Tăng trưởng tín dụng - nhiệm vụ có khả thi?

Theo báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2016, tổng phương tiện thanh toán đến ngày 20-5-2016 ước tăng 5,88%, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 4,52% so với tháng 12-2015. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng 18-20% mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt cho năm 2016 có vẻ khó khả thi.

Năm 2015, các ngân hàng đẩy vốn mạnh vào thị trường bất động sản khi dự báo thị trường này đang ấm trở lại. Tuy nhiên năm 2016 mọi chuyện đã khác. Ảnh: MINH KHUÊ

Kế hoạch năm 2016 quá cao?

Nếu theo kế hoạch này, trong bảy tháng còn lại của năm nay, tín dụng ngân hàng phải tăng thêm 13,5-15,5%. Đây là mức tăng trưởng bằng hoặc thậm chí còn cao hơn mức tăng trưởng tín dụng cả năm của những năm gần đây.

Có vẻ như kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2016 được đặt trên cơ sở mức tăng trưởng tín dụng rất cao của năm 2015 là 18%. Tuy nhiên, cần biết rằng tăng trưởng tín dụng năm 2015 cao một phần đến từ hoạt động cơ cấu nợ mạnh mẽ của các ngân hàng. Ví dụ: một khách hàng có khoản vay 10 tỉ đồng, khi đến hạn không thanh toán được, ngân hàng cơ cấu lại nợ bằng cách cho vay 11 tỉ đồng để trả 10 tỉ đồng nợ gốc và một tỉ đồng tiền lãi của năm đó. Như vậy nghiễm nhiên dư nợ của khách hàng này đã tăng thêm 10%.

Nếu ngân hàng cho vay để trả luôn những khoản lãi dồn tích qua các năm chưa thanh toán được, thì khoản vay mới để cơ cấu lại nợ sẽ tăng rất cao. Thực tế đây là điều đã diễn ra trong năm 2015. Quyết định 780 hết hạn vào ngày 1-4-2015 đã thúc đẩy nhiều ngân hàng gấp rút cơ cấu lại các khoản vay quá hạn lâu năm thành các khoản vay mới trung, dài hạn. Nếu loại trừ những khoản cho vay tái cơ cấu nợ như trên thì tăng trưởng tín dụng năm 2015 sẽ không cao đến như vậy.

Ngoài ra, trong năm 2015, các ngân hàng đẩy vốn mạnh vào thị trường bất động sản khi dự báo thị trường này đang ấm trở lại. Một số ngân hàng bán buôn tập trung cho vay các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng với thời hạn vay kéo dài từ 5-10 năm. Những động thái này cũng giúp tăng trưởng tín dụng tăng mạnh.

Tuy nhiên năm 2016 mọi chuyện đã khác.

Những yếu tố nội tại cản chân tăng trưởng tín dụng

Quy mô vốn tự có hiện tại của các ngân hàng cũng là yếu tố có thể níu chân tăng trưởng tín dụng. Do dư nợ tín dụng là một thông số đầu vào để tính hệ số CAR, vì vậy với những ngân hàng nào có vốn tự có nhỏ và hệ số CAR thấp sẽ khó có thể đẩy mạnh hoạt động tín dụng.

Việc Thông tư số 06/2016/TT-NHNN ra đời, theo đó nâng hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200% từ năm 2017 sẽ khiến các ngân hàng phải chùn tay khi muốn đẩy mạnh cho vay bất động sản. Chỉ thị số 04/CT-NHNN gần đây cũng nêu rõ yêu cầu các đầu mối giám sát chặt chẽ và cảnh báo tổ chức tín dụng có quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông.

Quy mô vốn tự có hiện tại của các ngân hàng cũng là yếu tố có thể níu chân tăng trưởng tín dụng. Do dư nợ tín dụng là một thông số đầu vào để tính hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR=vốn tự có/tổng tài sản có rủi ro), vì vậy ngân hàng nào có vốn tự có nhỏ và hệ số CAR thấp sẽ khó có thể đẩy mạnh hoạt động tín dụng. Đó là lý do mà rất nhiều ngân hàng đã đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ mạnh trong năm 2016, hoặc phát hành trái phiếu để tăng vốn tự có cấp 2 nhằm đủ điều kiện đáp ứng hệ số CAR và đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Như vậy, kế hoạch tăng trưởng tín dụng có hoàn thành hay không còn phụ thuộc vào khả năng thực hiện kế hoạch tăng vốn tự có của các ngân hàng, được dự báo là sẽ rất khó khăn trong tình hình hiện nay.

