>> Bài 1: Sức bật cho cuộc cách mạng ruộng đất lần 3
>> Bài 2: Những “nút thắt” cần tháo gỡ
Tập trung, tích tụ ruộng đất là quá trình phát triển tất yếu của sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện đại. Việc thực hiện thành công Nghị quyết 06-NQ/TU không chỉ là quyết tâm chính trị mà còn là hành trình chuyển đổi tư duy, tạo giá trị kinh tế mới cho khu vực nông thôn, góp phần xây dựng thành công tỉnh nông thôn mới. Muốn vậy, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ tư tưởng, cách làm đến hệ thống cơ chế, chính sách đồng hành.
Theo mục tiêu của Nghị quyết 06-NQ/TU, đến năm 2025, toàn tỉnh tập trung, tích tụ đạt 15.000 ha; từ 2025-2030 đạt 30.000 ha. Theo thống kê của Sở TN&MT, đến nay, có 10/13 đơn vị cấp huyện có số liệu báo cáo về kế hoạch thực hiện công tác tập trung, tích tụ đất đai với 122 đơn vị cấp xã, diện tích 16.059,39 ha. Trong đó, năm 2023 tập trung, tích tụ 5.106,86 ha; năm 2024 là 3.652,57 ha; năm 2025 là 3.227,58 ha; sau năm 2025 là 4.073,2 ha.
UBND tỉnh hiện đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, các địa phương cần bám để xây dựng phương án cụ thể, sát với hiện trạng sử dụng đất và trên cơ sở hồ sơ địa chính đã được phê duyệt ngay từ cấp xã.
Ông Nguyễn Ngọc Hoạch - Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: “UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện cho 13/13 huyện, thành phố, thị xã. Các địa phương cần bám vào đó để xây dựng phương án cụ thể, sát với tình hình thực tế gắn với quy hoạch xây dựng NTM của từng địa phương. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách đến tận cán bộ, Nhân dân để hiểu sâu rộng mục tiêu của nghị quyết; nâng cao trách nhiệm của cán bộ cũng như sự đồng thuận của người dân, đảm bảo chuyển đổi ruộng đất một cách khách quan, minh bạch, thống nhất. Các địa phương cần căn cứ trên đặc điểm tình hình để lựa chọn thôn xóm, phạm vi diện tích phù hợp; những vùng ruộng bằng phẳng, tập trung ưu tiên làm trước tạo mô hình; vùng địa hình không bằng phẳng, ruộng bậc thang, xa xấu tổ chức làm sau để xây dựng phương án chuyển đổi theo lộ trình nhằm giảm thiểu khó khăn, chi phí trong công tác thực hiện; tập trung vùng nào thì hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ cấp đổi quyền sử dụng đất (QSDĐ) tới đó; lưu ý, các vùng sản xuất nông nghiệp đã được quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng thì không đưa vào phương án dồn điền đổi thửa, tập trung, tích tụ”.
Niềm vui của người dân xã Tùng Lộc (Can Lộc) khi thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi ruộng đất lần 3.
Cũng theo ông Hoạch, hiện nay, Sở TN&MT đã hoàn thành lập dự toán trình tỉnh phê duyệt hỗ trợ đo vẽ, tiến tới lập hồ sơ cấp lại giấy chứng nhận QSDĐ cho người dân ở các địa phương đã hoàn thành chuyển đổi. Tới đây, Sở TN&MT cũng sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể các bước sau chuyển đổi, trích đo, trích lục hồ sơ địa chính gắn với cấp lại giấy chứng nhận QSDĐ cho người dân nhằm đảm bảo quy trình bài bản, đồng bộ và gắn với việc nâng cao quản lý Nhà nước về đất đai tại địa phương.
Sở TN&MT tỉnh cũng sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể các bước sau chuyển đổi, trích đo, trích lục hồ sơ địa chính gắn với cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau chuyển đổi ruộng đất tại các địa phương.
Đặc biệt, Dự thảo Luật Đất đai 2013 đang lấy ý kiến Nhân dân có nội dung quy định mới như: mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp; nới rộng hạn mức chuyển nhượng (nhất là đất chuyên trồng lúa nước)… là những điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU.
