Tàu ngầm Hải quân Indonesia KRI Nanggala di chuyển trong vùng biển ngoài khơi Tuban, Đông Java, Indonesia. Ảnh: AP
Theo hãng tin AP, Hải quân Indonesia tin rằng nhiều khả năng chiếc tàu ngầm KRI Nanggala 402 đã chìm xuống độ sâu khoảng 600 - 700 mét. Ông Frank Owen, Thư ký Viện Tàu ngầm Australia, nhận định đây là độ sâu mà bất cứ đội cứu hộ nào trên thế giới đều bất lực.
“Hầu hết các hệ thống cứu hộ tàu ngầm chỉ có thể hoạt động ở độ sâu khoảng 600 mét. Chúng có thể lặn xuống sâu hơn, do có biên độ an toàn trong thiết kế, song các thiết bị như máy bơm hay những hệ thống liên quan có khả năng không hoạt động. Các phương tiện cứu hộ có thể lặn xuống độ sâu đó, nhưng chưa chắc đã vận hành được”, ông Owen nói.
Điều này cũng khiến cơ hội sống sót của 53 thành viên trên tàu trở nên mỏng manh hơn. Các nước láng giềng đã gấp rút đưa tàu cứu hộ của họ đến để hỗ trợ Indonesia tìm kiếm.
Đô đốc Hải quân Indonesia, Adm. Yudo Margono, cho biết oxy dự trữ trong tàu ngầm sẽ hết vào khoảng 3 giờ sáng ngày 24/4. Ông cho biết lực lượng cứu hộ đã tìm thấy một vật thể không xác định có từ tính cao trong khu vực và các quan chức hy vọng đó là tàu ngầm.
Ông Ahn Guk-hyeon, một quan chức của Cơ quan Đóng tàu và Hàng hải Daewoo của Hàn Quốc, cho biết tàu ngầm có khả năng bị nổ nếu nó chìm ở độ sâu hơn 200 mét vì không thể chịu nổi áp suất. Ông cho biết thêm công ty đã nâng cấp nhiều cấu trúc và hệ thống bên trong tàu ngầm Indonesia, nhưng họ thiếu thông tin mới nhất về con tàu.
Ông Owen, một cựu thủy thủ tàu ngầm đã phát triển hệ thống cứu hộ tàu ngầm của Australia, cho biết tàu Indonesia không được lắp ghế cứu hộ xung quanh cửa thoát hiểm, thường được thiết kế để cứu hộ dưới nước. Tàu ngầm có thể nổi lên từ độ sâu 500 mét mà không có bất kỳ thiệt hại nào nhưng không thể nói liệu nó có phát nổ ở độ sâu 700 mét hay không.
Tàu ngầm KRI Nanggala chạy bằng động cơ diesel khi đang tham gia một cuộc diễn tập hôm 21/4 thì mất tích. Các quan chức đã tìm thấy vệt dầu loang và mùi dầu diesel gần vị trí lặn cuối cùng của con tàu, khoảng 96 km về phía bắc của hòn đảo nghỉ mát Bali của Indonesia.
Hải quân Indonesia trước đó cũng cho biết tàu ngầm Nanggala có thể gặp sự cố mất điện khi đang lặn, khiến chiến hạm mất kiểm soát và không thể thực hiện được các quy trình khẩn cấp để khôi phục hoạt động. Nanggala do Đức chế tạo, được Indonesia mua và biên chế năm 1981.
Tàu hải quân Indonesia không phải trường hợp đầu tiên gặp sự cố trên thế giới. Vào tháng 11/2017, một tàu ngầm Argentina cùng với 44 thành viên thủy thủ cũng đoàn mất tích ở Nam Đại Tây Dương, gần một năm trước khi xác tàu được tìm thấy ở độ sâu 800 mét. Vào năm 2019, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra trên một trong những tàu lặn nghiên cứu biển sâu của Hải quân Nga, khiến 14 thủy thủ thiệt mạng.