Thâm nhập các “trận địa” đánh bắt, sơ chế, tiêu thụ “chim trời” ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Trên hải trình dài hàng nghìn km bay về phương Nam tránh rét, những cánh đồng, đầm nước, lùm cây trù phú dọc các bờ biển Hà Tĩnh thường được các loài chim trời chọn làm điểm dừng nghỉ, bổ sung năng lượng để tiếp tục vượt đường xa. Nhưng chúng không biết rằng, nhiều nơi trong số đó lại là... “tử địa”. Và, những cánh chim thiên di đã không bao giờ đến đích.

“Tử địa” của chim trời

Thời gian qua, tình trạng săn bắt, buôn bán, sử dụng chim trời mùa chim di cư diễn ra khá nhiều nơi trên địa bàn Hà Tĩnh.

Thâm nhập các “trận địa” đánh bắt, sơ chế, tiêu thụ “chim trời” ở Hà Tĩnh

“Thiên la địa võng” được người dân xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên) giăng ra để bẫy chim trời.

Ngay trong những ngày đầu mùa mưa lũ năm nay, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, tình trạng buôn bán chim trời diễn ra khá rầm rộ. Sau khi Báo Hà Tĩnh phản ánh bằng bài viết “Mưa xuống, chim trời lại được bày bán công khai ở Cẩm Xuyên”, ngay ngày hôm sau (25/9), Công an huyện Cẩm Xuyên đã ra quân xử lý nạn săn bắt chim trời.

Không chỉ Công an huyện Cẩm Xuyên và không chỉ thời điểm này, mà trước đó, các lực lượng chức năng và các địa phương ở Hà Tĩnh đã vào cuộc để xử lý. Thế nhưng, trên các cánh đồng ở Cẩm Xuyên, Nghi Xuân... những “thiên la địa võng” vẫn được giăng ra để tận diệt chim trời. Thế mới biết, tình trạng săn bắt chim tự nhiên trái phép diễn ra khá nhức nhối.

Ghi nhận tại cánh đồng xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên) vào sáng 27/9, trên những trảng ruộng kéo dài, lắp xắp nước, những con chim mồi đã bị khâu mắt, buộc chặt chân vào cọc để thợ săn ngồi cách đó khoảng 100m giật dây liên tục nhằm phát ra tiếng kêu thu hút đồng loại. Chỉ cần đàn chim lao xuống là sẽ bị dính chặt vào hàng loạt que tre tẩm một loại keo siêu dính. Ngoài cò, cói mồi sống, người dân ở đây còn sử dụng cò giả bằng xốp, cắm đầy trên các bờ ruộng, xen kẽ với những que tre tẩm keo để bẫy chim trời.

Thâm nhập các “trận địa” đánh bắt, sơ chế, tiêu thụ “chim trời” ở Hà Tĩnh

Những con cói mồi bị anh N.N.Q. ở xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên) khâu mắt làm mồi nhử.

Anh N.N.Q. ở xã Nam Phúc Thăng - một người nhiều kinh nghiệm săn bắt chim trời, dẫn chúng tôi ra tận đồng ruộng để xem những chiếc bẫy anh vừa cắm sáng nay. Anh Q. “khoe”, những ngày qua đã bẫy được hơn 100 con chim cò, cói, đưa lại một khoản thu nhập khá.

“Thời gian bẫy chim trời thường kéo dài cả ngày, tuy nhiên, thời điểm chim về nhiều, dễ đánh bắt nhất là đầu giờ sáng và cuối chiều. Một khi con chim đầu đàn bay xuống là tất cả sẽ xuống theo, đàn ít thì vài chục con, đàn nhiều lên đến hàng trăm con. Rất ít con có thể thoát khỏi khu vực bẫy nên những ngày chim trời về nhiều, không ít tay thợ săn có thể thu hoạch vài trăm con là bình thường”, anh Q. cho hay.

