"Thà nghèo mà yên bình" - câu nói ấy là của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải tại cuộc họp giao ban đầu năm ở huyện Ba Vì (Hà Nội). Nguyên văn câu nói này là: “Thà là sống nghèo nhưng công bằng và yên bình, còn hơn là cuộc sống giàu mà bon chen, không an toàn”.
Trước đó một phút, ông Hải còn nói một câu nữa: “Nếu phát triển môi trường đầu tư, du lịch, nông nghiệp mà không bảo đảm được môi trường xã hội, tội phạm đầy ra, người dân không dám ra đường thì cũng vứt đi”.
Cái mà người đứng đầu TP Hà Nội muốn cả Hà Nội hướng đến là một môi trường xã hội lành mạnh, an ninh cho thủ đô, nơi người dân có thể yên tâm khi ra đường cả ban ngày và ban đêm, nơi tội phạm bị hạn chế tới mức thấp nhất, nơi con người sống với nhau bằng tình người, bằng văn hóa, bằng nhân văn chứ không phải bằng… tiền, dù tiền thì ai cũng cần.
Có lẽ do quá bức xúc mà vị bí thư Thành ủy Hà Nội đang được nhiều người Hà Nội kỳ vọng đã dùng chữ “thà”: “Thà là sống nghèo nhưng công bằng và yên bình, còn hơn là cuộc sống giàu mà bon chen, không an toàn”.
Tôi nghĩ ai cũng muốn một cuộc sống khá giả, thậm chí giàu có, từng người dân cũng vậy mà cả đất nước cũng vậy.
Nhưng đúng là không thể trả giá cho cuộc sống khá giả có nhiều tiền ấy bằng sự mất an toàn, bằng môi trường xã hội trở nên nguy hiểm, bằng cảnh bon chen giẫm đạp lên nhau như ta đã thấy tại lễ khai ấn đền Trần.
Ở đó, người ta cầu mong giàu sang, thăng quan tiến chức, tiền vào như nước. Chỉ có một điều người ta quên: đó là cầu mong hạnh phúc. Mà hạnh phúc thì nhiều khi không phải được làm nên bằng tiền bạc, mà bằng cuộc sống yên lành, với gia đình thuận hòa, đầm ấm, với láng giềng “tắt lửa tối đèn có nhau”…
Bí thư Hà Nội, trong khi nói về sự phát triển của thủ đô, đã nhấn mạnh tới yếu tố hạnh phúc trong cuộc sống của mỗi người dân. Sự bằng lòng với cuộc sống của mình không phải là sự thúc thủ hay trì trệ, không muốn phát triển.
Cảm giác an bình đó chỉ đến trong một môi trường xã hội “sạch” và ổn định, nó khiến con người an tâm trong khi làm mọi công việc hay phút thư giãn riêng mình, nó tạo nên một cảm giác mà người ta hay gọi là “trạng thái hạnh phúc”.
Tôi nhớ ngày Hà Nội còn chiến tranh chống Mỹ, giữa sự căng thẳng của những hồi còi báo động, giữa cảnh thiếu thốn những nhu yếu phẩm thiết yếu nhất, người Hà Nội vẫn bình thản.
Không ai nói người Hà Nội thuở ấy đang ở trong chiến tranh là có cuộc sống hạnh phúc. Nhưng họ thanh thản.
Môi trường xã hội khi ấy cực “sạch”, không trộm cướp, không bạo lực, không giẫm đạp lên nhau ngay khi máy bay Mỹ xâm phạm vào không phận Hà Nội. Người Hà Nội khi ấy sống với nhau thật tình nghĩa.
Không ai muốn trở lại thời chiến tranh cơ khổ, nhưng là người Hà Nội, ai cũng muốn sống lại cảm giác ấm áp như thế, sống nghèo nhưng công bằng và yên bình.
Còn bây giờ, làm sao “trở lại ngày xưa ấy”? Tôi nghĩ cần có một quyết tâm thay đổi ghê gớm, sau rất nhiều năm không ít người Hà Nội, và không chỉ Hà Nội, đã thèm khát giàu sang một cách quá đà.
Cái giàu sang ấy đi cùng hỗn loạn, với sự xuống cấp thê thảm của môi trường xã hội, cái giàu sang ấy khiến người ta không chỉ bất an mà còn sợ hãi.
Kinh tế dần dần rồi sẽ khá lên, nhưng môi trường xã hội mà xuống cấp thì không biết bao giờ mới “trở lại ngày xưa” được.