Người già ở Thái Lan - Ảnh: Asia Correspondent |
Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thêm 2% sẽ được áp dụng vào năm tới sau khi được quốc hội kích hoạt.
Phó chánh văn phòng thủ tướng Kobsak Pootrakul cho biết khoản thuế tăng thêm này chẳng bõ bèn so với doanh thu khủng từ ba sản phẩm trên, vào khoảng 6,4 tỉ USD - trong đó thuốc lá 1,95 tỉ, rượu hơn 1,86 tỉ, còn bia hơn 2,58 tỉ.
Cho quỹ hỗ trợ người già
Theo Bangkok Post, đây là một phần trong đạo luật chăm sóc người già được quốc hội thông qua trong cuộc họp ngày 1-8.
Theo đó, chính phủ sẽ thúc đẩy việc thành lập quỹ người già bằng nguồn tiền từ khoản tiền thuế tăng thêm đối với việc kinh doanh rượu bia, thuốc lá.
Tuy nhiên, chính phủ sẽ không thu quá 4 tỉ baht mỗi năm (khoảng 120 triệu USD).
Theo ông Kobsak, khoản tiền "thuế tội lỗi" tăng thêm sẽ giúp chính phủ tăng tiền trợ cấp hằng tháng cho người già vốn đang ở mức rất thấp. Người từ 60 tuổi trở lên ở Thái Lan được trợ cấp khoảng 18 USD/tháng.
Theo thống kê của Chính phủ Thái Lan, 8 trên 10 triệu người già ở nước này đang nhận trợ cấp, trong đó khoảng 3,5 triệu người có thu nhập thấp.
Do eo hẹp tài chính, chính phủ thời gian qua thường kêu gọi những người có hoàn cảnh “khá hơn” nhường lại các suất trợ cấp cho những người nghèo hơn.
Các khảo sát của Bộ Tài chính nước này gần đây cho thấy người già cần phải nhận trợ cấp từ 36-45 USD/tháng mới đủ sống.
Trong khi đó, áp lực từ việc chăm lo cho người già ở Thái Lan sẽ còn tăng khi nước này nằm trong nhóm có tốc độ lão hóa cao hàng đầu khu vực.
Sau khi chính sách thuế mới có hiệu lực, khoảng 3 triệu người già đăng ký là người có thu nhập thấp với chính phủ sẽ được tăng trợ cấp lên từ 27-39 USD/tháng.
Những người không đăng ký sẽ nhận mức trợ cấp như cũ. Ngoài ra, những người đăng ký sẽ được cấp một thẻ chứng minh thư để được giảm giá mua vật dụng, đi xe buýt và tàu miễn phí.
Giải tỏa áp lực
Không chỉ có Thái Lan đánh "thuế tội lỗi" để chi trả cho y tế, chăm sóc người già, một số nước như Singapore đã áp dụng biện pháp này từ trước.
Chính quyền đảo quốc sư tử từ năm 2014 đã tăng thuế thuốc lá lên 10%, thuế rượu lên 25%, thuế cá cược lên 25-30% để phục vụ các chương trình xã hội, y tế cũng như trợ cấp mỗi năm cho những gia đình có người già cần chăm sóc.
Cùng với việc tăng thuế, Chính phủ Singapore cũng đưa ra gói chăm sóc y tế trị giá 6,6 tỉ USD dành cho khoảng 450.000 người già thuộc “thế hệ tiên phong”.
“Những phúc lợi đặc biệt dành cho thế hệ tiên phong sẽ không phân biệt thu nhập của họ bởi mục tiêu của chúng tôi là vinh danh những đóng góp của cả một thế hệ” - AFP dẫn lời cựu bộ trưởng tài chính Tharman Shanmugaratnam.
Tuy nhiên, áp lực lên Singapore thật ra cũng không nhỏ khi nước này có tốc độ lão hóa dân số cao bậc nhất thế giới do tỉ lệ sinh giảm và tuổi thọ tăng. Khoảng 20% dân số Singapore sẽ trên 65 tuổi vào năm 2030.
Philippines từ năm 2012 cũng tăng "thuế tội lỗi" đối với thuốc lá để đầu tư vào các chương trình y tế, nâng cấp các cơ sở khám chữa bệnh, đào tạo bác sĩ, y tá... Trong năm đầu tiên tăng thuế, chính phủ thu đến 1,2 tỉ USD giúp chăm sóc cho gần 45 triệu người.
“Thuế tội lỗi không chỉ là thắng lợi cho y tế mà còn là thắng lợi cho người nghèo ở đất nước chúng ta, nơi mà nhiều người còn không được tiếp cận y tế” - thứ trưởng tài chính khi đó của Philippines là Jeremias N. Paul, Jr. khẳng định.
Trong khi đó, việc tăng thuế thuốc lá cũng giúp nhiều người từ bỏ thói quen nguy hiểm này, giúp giảm gánh nặng cho hệ thống y tế.
Giá tăng gấp đôi vì "thuế tội lỗi" Nhiều người ở Thái Lan cho rằng kế hoạch tăng thuế bia rượu, thuốc lá có thể làm giá các mặt hàng này tăng gấp đôi, đặc biệt là sau khi Chính phủ Thái Lan đưa ra lộ trình nâng trần thuế lên 30% và 40% lần lượt đối với thức uống có cồn và thuốc lá trong những năm tới. Một số quan chức thì lo lắng việc tăng thuế sẽ làm tăng nạn buôn lậu và khiến chi phí thi hành luật pháp tăng theo. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn ủng hộ việc tăng thuế các sản phẩm “tội lỗi”. “Tôi đồng ý rằng giá các thức uống có cồn nên cao hơn mức hiện tại bởi nhiều loại bia vẫn còn rất rẻ” - tờ The Nation dẫn nhận định của nhà kinh tế Nipon Poapongsakorn thuộc Viện Nghiên cứu phát triển Thái Lan. Ông cho rằng dù có tăng giá những sản phẩm này thì lượng tiêu thụ cũng không thay đổi. |