Tại huyện Cẩm Xuyên, địa phương này đã hoàn thành phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn trên 3.000 ha.
Thực tế đã cho thấy, việc cải tạo, san lấp, quy hoạch hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng sau chuyển đổi ruộng đất tốn khá nhiều công sức và kinh phí. Để quá trình này đảm bảo tiến độ theo mục tiêu đề ra của Nghị quyết 06-NQ/TU, các địa phương cần có quyết sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn.
Nông dân Cẩm Xuyên chăm sóc lúa vụ xuân 2023 trên cánh đồng sau phá bờ vùng bờ thửa, chuyển đổi ruộng đất.
Tại huyện Cẩm Xuyên, địa phương này đã hoàn thành phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn trên 3.000 ha và đang tiến hành chuyển đổi, lập hồ sơ giao lại giấy chứng nhận QSDĐ, tập trung ruộng đất trên diện tích 900 ha tại 6 xã (Cẩm Dương, Cẩm Quan, Cẩm Lạc, Nam Phúc Thăng, Yên Hòa, Cẩm Bình).
Ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi ruộng đất chính là nhằm thay đổi tư duy tổ chức sản xuất, ứng dụng các chủ trương của tỉnh về sản xuất cánh đồng lớn. Do vậy, huyện nhất quán quan điểm chuyển đổi gắn với nhu cầu thực tiễn, xây dựng đề án từ thôn, trình UBND huyện phê duyệt và thực hiện các bước đo đạc, cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho người dân. Bình quân, mỗi thôn sẽ mất khoảng 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng cho công tác đo vẽ, cải tạo mặt ruộng, đầu tư quy hoạch lại vùng đồng. Hiện nay, theo Nghị quyết 51/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh thì mức hỗ trợ phá bỏ bờ thửa, di dời mồ mả, san phẳng mặt ruộng và đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng phục vụ sản xuất tại các vùng tập trung, tích tụ ruộng đất chỉ là 5 triệu đồng/ha, mỗi xã không quá 300 triệu đồng/năm (đối với vùng trồng lúa có diện tích tối thiểu 10 ha) là quá thấp, trong khi năng lực tài chính của người sản xuất còn yếu; ngân sách địa phương eo hẹp. Mức hỗ trợ này sẽ khó tạo được động lực cho người dân cũng như ảnh hưởng quá trình tái cơ cấu sản xuất tại địa phương”.
Chỉ lấy một ví dụ, tại xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên), diện tích trồng lúa của địa phương là 1.200 ha. Nếu theo mức hỗ trợ hiện nay, phải mất 20 năm, xã này mới hoàn thành bước chuyển đổi ruộng đất. Thiết nghĩ, tỉnh cần cân nhắc điều chỉnh chính sách (Nghị quyết 51/2021/NQ-HĐND) để đảm bảo tạo được động lực lớn cho các địa phương hoàn thành diện tích chuyển đổi theo lộ trình đã đặt ra. Đồng thời, các địa phương tập trung các nguồn lực, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của toàn dân để thực hiện mục tiêu chuyển đổi.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, Nghị quyết 06-NQ/TU ra đời đã đáp ứng nhu cầu thực tiễn và làm động lực để các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn tiếp tục phát huy, tạo đột phá về chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lên sản xuất tập trung, quy mô diện tích lớn, theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bởi vậy, việc thực hiện phải ngày càng đi vào thực chất, được bà con đồng thuận, tự nguyện và đưa lại lợi ích kinh tế cho người dân nông thôn.
Theo đó, những năm qua, các địa phương đã vận dụng nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo phong trào rộng lớn, chuyển đổi bước đột phá trên đồng ruộng như: Nghị định 62/2019/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; Nghị quyết 51/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về quy định chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2020-2025… TP Hà Tĩnh, các huyện Cẩm Xuyên, Can Lộc, Kỳ Anh… cũng ban hành nghị quyết riêng để hỗ trợ chính sách, đưa chủ trương phá bỏ bờ thửa nhỏ, tập trung, tích tụ ruộng đất trở thành cuộc cách mạng lớn, thay đổi rõ nét về mặt chỉnh trang, nâng cấp bờ vùng đồng ruộng.