Thâm nhập các “trận địa” đánh bắt, sơ chế, tiêu thụ “chim trời” ở Hà Tĩnh

Theo anh Q., dụng cụ săn bắt chim trời không khó để tìm mua, chỉ cần một cuộc gọi là 30 phút sau sẽ có “hàng”.

Nạn săn bắt, tận diệt chim trời không chỉ diễn ra ở Cẩm Xuyên. Tại huyện Nghi Xuân, tình trạng người dân vô tư bẫy chim trời cũng diễn ra rầm rộ. Ghi nhận vào sáng 27/9, tại cánh đồng thôn Song Nam (xã Cương Gián), có đến gần chục người dân đang dùng các dụng cụ như: thẻ tre, keo dính, lưới rập để bẫy chim trời.

Video: Săn bắt, buôn bán chim trời tại xã Cương Gián.

Tại đây, một lượng lớn chim vạc, cói, cò đã bị người dân “vá” mắt, trói chân, đặt ngồi trên các thanh gỗ được ghép sẵn để làm mồi nhử từng đàn chim trời đang kiệt sức di cư từ ngoài đảo xa vào đất liền. Khi những đàn chim sà xuống cánh đồng, đã có hàng ngàn chiếc thẻ có dính keo màu trắng, màu đỏ được gắn sẵn lên các khu đất hay những cành cây chực chờ. Đàn chim không biết rằng, đây là “tử địa”, một khi sà xuống sẽ không còn lối thoát...

Thâm nhập các “trận địa” đánh bắt, sơ chế, tiêu thụ “chim trời” ở Hà Tĩnh

Tại huyện Nghi Xuân, không khó để nhận diện tình trạng người dân vô tư bẫy chim trời.

Theo tiết lộ của một số thợ săn lâu năm, với cách đánh bắt quen thuộc này, mỗi ngày, một người dân nơi đây có thể săn được hàng chục thậm chí cả trăm con chim trời với đủ các loài như: cói, cò, vạc... đem về một khoản tiền khá lớn (hôm nào bắt được ít thì bán được từ 300 - 500 nghìn đồng, hôm nhiều bán được từ 3 - 4 triệu đồng).

Khi được PV hỏi, đánh bắt công khai thế này không sợ lực lượng chức năng phát hiện, xử lý sao (?), anh N.Đ.K. (trú xã Cương Gián) bình thản nói: “Vẫn biết việc đánh bắt chim trời là vi phạm pháp luật, nhưng vào những ngày nông nhàn, không có việc làm nên tôi cùng một số anh em trong thôn hành nghề này để kiếm thêm thu nhập. Khi có lực lượng chức năng đến thì chúng tôi thu gom đồ nghề về, khi họ đi chúng tôi lại tiếp tục".

Thâm nhập các “trận địa” đánh bắt, sơ chế, tiêu thụ “chim trời” ở Hà Tĩnh

Những “ma trận” bẫy chim trời được người dân thôn Song Nam (xã Cương Gián, Nghi Xuân) chuẩn bị khá bài bản.

Cũng theo anh K., được xem là “đặc sản” nên chim trời rất đắt khách, bẫy được bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu. Hiện, mỗi cặp cói sống được anh nhập cho lái buôn với giá 60 nghìn đồng, cò có giá 100 nghìn đồng/cặp sống; đối với ngàng, vạc thì đắt hơn nhiều lần vì loài này khó bẫy.

Thâm nhập các “trận địa” đánh bắt, sơ chế, tiêu thụ “chim trời” ở Hà Tĩnh

Theo tiết lộ của một số thợ săn lâu năm, với cách đánh bắt quen thuộc này, mỗi ngày, một người dân nơi đây có thể đánh bắt hàng chục thậm chí hàng trăm con chim trời.

Những cánh chim thiên di trở thành… mồi nhậu

Sau khi bắt được chim trời, các thợ bẫy đưa “chiến lợi phẩm” đến các điểm quen gần đó để “bỏ mối”. Từ điểm trung chuyển này, chim trời được đưa đến các chợ, hàng quán trên địa bàn, thậm chí đưa ra các tỉnh, thành khác để làm “mồi nhậu”.