Theo thống kê từ NHNN, tính đến ngày 30-4-2016, hệ số CAR của toàn hệ thống ngân hàng là 12,76%, tuy nhiên nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước chỉ ở mức 9,21%, cận kề với mức quy định tỷ lệ tối thiểu là 9%. Đây cũng là nhóm ngân hàng có tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động luôn ở mức cao trên 95%. Do đó, việc hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng của nhóm này sẽ chật vật hơn. Vì vậy mà gần đây có ý kiến cho rằng việc Bộ Tài chính yêu cầu BIDV và VietinBank phải trả cổ tức bằng tiền mặt sẽ gây khó khăn cho BIDV và VietinBank trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay vì có hệ số CAR thấp.

Còn với nhóm NHTM cổ phần, hệ số CAR của nhóm này là 12,25%, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động cận kề mốc 80%. Mặc dù hệ số CAR chung của nhóm này khá cao nhưng ở một số ngân hàng lớn có quy mô dư nợ lớn thì hệ số này chỉ quanh mức 9-10%, do đó cũng cần tăng vốn tự có để có thể tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Trong khi đó, với một số ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu thì hoạt động tín dụng sẽ bị kiểm soát và hạn chế.

Cầu tín dụng có thật sự đã phục hồi mạnh mẽ?

Bên cạnh đó, cầu tín dụng năm 2016 cũng khó có tăng trưởng đột biến. Theo thống kê của Tổng cục Thống kê thì chỉ số sản xuất công nghiệp năm tháng đầu năm nay chỉ tăng 7,5% so cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 9,4% của năm tháng đầu năm 2015. Sức hấp thụ vốn của nhiều doanh nghiệp hiện tại đang còn thấp do nhiều doanh nghiệp thực tế chỉ vừa mới gượng dậy sau cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài vừa qua. Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong năm tháng đầu năm nay là 28.582 doanh nghiệp, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù chính sách tiền tệ đang được nới lỏng và một số ngân hàng lớn vừa qua có giảm nhẹ lãi suất cho vay, tuy nhiên mặt bằng lãi suất hiện tại vẫn còn khá cao so với các doanh nghiệp trong nước, nhất là với các doanh nghiệp vừa trải qua một thời gian dài tái cơ cấu hoạt động. Áp lực lạm phát trong thời gian còn lại của năm dĩ nhiên sẽ phần nào tác động lên mặt bằng lãi suất. Khi đó, sẽ càng ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn của cộng đồng doanh nghiệp.

Ngoài ra, trong bối cảnh rủi ro tỷ giá luôn hiển hiện trước khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể lại tăng lãi suất cơ bản đồng đô la Mỹ bất kỳ lúc nào trong năm nay, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng e ngại vay vốn ngoại tệ do lo ngại mức độ phá giá tiền đồng nếu diễn ra mạnh sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Đó là chưa nói đến việc NHNN đã hạn chế đối tượng doanh nghiệp xuất khẩu được vay ngoại tệ để thanh toán chi phí sản xuất kinh doanh trong nước từ ngày 31-3-2016. Mặc dù NHNN đã ban hành Thông tư 07/2016 cho phép các doanh nghiệp này được vay ngoại tệ trở lại từ ngày 1-6-2016 nhưng các doanh nghiệp cũng đã mất thời gian hai tháng bị ngắt quãng - không thể tiếp cận với nguồn tín dụng ngoại tệ.

Các doanh nghiệp đang có nợ xấu cũng khó có thể tiếp tục tiếp cận vốn vay tại các ngân hàng. Hoạt động tái cơ cấu nợ như đã thực hiện trong năm 2015 đã bị hạn chế, ngoại trừ có sự cho phép từ chính NHNN. Với 24.556 khoản nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua với tổng dư nợ gốc cập nhật đến 27-4-2016 là 244.082 tỉ đồng, thì các đối tượng có dư nợ đã bị bán nêu trên khó có khả năng được vay vốn tiếp, do đó càng làm đối tượng cho vay bị thu hẹp, cầu tín dụng càng co lại.

Dĩ nhiên để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng vào cuối năm thì ngành ngân hàng có nhiều cách để thực hiện như ký kết cho vay một vài dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, rót vốn ngắn hạn cho một số doanh nghiệp nhà nước lớn, cho vay cầm cố giấy tờ có giá với những khoản vay lớn để đẩy tín dụng tăng ảo. Tuy nhiên, việc tăng trưởng như vậy là không thật sự bền vững mà chỉ làm đẹp các con số, dòng vốn cũng không đi tới những nơi có nhu cầu thật sự hay chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói