Người thanh niên 21 tuổi đời một thân một mình xuất dương vào ngày 5/6/1911, rồi lăn lộn bốn phương trời để tìm “tự do cho đồng bào, độc lập cho dân tộc”, như là chuyện không tưởng. Nhưng đó là tầm nhìn ở người thanh niên tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam với hoài bão và ý chí hướng tới tương lai. Chính từ cuộc sống và khát vọng của bản thân mà Anh đã nhận ra được sứ mệnh và vai trò của tuổi trẻ trong cảnh nước nhà bị nô lệ.
Bến Nhà Rồng - nơi Bác Hồ bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Ảnh tư liệu.
Khi tìm được con đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy: “Muốn thức tỉnh một dân tộc, trước hết phải thức tỉnh tuổi trẻ”. Trong thư “Gửi thanh niên An Nam” năm 1925, Nguyễn Ái Quốc viết: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại. Người sẽ chết nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”. Và rồi để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc đã chọn lớp thanh thiếu niên để bồi dưỡng, hướng dẫn, khi biết họ tuy tuổi còn trẻ nhưng đã khát khao tìm đường cứu nước.
Bác Hồ đang theo dõi một cháu nhỏ đánh vần khi đến thăm lớp vỡ lòng ở phố Hàng Than, Hà Nội, năm 1958. Ảnh tư liệu.
Nước nhà giành được độc lập, sau bản “Tuyên ngôn Độc lập” nổi tiếng là bức thư tâm huyết Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho học sinh nhân ngày khai trường (tháng 9/1945), trong thư Người viết: “Trong năm học tới đây các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn. Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Cơ sở niềm tin của Người vào lớp trẻ chính là niềm tin đối với con người Việt Nam mà lớp trẻ là chủ tương lai, sẽ làm rạng rỡ cho dân tộc: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần là do các thanh thiếu niên”.
Thầy cô giáo và các em học sinh vui mừng chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường Trung học Giao thông - Vận tải Thủy - Bộ. Ảnh tư liệu.
Hồ Chí Minh cho rằng, cách mạng muốn thành công thì phải quan tâm đến lực lượng trẻ. Đảng phải có trách nhiệm chăm lo bồi dưỡng họ. Lớp trẻ thông minh hơn, giỏi giang hơn, phải tin vào họ. Khi nói chuyện với các đảng viên lão thành, Người tâm sự: “Chúng ta là ông già, hiểu biết của chúng ta hồi tuổi trẻ so với sự hiểu biết của lớp trẻ bây giờ chúng mình dốt lắm! Tục ngữ có câu: Măng mọc quá pheo. Măng mọc sau mà tốt hơn tre đấy…”.
Nói chuyện với các thầy giáo, cô giáo ở lớp bồi dưỡng chính trị cho giáo viên, Bác nêu lên tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người… đó là trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang”.
Trong tâm niệm của Hồ Chí Minh, thiếu nhi là mầm non, là nguồn lộc của nước nhà nên cần được quan tâm chăm sóc, dạy dỗ chu đáo, đến nơi, đến chốn; phải biết cách nuôi dạy, giáo dục phù hợp với thế hệ “như búp trên cành”. Bác đã nêu lên 5 điều dạy các cháu thật vô cùng thấm thía: “Yêu Tổ quốc. Yêu đồng bào. Học tập tốt, lao động tốt. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đại biểu thanh niên tham gia Đại hội Đoàn toàn quốc lần III (Hà Nội, năm 1961). Ảnh tư liệu.
Còn đối với thanh niên, lời căn dặn, động viên của Bác như là phương châm và lẽ sống để phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện trong học tập, lao động, chiến đấu vì mục tiêu cao cả hướng tới tương lai.
“Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên!”. Để xứng đáng với niềm tin yêu của Bác Hồ, của Đảng thì thanh thiếu niên phải chăm lo học tập và rèn luyện. Tấm gương về học tập và rèn luyện suốt đời của Bác thật là vô giá. Người học từ cái nhỏ đến cái lớn, học trong sách vở, học ngoài đời, học từ cổ tới kim, học từ Đông sang Tây, học đồng bào, đồng chí… Người nói: “Tôi năm nay đã 71 tuổi, ngày nào cũng phải học, không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình ở lại phía sau”.
Trong sự nghiệp đổi mới, trước vận hội của đất nước, khát vọng phát triển hùng cường, thịnh vượng của dân tộc, tuổi trẻ cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình “phải có học thức”, phải “thành những người kế thừa xây dựng CNXH vừa “hồng”, vừa “chuyên” như Bác Hồ căn dặn. Người yêu cầu thanh thiếu niên phải: “Chú trọng đầy đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ XHCN, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất”. Những lời khuyên bảo của Người là kim chỉ nam cho thế hệ trẻ rèn luyện, phấn đấu vươn lên cống hiến cho đất nước.
Bác Hồ với thiếu niên nhi đồng. Ảnh tư liệu
Tầm nhìn của Hồ Chí Minh đối với thế hệ trẻ cần được Đảng và Nhà nước nhận thức đầy đủ để phát huy phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện mới. Biết rằng thách thức đối với lớp trẻ hiện nay là không nhỏ, bởi phần lớn tác động tiêu cực của xã hội, những quan điểm lệch lạc… bằng nhiều cách đang nhằm vào tuổi trẻ. Nhưng nếu biết khơi dậy truyền thống yêu nước, hoài bão, ý chí và khát vọng cống hiến thì thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay tiếp bước cha ông sẽ hòa nhập được với xu thế thời đại, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, lao động sáng tạo và năng động trên mọi lĩnh vực, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới; xứng đáng với sự tin cậy của Bác Hồ: “Thế hệ trẻ là lực lượng quyết định cho sự phát triển của cách mạng, của dân tộc”.