Có mặt tại chợ Cừa ở xã Yên Hòa (Cẩm Xuyên) vào sáng 27/9, trong vai người cần mua thứ “đặc sản” này, tôi được nhiều tiểu thương tại đây cho biết: “Phiên khác chứ hôm nay lực lượng chức năng vừa đến kiểm tra, không ai dám đưa “hàng” ra bày bán đâu chú, hoặc có mua thì ra hàng gà, vịt hỏi xem ai có sẵn ở nhà không”.

Video: Cảnh "hóa kiếp" chim trời ở thôn Bắc Hòa, xã Yên Hòa.

Chúng tôi tìm đến hàng gà hỏi mua chim trời và được một lái buôn tên Th. tiếp đón chu đáo. Tuy nhiên, thấy khách lạ, bà Th. có vẻ e dè và dặn: “Nhà chị không có hàng, nhưng em mua thì chị sẽ đưa vào tận trong làng, muốn bao nhiêu cũng có, toàn hàng tươi sống đánh bắt trong ngày, đảm bảo chất lượng lắm".

Nói xong, bà Th. quyết định tạm ngừng phiên chợ, dẫn chúng tôi vào một nhà dân ở thôn Bắc Hòa, xã Yên Hòa.

Thâm nhập các “trận địa” đánh bắt, sơ chế, tiêu thụ “chim trời” ở Hà Tĩnh

Bà Th. - một tiểu thương chuyên bán gà tại chợ Cừa (xã Yên Hòa) dẫn chúng tôi men theo con đường nhỏ, vắng người để đến điểm bán chim trời.

Thấy chúng tôi, mới đầu, anh N.V. T. (chủ nhà) khá hốt hoảng, vì ngỡ lực lượng chức năng đến. Anh T. cho biết: “Mấy ngày nay, lực lượng công an lùng căng lắm nên việc mua bán chim trời phải hết sức cẩn thận. Số chim mà anh vừa đánh về sáng nay được hơn chục đôi nhưng khách đặt hết rồi, chú chờ chuyến sau nhé!”.

Để minh chứng cho việc “luôn sẵn hàng”, anh T. vừa dẫn chúng tôi ra phía sau nhà - nơi anh cất giữ gần 40 con cói đang sống được chia nhốt ra hai lồng. Theo như lời anh T, thì một lồng để bán cói thịt, một lồng để bán cói mồi. Không chỉ cói, nơi được anh T. xem như “kho báu”, canh chừng cẩn thận này còn có 1 con vạc.

“Con vạc này tôi vừa đánh được mấy hôm, hiện đang nuôi để làm mồi nhử. Vạc khó đánh nên giá bán khá cao, một con vạc mồi hiện có giá từ 1 - 3 triệu đồng” - anh T. cho biết.

Thâm nhập các “trận địa” đánh bắt, sơ chế, tiêu thụ “chim trời” ở Hà Tĩnh

Anh N.V. T. (thôn Bắc Hòa, xã Yên Hòa, Cẩm Xuyên) cho xem các “chiến lợi phẩm” vừa đánh được.

Sau khi lựa xong những con cói để làm cho khách quen, chúng tôi được “mục sở thị” quy trình “hóa kiếp” chim trời từ bàn tay của hai người phụ nữ. Một người là vợ và một người là mẹ đẻ của anh T. Không một động tác thừa, hai người phụ nữ này thuần thục vặt lông từng con cói đang sống, trong chốc lát, 10 con đã bị vặt trụi lông.

Những con cói sau khi đã vặt trụi lông được chị L. (vợ anh T.) sử dụng rơm để thui. Chị L. không ngần ngại mời chào: “Thui cói bằng rơm sẽ thơm và ngon hơn khò bằng gas và đặc biệt là không độc. Mỗi ngày, chị làm thịt từ 40 - 60 con cói, giá cho mỗi cặp là 70 nghìn đồng. Được ví là đặc sản nên các loại chim này bán rất chạy, không phải lúc nào cũng dư hàng trong nhà. Cứ đánh được là có “đầu mối” trong thôn đến lấy ngay. Chú muốn mua thì chiều anh đánh về chị cất cho ít đôi”.

