảng, gương mẫu trong mọi phong trào, hoạt động của địa phương.
Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cơ bản thống nhất nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu, tiến độ tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và một số nội dung gợi ý, định hướng để các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đề xuất sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Nỗ lực đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ

Nỗ lực đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh rà soát mục tiêu, chỉ tiêu KT-XH năm 2024 và các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; đề ra phương hướng, nhiệm vụ, nỗ lực để đạt kết quả cao nhất chỉ tiêu nhiệm vụ của năm và cả nhiệm kỳ.