Sáng 11/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về giáo dục quyền con người.
Lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương tham dự hội nghị tại điểm cầu chính; lãnh đạo các địa phương, ban, ngành tham gia tại 63 điểm cầu trên cả nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu, Hiệu trưởng Trường Chính trị Trần Phú Nguyễn Trọng Tứ chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành ở Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề quyền con người và giáo dục quyền con người. Điều này đã được thể chế hóa bằng các văn bản, hiến pháp của Nhà nước.
Ngày 5/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025” (gọi tắt là đề án). Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trực tiếp triển khai thực hiện các nhiệm vụ của đề án.
Đây là sự kiện chính trị, pháp lý đặc biệt quan trọng nhằm thực hiện Chỉ thị 44-CT/TW ngày 20/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Công tác nhân quyền trong tình hình mới”; cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người; đồng thời, thực hiện cam kết, trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về giáo dục quyền con người.
Việc đưa nội dung quyền con người vào chương trình của hệ thống giáo dục quốc dân đánh dấu bước ngoặt thay đổi về nhận thức, hành động thực tiễn nhằm thúc đẩy tôn trọng và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam lên tầm cao mới; góp phần xây dựng xã hội công bằng, hòa bình, nhân văn, phát triển.
Theo báo cáo của Ban Điều hành đề án, sau hơn 6 năm thực hiện, các đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động như: xây dựng văn bản thực hiện; tổ chức khảo sát thực tế, hội thảo, hội nghị, tập huấn, hoạt động đối ngoại, biên dịch tài liệu; triển khai các đề tài khoa học; hoàn thiện các khung chương trình đào tạo; tuyên truyền, quảng bá; biên soạn và xuất bản nhiều ấn phẩm về lĩnh vực quyền con người…
Các hoạt động đó đã góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục quyền con người; trang bị kiến thức, kỹ năng về quyền con người cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người làm công tác thực tiễn của các ban, bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục.
Đề án đã thu hút sự quan tâm của các cơ quan truyền thông, báo chí và công chúng, khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước về quyền con người, giáo dục quyền con người, góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc về quyền con người.
Hoạt động của đề án đã được đưa vào báo cáo về tình hình thực hiện quyền con người ở Việt Nam, góp phần tích cực vào công tác đối thoại về quyền con người giữa Chính phủ Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế...
Tại hội nghị, đại biểu đã phân tích những hạn chế trong quá trình thực hiện đề án như: nhiều nhiệm vụ chưa được thực hiện theo đúng tiến độ đề ra; một số địa phương, đơn vị còn lúng túng, gặp nhiều vướng mắc; công tác phối hợp chưa chặt chẽ, thường xuyên; xây dựng kế hoạch công tác có lúc chưa sát thực, phù hợp...
Đại biểu cũng nêu những kiến nghị, đề xuất nhằm triển khai thực hiện hiệu quả đề án trong thực tiễn: bố trí kinh phí, xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động theo từng giai đoạn; tăng cường hướng dẫn, phối hợp; chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những ý kiến phát biểu, đóng góp của đại biểu, đồng thời, khẳng định tại Việt Nam, quyền con người và giáo dục quyền con người luôn song hành - đây là những vấn đề trung tâm, chủ thể của xây dựng, bảo vệ con người; là quan điểm xuyên suốt, nhất quán trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước mọi thời kỳ.
Thủ tướng Chính phủ biểu dương những kết quả mà các cơ quan, bộ, ngành đã đạt được trong quá trình thực hiện triển khai đề án. Những nỗ lực, kết quả đó đã góp phần củng cố uy tín, khẳng định chủ trương nhất quán của của Việt Nam về nhân quyền trên trường quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị, các địa phương, ban ngành phải tiếp tục triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về quyền con người; thể chế hóa và thực hiện hiệu quả quyền con người đã được Hiến pháp quy định; thay đổi chính sách xã hội theo hướng đảm bảo quyền được "sống vui, sống khỏe, sống an toàn, sống xanh" cho người dân; tạo điều kiện để mỗi người dân được tự do hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp, pháp luật, phát huy tối đa lợi ích của cá nhân và đóng góp tích cực cho xã hội...
Đối với việc thực hiện đề án, Thủ tướng Chính phủ đề nghị, Ban Điều hành đề án và các đơn vị liên quan tiếp tục tập trung hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra để hoàn thành đề án vào năm 2025; hoàn chỉnh các tài liệu, giáo trình phục vụ công tác giáo dục về quyền con người; tăng cường tuyên truyền, giáo dục trong các cấp học, các cơ sở giáo dục. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, tham mưu để Chính phủ xây dựng đề án trong giai đoạn tiếp theo.