Thâm nhập các “trận địa” đánh bắt, sơ chế, tiêu thụ “chim trời” ở Hà Tĩnh

Chị L. - vợ anh anh N.V. T. chuẩn bị hàng cho khách quen.

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, tại thôn Bắc Hòa, xã Yên Hòa có khoảng 10 hộ chuyên hành nghề bẫy chim trời. Sau khi đánh được chim, hầu hết bà con bán lại cho một tiểu thương tên N.T.B. trong thôn. Từ điểm trung chuyển này, chim trời được đưa đến các chợ trên địa bàn và nhiều tỉnh, thành khác để chế biến thành mồi nhậu.

Thâm nhập các “trận địa” đánh bắt, sơ chế, tiêu thụ “chim trời” ở Hà Tĩnh

Những con cói vô tội bị hai người phụ nữ (một người là vợ và một người là mẹ đẻ của anh T.) thuần thục vặt lông, thiêu sống.

Theo địa chỉ được hướng dẫn, chúng tôi tìm đến nhà chị B. Thấy khách, chị B. xởi lởi: “Nhà em uy tín, anh muốn lấy hàng cứ gọi điện là có, song phải đặt từ tối hôm trước, hôm sau sẽ để dành cho. Mà phải lên trong buổi sáng nhé, trưa là khách lấy hết ngay”.

Chị B. cho biết, những người bán chim cho chị không chỉ ở xã Yên Hòa mà còn có Cẩm Dương, Nam Phúc Thăng... Do lấy lãi không cao, chỉ chênh từ 5 - 10 nghìn đồng/con nên khách hàng ngày càng đông, không chỉ trong tỉnh mà còn cấp đông gửi hàng vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ, do đó, hàng về đến đâu, bán hết đến đó.

Thâm nhập các “trận địa” đánh bắt, sơ chế, tiêu thụ “chim trời” ở Hà Tĩnh

Chị N.T.B. - một tiểu thương chuyên thu mua chim trời tại thôn Bắc Hòa (xã Yên Hòa) đang chuẩn bị hàng cho khách.

“Bình quân mỗi ngày, em bán được khoảng 100 - 150 con, cá biệt những hôm hơn 200 con. Chim trời mà tôi bán gồm: cói, cò, vạc... Những loại này chỉ có hàng đến hết tháng 11” - chị B. cho biết.

Thâm nhập các “trận địa” đánh bắt, sơ chế, tiêu thụ “chim trời” ở Hà Tĩnh

Từ hàng tươi sống đến đông lạnh, với đầy đủ các loại chim như: vạc, cò, cói... chị N.T.B. đều bán. Khách muốn mua số lượng bao nhiêu cũng có.

Sau cuộc trò chuyện, lấy lý do sẽ cân nhắc thêm và liên hệ lại sau, chúng tôi ra về. Tiễn khách, chị B. không quên dặn: “Cần loại gì cứ gọi điện nhé, ở đâu cũng ship tận nơi”.

Bán công khai trên mọi loại chợ

Được quảng bá thịt thơm ngon, bổ dưỡng, hàng “sạch” nên nhu cầu tiêu thụ chim trời của người tiêu dùng ngày càng lớn, kéo theo hoạt động buôn bán các loại chim trời diễn ra công khai tại chợ truyền thống lẫn chợ online.

Thâm nhập các “trận địa” đánh bắt, sơ chế, tiêu thụ “chim trời” ở Hà Tĩnh

Cảnh mua bán “chim trời” diễn ra nhộn nhịp tại chợ Cương Gián (Nghi Xuân) vào sáng 27/9.

Ghi nhận của PV tại chợ Cương Gián (Nghi Xuân) - khu chợ nằm đối diện trụ sở UBND xã Cương Gián vào sáng 27/9 cho thấy, tình trạng buôn bán chim trời vẫn diễn ra ngang nhiên mà không hề gặp bất kỳ một sự ngăn cản nào của cơ quan chức năng.