Những năm qua, các địa phương đã vận dụng nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo phong trào rộng lớn, chuyển đổi bước đột phá trên đồng ruộng.
“Để tạo được sự bứt phá mới nhằm hướng tới sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao (hộ gia đình 2 ha; doanh nghiệp là 30 ha trở lên), các địa phương cần rà soát, đánh giá lại toàn bộ diện tích, lựa chọn quy mô, cách thức tập trung, tích tụ ruộng đất phù hợp. Trong đó, cốt lõi vẫn là nâng cao mô hình kinh tế tập thể trong nông thôn, hoạt động theo tín hiệu thị trường và kết nối với doanh nghiệp, từ đó làm nền tảng để đáp ứng xu thế sản xuất nông nghiệp hiện đại: liên kết, cánh đồng mẫu lớn, công nghệ cao, hữu cơ…” - ông Nguyễn Tuấn Thanh nói thêm.
Nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thề về ao hồ tại các xã ven đô, cuối năm 2021, TP Hà Tĩnh đã thành lập Hợp tác xã Sen Hào Thành với sự tham gia của 12 thành viên.
Tại TP Hà Tĩnh, đến đầu năm 2023, địa phương đã thực hiện tập trung, tích tụ được 122 ha đất nông nghiệp, trong đó có 76 ha thực hiện theo hình thức HTX thuê đất của hộ nông dân (trong đó, diện tích thực hiện theo Nghị quyết 51/2021/NQ-HĐND là 31,7 ha). Đây là 1 trong 3 địa phương trên toàn tỉnh thực hiện được hình thức này và là địa phương đứng thứ nhất trên toàn tỉnh về diện tích.
Ông Lê Quang Đức - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Bất lợi của địa bàn trung tâm là đất đai sản xuất manh mún, ảnh hưởng bởi nhiều quy hoạch dự án đô thị và hạ tầng khác. Xác định đặc điểm của địa phương, Thành ủy, HĐND, UBND đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch về công tác chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với phát triển nông nghiệp đô thị theo chuỗi giá trị và du lịch sinh thái. Theo đó, lựa chọn sản phẩm chủ lực, xây dựng các mô hình tập trung, tích tụ; ban hành cơ chế, chính sách; hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng thương hiệu và kết nối thị trường nhằm kích thích năng lực của các tổ hợp tác, HTX phát huy nội lực, đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững. Đến nay, địa phương đã xây dựng 11 dự án nông nghiệp đô thị trọng tâm gắn với xây dựng vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất theo hướng công nghệ cao, khai thác đa giá trị và sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn như: mô hình sản xuất rau - củ - quả công nghệ cao theo hướng hữu cơ của HTX Thanh niên Thành Sen; dự án sản xuất rau - củ - quả công nghệ cao với quy mô 1 ha nhà lưới của HTX Rau - củ - quả và Dịch vụ tổng hợp Thạch Hạ, HTX Bình Minh; dự án sinh kế 3 trong 1 sản xuất lúa, rau thủy sinh kết hợp cá, tôm gắn với du lịch trải nghiệm của HTX Liên Nhật; dự án nuôi tôm 3 giai đoạn, ứng dụng công nghệ vi sinh của HTX Nuôi trồng thủy sản Hạ Vàng, dự án trồng sen theo chuỗi giá trị gắn với du lịch của HTX Sen Hào Thành…”.
Anh Trần Tiến Sỹ - Giám đốc HTX Sen Hào Thành bên các sản phẩm của HTX
Ông Trần Tiến Sỹ - Giám đốc HTX Sen Hào Thành cho biết: “Thông qua việc liên kết, tích tụ ruộng đất, phát triển vùng nguyên liệu sen, hiện nay, HTX đã mở rộng được trên 20 ha, liên kết với 8 tổ hợp tác để tiêu thụ sản phẩm và thực hiện sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại hàng chục sản phẩm từ sen. Điều này không chỉ tạo hệ sinh thái kinh tế cộng đồng vững mạnh mà còn góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của thành phố gắn với phát triển du lịch sinh thái trong tương lai”.
Thành phố Hà Tĩnh đang thực hiện mô hình nuôi trồng thủy sản, cây trồng theo hướng hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái tuần hoàn tại xã Thạch Hạ.
