Tài liệu 29 trang hé lộ Saudi Arabia dính líu đến vụ khủng bố 11/9

Thông tin trên nằm trong tài liệu điều tra do Quốc hội Mỹ thực hiện năm 2002 liên quan đến vụ 11/9 vừa mới được công bố tuần qua trên trang web của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ.

tai lieu 29 trang he lo saudi arabia dinh liu den vu khung bo 11 9

Lính cứu hỏa Mỹ dọn dẹp đống đổ nát sau vụ 11/9. Ảnh AP

Rất nhiều nhà hoạt động xã hội đã nhiều lần kêu gọi Chính phủ Mỹ giải mật tài liệu này. Theo đó, tài liệu này trên thực tế có 29 trang chứ không phải 28 trang như thông tin được báo giới Mỹ công bố từ trước đến nay.

Bản thân nhiều cựu thành viên của Ủy ban Điều tra vụ 11/9 cũng lên tiếng yêu cầu Chính phủ của ông Obama công bố các trang tài liệu này bởi theo họ Saudi Arabia đã ủng hộ những kẻ tấn công khủng bố thuộc mạng lưới al-Qaeda.

Mỹ có thông tin nhưng chỉ ra tay sau ngày 11/9

Trong tài liệu mới được công bố này, những thông tin từ FBI và CIA đều cho thấy, trong quá trình ở Mỹ, những kẻ thực hiện vụ tấn công khủng bố 11/9 đã có liên hệ với các nhân viên tình báo Saudi Arabia.

Tài liệu này cũng cho thấy, cộng đồng tình báo Mỹ đã “nhận được thông tin cho thấy nhiều cá nhân có liên quan đến Chính phủ Saudi Arabia đang sống ở Mỹ cũng có liên hệ với al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác”.

Tuy nhiên, tài liệu này khẳng định “chỉ sau vụ 11/9, Chính phủ Mỹ mới bắt đầu tập trung điều tra vào vấn đề này” bởi Saudi Arabia là đồng minh thân cận của Mỹ từ những năm 40 của thế kỷ trước.

Trong tài liệu này, FBI và CIA đã báo cáo lên Ủy ban Điều tra của Quốc hội Mỹ rằng: “Họ đã nghiêm túc xem xét vấn đề Saudi Arabia nhưng chỉ nhận thấy mối liên hệ rất hạn chế của Chính phủ Saudi Arabia với các nhân tố khủng bố”.

“Theo quan điểm của Ủy ban Điều tra, lỗ hổng này của các cơ quan tình báo Mỹ là không thể chấp nhận được”, tài liệu nêu rõ và yêu cầu “các cơ quan tình báo Mỹ phải giải quyết vấn đề này càng nhanh càng tốt”.

Cũng theo tài liệu này, sau đó, FBI và CIA đã thành lập một nhóm công tác chung để xem xét về mối quan hệ giữa Saudi Arabia và các nhóm bạo lực cực đoan.

Mỹ cáo buộc, Chính phủ Saudi Arabia bác bỏ

Trong số 19 kẻ thực hiện tấn công khủng bố 11/9, có tới 15 tên là công dân Saudi Arabia. Tuy nhiên, Chính phủ Saudi Arabia đã lên tiếng phủ nhận việc mình có dính líu đến vụ tấn công này.

Tuy nhiên, tên Zacarias Moussaoui, kẻ lên kế hoạch thực hiện vụ 11/9, đã khai báo với giới chức Mỹ rằng, các thành viên Hoàng gia Saudi Arabia đã cung cấp tiền cho al-Qaeda trước khi vụ tấn công khủng bố 11/9 diễn ra. Một lần nữa, Chính phủ Saudi Arabia lại bác bỏ thông tin này.

Trong khi đó, cựu Thượng Nghị sĩ Bob Graham, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ trước, trong và sau vụ tấn công khủng bố 11/9, đã nhiều lần khẳng định, tài liệu vừa được giải mật nói trên cho thấy Chính phủ Saudi Arabia có dính líu đến vụ này.

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn trên tờ Guardian hồi tháng 5, cựu ủy viên Ủy ban Điều tra của Quốc hội Mỹ vụ 11/9 John F. Lehman cho biết: “Có rất nhiều cá nhân tại Saudi Arabia đã ủng hộ những kẻ tấn công khủng bố và một vài người trong số này làm việc cho Chính phủ Saudi Arabia”.