Khi hỏi về chỗ bán chim trời, chúng tôi được tiểu thương chỉ thẳng vào phía trong chợ. Tại đây, khá nhiều người phụ nữ đang mổ bụng, cắt đầu, làm sạch các loài chim để bán cho khách hàng. Nhanh gọn, thuần thục, chỉ chưa đầy 30 giây, 1 con chim én đã được làm sạch.

Thâm nhập các “trận địa” đánh bắt, sơ chế, tiêu thụ “chim trời” ở Hà Tĩnh

Người bán, kẻ mua “vô tư” trao đổi, chọn lựa chim trời tại chợ Cương Gián (Nghi Xuân) vào sáng 27/9.

Với các loài chim lớn hơn thì được các thương lái làm sạch ở nhà và chỉ việc mang đến chợ bán. Khi hỏi mua chim trời với số lượng lớn, chúng tôi được giới thiệu đủ các loại như: chim én, cói, cò, vạc... Tùy theo loại mà giá tiền cũng khác nhau.

Thâm nhập các “trận địa” đánh bắt, sơ chế, tiêu thụ “chim trời” ở Hà Tĩnh

Một số tiểu thương tại chợ Cương Gián còn đem các loại chim trời “rao” bán khắp chợ.

Bà T.T.M. (trú thôn Nam Mới, xã Cương Gián) cho biết: “Các loài chim đã được làm sẵn ở đây là do tôi thu gom của người dân trong vùng và nhập từ một số mối quen ở Cẩm Xuyên về. Có những ngày, tôi vặt cả trăm con cói, khách muốn mua bao nhiêu cũng có, nhưng phải đặt cọc trước để tôi đặt hàng cho họ bắt".

Tại huyện Lộc Hà, tình trạng buôn bán chim trời cũng diễn ra công khai. Ghi nhận của PV Báo Hà Tĩnh tại khu vực bán hải sản của chợ huyện Bình Lộc (khu chợ lớn nhất huyện Lộc Hà), thuộc địa bàn xã Bình An cho thấy, vẫn còn tiểu thương buôn bán chim trời.

Thâm nhập các “trận địa” đánh bắt, sơ chế, tiêu thụ “chim trời” ở Hà Tĩnh

Tiểu thương bày bán đủ loại chim tại chợ huyện Bình Lộc.

Ngoài chợ truyền thống, các loại chim trời còn được rao bán công khai trên chợ online. Khách hàng có thể dễ dàng liên hệ đặt mua theo địa chỉ rao bán trên facebook, zalo và được người bán ship tận nơi.

“Nhà mình hôm nay lại về hơn trăm con chim trời, hàng tự nhiên đánh bắt, ai đặt em mới làm thịt nhé các anh chị. Trong đó, cói chỉ 40 nghìn đồng/con, cò chỉ 60 nghìn đồng/con, vạc chỉ 120 nghìn đồng/con”; “Số lượng lớn chuẩn bị cập bến tươi rói... Mến mời sỉ lẽ lên đơn. Lãi tình cảm là chính, mọi người nhiệt tình lên ạ” - một tài khoản facebook tên L. ở Cẩm Xuyên rao bán.

Thâm nhập các “trận địa” đánh bắt, sơ chế, tiêu thụ “chim trời” ở Hà Tĩnh

Chim trời được chào mời, bán công khai trên mạng xã hội. (Ảnh chụp qua màn hình facebook vào sáng ngày 28/9).

Theo chị L., các loại chim cò, cói này được người dân bẫy tại đồng, là động vật tự nhiên nên ăn thịt rất chắc và thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng, có bao nhiêu chị cũng bán hết.

Ngoài bán lẻ, chị L. còn bán sỉ cho các chủ buôn, nhà hàng, quán ăn, quán nhậu vì đây là loại đặc sản theo mùa được “dân nhậu” cực kỳ yêu thích. Ngoài ra, chị L. cũng nhận chế biến tại nhà, với các món như: cói om khế, rang sả... để phục vụ “thượng đế”.