Được biết, TP Hà Tĩnh cũng hoàn thành xây dựng phương án thực hiện mô hình nuôi trồng thủy sản, cây trồng theo hướng hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái tuần hoàn tại xã Thạch Hạ; một số sản phẩm được chứng nhận hữu cơ, đạt chuẩn VietGAP, đánh dấu bước phát triển mới cho hành trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững và thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp.
Huyện Kỳ Anh tổ chức bài bản các bước, nhất là khâu họp bàn để thống nhất phương án chuyển đổi ruộng đất tại các địa phương thực hiện đề án.
Tại huyện Kỳ Anh, dù bắt đầu sau, song, địa phương đã xác định những giải pháp chắc chắn, lấy hiệu quả làm đầu. Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh chia sẻ: “Trước mắt, huyện lựa chọn những vùng/địa phương có điều kiện canh tác thuận lợi, bằng phẳng để làm điểm từ thôn trước với quan điểm tập trung, tích tụ tới đâu dứt điểm đến đó để người dân hiểu được mục tiêu của Nghị quyết 06-NQ/TU, làm động lực để tổ chức lại sản xuất. Theo đó, ở những diện tích đã tập trung, tích tụ, huyện hỗ trợ chính sách để xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết hàng hóa, mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu gạo Kỳ Anh; khuyến khích các tổ hợp tác, HTX, cá nhân tích tụ ruộng đất…, từ đó, tiếp tục rút kinh nghiệm và mở rộng quá trình chuyển đổi ruộng đất trên toàn huyện. Trong kế hoạch, năm nay, huyện sẽ thực hiện khoảng 500 ha tập trung, tích tụ ruộng đất trên địa bàn 9 xã”.
Huyện Thạch Hà sơ kết thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU về lãnh dạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025 và những năm tiếp theo.
Mục tiêu cuối cùng của cuộc cách mạng ruộng đất lần 3 chính là sản xuất tập trung, hàng hóa lớn. Đã đến lúc các địa phương cần xem lại chính sách hỗ trợ xây dựng cánh đồng sản xuất tập trung theo hướng đơn lẻ (hỗ trợ 50% giống mới theo Nghị định 62/2019/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa). Nói cho cùng, điều này chỉ có tác dụng hỗ trợ sinh kế, thiếu chiến lược lâu dài và trái với mục tiêu liên kết chuỗi. Thực tế đã xảy ra, một số cánh đồng, sau khi không còn chính sách hỗ trợ thì bà con nông dân quay trở lại hình thức cũ, tùy tiện và không tuân thủ quy hoạch vùng sản xuất.
Nghị quyết 06/NQ-TU với cuộc cách mạng chuyển đổi ruộng đất lần 3 là hành trình nhiều thử thách mà ở đó cần nhất chính là ý chí quyết tâm, sự vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị để huy động sức mạnh, sự đồng thuận của toàn dân.
Sở NN&PTNT đã ban hành Thông tư 574/SNN-TTBVTV hướng dẫn tạm thời tiêu chí cánh đồng mẫu và danh mục công nghệ cao ứng dụng trong sản xuất trồng trọt. Các địa phương có thể căn cứ để xây dựng chiến lược dài hơi cho phát triển sản xuất; lồng ghép các chính sách khuyến khích tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Theo đó, có các phương án, chính sách về đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho nông dân nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất trong tái cơ cấu, chính là tích tụ ruộng đất, nâng cao đời sống của người dân nông thôn.
Mùa lúa chín trên những cánh đồng phá bờ vùng bờ thửa.
Nghị quyết 06-NQ/TU với cuộc cách mạng chuyển đổi ruộng đất lần 3 là hành trình nhiều thử thách mà ở đó cần nhất chính là ý chí quyết tâm, sự vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị để huy động sức mạnh, sự đồng thuận của toàn dân nhằm thay đổi diện mạo nền nông nghiệp Hà Tĩnh ngày càng hiện đại, phát triển bền vững; đóng góp quan trọng vào mục tiêu xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM vào năm 2025.
Thiết kế: Thanh Hà
>> Bài 1: Sức bật cho cuộc cách mạng ruộng đất lần 3
>> Bài 2: Những “nút thắt” cần tháo gỡ