Bản thân Mỹ và EU từ lâu cũng đã thừa nhận mối liên hệ giữa Saudi Arabia và các nhóm cực đoan.

“Saudi Arabia là nguồn cung cấp tài chính chủ yếu cho các nhóm nổi dậy và các tổ chức khủng bố từ những năm 70 của thế kỷ trước”, báo cáo của Nghị viện châu Âu hồi 2013 nêu rõ và cáo buộc: “Các quốc gia như Saudi Arabia, Qatar, UAE và Kuwait hầu như không làm gì để ngăn chặn những kẻ tài trợ cung cấp tài chính cho các tổ chức khủng bố thông qua các tổ chức nhân đạo và tôn giáo”.

Một bản ghi nhớ mật của Bộ Ngoại giao Mỹ hồi năm 2009 được Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là bà Hillary Clinton ký cho thấy: “Các nhà tài trợ tại Saudi Arabia là nguồn cung cấp tài chính quan trọng nhất cho các tổ chức khủng bố Hồi giáo theo dòng Sunni trên toàn thế giới”.

Trang WikiLeaks dẫn thông tin mà họ thu thập từ Chính phủ Mỹ tuyên bố: “Saudi Arabia vẫn là nguồn cung cấp tài chính chủ yếu cho al-Qaeda, Taliban, LeT và nhiều tổ chức khủng bố khác”.

(LeT là tên viết tắt của Lashkar-e-Taiba, một nhóm cực đoan có trụ sở tại Nam Á được dựng lên trong quá trình Mỹ hậu thuẫn cho các lực lượng Hồi giáo quá khích tại Afghanistan trong cuộc chiến chống lại Liên Xô những năm 80 của thế kỷ trước).

Bảo trợ khủng bố nhưng vẫn là đồng minh thân cận của Mỹ

Bộ Ngoại giao Mỹ từng thừa nhận: “Việc thuyết phục các quan chức Saudi Arabia ngừng cung cấp tài chính cho khủng bố là một thách thức rất lớn”.

Saudi Arabia là một Vương quốc được điều hành dựa trên chủ nghĩa Wahhabi- một học thuyết Hồi giáo cực đoan tương tự như Salafi do các tổ chức khủng bố như al-Qaeda hay IS phát tán.

Rất nhiều người Hồi giáo không coi Wahhabi là một dạng thức hợp pháp của đạo Hồi và cho rằng, đó là một hành động bóp méo tôn giáo giống như những gì mà những tổ chức Công giáo cực đoan như giáo phái Westboro Baptist hay Ku Klux Klan vẫn làm.

Chính phủ Saudi Arabia được phương Tây hậu thuẫn cũng đã chi khoảng 100 tỷ USD trong vài thập kỷ qua để “xuất khẩu” tư tưởng Hồi giáo cực đoan ra toàn thế giới bằng cách cố tình che giấu những tư tưởng cốt lõi của Wahhabi trong những hoạt động từ thiện hay cấp tiền xây dựng những công trình tôn giáo tại những nơi mà cộng đồng người Hồi giáo còn khó khăn.

Bất chấp những hành động đó, Mỹ vẫn coi Saudi Arabia là đồng minh thân cận, chỉ trong vài năm qua, Chính phủ của Tổng thống Obama đã đạt được các thỏa thuận buôn bán vũ khí trị giá hơn 100 tỷ USD với Saudi Arabia.

Vợ của những nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố 11/9 từ lâu đã kêu gọi Mỹ giải mật 29 trang tài liệu nói trên. Trong một bài báo trên tạp chí New York Times hồi tháng 4, 5 người trong số này đã lên án mối quan hệ thân cận giữa Mỹ và Saudi Arabia.

“Chúng tôi cố gắng để tìm hiểu xem tại sao việc cung cấp tài chính cho những kẻ sát hại hơn 3.000 người trong vụ 11/9 lại được coi như một hành động để chứng tỏ Saudi Arabia là đồng minh thận cận của Mỹ”, những người này nói: “Saudi Arabia không đáng tin cậy và họ không thể được coi là bạn của chúng ta”.

Theo VOV

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.