Thâm nhập các “trận địa” đánh bắt, sơ chế, tiêu thụ “chim trời” ở Hà Tĩnh

Ngoài bán chim sống, chị L. cũng nhận chế biến tại nhà với các món như: cói om khế, rang sả...

Còn một tài khoản Facebook tên D. ở TP. Hà Tĩnh thì không ngần ngại khoe đơn: “Ngày mai chốt nhẹ 30 vạc cho hai khách làm liền và chốt thêm một khách víp chắc chắn đặt trong 1 tuần tới”.

Dưới bài đăng của chị D. thu hút khá nhiều bình luận và chắc chắn không thể thiểu những lời hỏi mua, kèm câu chúc “buôn may bán đắt”.

Thâm nhập các “trận địa” đánh bắt, sơ chế, tiêu thụ “chim trời” ở Hà Tĩnh

Một tài khoản Facebook tên D. ở TP. Hà Tĩnh thì không ngần ngại khoe đơn khách đặt mua chim trời.

Ngoài các chợ bán thứ hàng hóa đặc biệt này, chim trời cũng trở thành món ăn đặc biệt tại các nhà hàng đặc sản. Trước đây, quán của anh Lê Văn Hùng (SN 1986, ở thôn 5, xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà) nổi tiếng với các món nhậu chế biến từ chim. Ngày 27/9 vừa đây, lực lượng chức năng vào cuộc kiểm tra, phát hiện trong quán có 260 cá thể chim trời. Và, đây là loại cấm đánh bắt, mua bán, sử dụng.

Thâm nhập các “trận địa” đánh bắt, sơ chế, tiêu thụ “chim trời” ở Hà Tĩnh

Các lực lượng chức năng thu giữ chim trời không rõ nguồn gốc tại quán Hùng Chim vào ngày 27/9.

Rõ ràng, tình trạng săn bắt “tận diệt”, buôn bán công khai các loại chim trời vẫn diễn ra phổ biến tại các địa phương ở Hà Tĩnh. “Đến hẹn lại săn”, những thợ bẫy vẫn ngày đêm cần mẫn chuẩn bị đồ nghề để tận diệt chim trời, còn các “con buôn” thì tất bật gom hàng, chốt đơn. Cứ thế, mỗi ngày, có hàng nghìn con chim trời bị bắt, giết thịt…

Tin liên quan:

Chủ đề BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Đọc thêm

Những đồng tiền tội lỗi

Những đồng tiền tội lỗi

Mờ mắt trước khoản tiền công lớn từ vận chuyển thuê ma túy, bị cáo Xeng và Sisavanh Yongyaerlor (Lào) đã tự khép lại cuộc đời bằng bản án tử hình do TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt.
Giá đắt của sự hơn thua với vợ

Giá đắt của sự hơn thua với vợ

Cho rằng chuyện vợ bán nghé không thông báo là thiếu tôn trọng chồng con, bị cáo Mai Văn Hà (Hương Khê, Hà Tĩnh) đã nhẫn tâm xuống tay, tước đoạt mạng sống của người từng “đầu ấp tay gối”.
Cảnh giác với "bà hỏa" trong mùa hanh khô

Cảnh giác với "bà hỏa" trong mùa hanh khô

Để phòng ngừa tình trạng cháy nổ vào mùa hanh khô, Công an Hà Tĩnh đã tiếp tục đưa ra khuyến cáo để các tổ chức, doanh nghiệp và người dân nâng cao ý thức cảnh giác với "bà hoả".
Công an Hà Tĩnh cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Công an Hà Tĩnh cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Công an Hà Tĩnh cho hay, thời gian qua, một số người dân, doanh nghiệp trên địa bàn sau khi thực hiện đăng ký kinh doanh trên nền tảng dịch vụ công trực tuyến đã nhận được cuộc gọi lừa đảo của các đối tượng.