Mưa xuống, “chim trời” lại được bày bán công khai ở Cẩm Xuyên

(Baohatinh.vn) - Dù thời gian qua ngành chức năng Hà Tĩnh đã quyết liệt ra quân xử lý vấn nạn săn bắt chim tự nhiên nhưng việc buôn bán các loại cò, cói, vạc… vẫn diễn ra công khai tại chợ truyền thống lẫn chợ online.

Sáng 24/9, có mặt tại chợ Cừa (xã Yên Hòa, Cẩm Xuyên), chúng tôi bắt gặp hình ảnh các loại chim trời đã làm sạch, thui lông được bày bán khá nhiều, nơi ít thì từ 10 - 15 con, nhiều thì 20 - 30 con, cá biệt có những người “chào” hàng với số lượng lớn từ 70 - 80 con.

Mưa xuống, “chim trời” lại được bày bán công khai ở Cẩm Xuyên

Cảnh mua bán “chim trời” diễn ra nhộn nhịp tại chợ Cừa (xã Yên Hòa, Cẩm Xuyên) vào sáng 24/9.

Tùy vào loại chim mà người bán đưa ra các mức giá khác nhau. Theo đó, cò được bán với giá 120.000 đồng/cặp, cói 70.000 đồng/cặp, các loại chim nhỏ hơn thì có giá từ 40.000 - 50.000 đồng/cặp.

Chị N.T.N. - một người chuyên bán chim cói tại chợ Cừa (xã Yên Hòa, Cẩm Xuyên) cho biết, giá cho mỗi cặp cói hiện được chị bán ra với giá 70.000 đồng, còn vạc thì đắt hơn nhiều lần vì khó mua được hàng. Sở dĩ các loại chim này có giá đắt bởi đây là “đặc sản” không phải mùa nào cũng có.

Mưa xuống, “chim trời” lại được bày bán công khai ở Cẩm Xuyên

Tiểu thương bán chim công khai tại chợ Cừa (xã Yên Hòa, Cẩm Xuyên) vào sáng 24/9.

"Có những ngày tôi vặt cả trăm con cói, khách muốn mua bao nhiêu cũng có, nhưng phải đặt cọc trước để tôi đặt hàng cho họ bắt. Mối buôn của tôi ở tận Nghệ An nên chuyển về hơi lâu” - chị N. cho biết thêm.

Mưa xuống, “chim trời” lại được bày bán công khai ở Cẩm Xuyên

Các loại chim được thui cẩn thận để thêm phần “hấp dẫn” khách hàng.

Theo một số tiểu thương, các loại cò, cói, vạc... được người dân săn, bắt ở vùng bãi ngang ven biển các huyện: Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân... hoặc tiểu thương “quen mối” nhập về từ tỉnh Nghệ An, Quảng Bình..., sau đó làm sạch rồi mang ra bán tại chợ.

Các loại chim này đều được quảng cáo là hàng “sạch”, tự nhiên và qua tìm hiểu, khách muốn mua số lượng nhiều cũng được, chỉ cần điện thoại sớm để còn đặt hàng trước.

Mưa xuống, “chim trời” lại được bày bán công khai ở Cẩm Xuyên

Vốn là chim tự nhiên nên thịt thơm, ngon, thậm chí được xem là món ăn đặc sản nên các loại chim trời rất được các khách hàng ưa chuộng. (Ảnh chụp tại chợ Cừa vào sáng 24/9).

Đến hẹn lại lên, cứ bước vào mùa mưa, bà H.T.C. (xã Cẩm Dương, Cẩm Xuyên) lại mưu sinh bằng nghề buôn “chim trời”, bởi theo bà, đây là nghề kiếm ra tiền trong lúc nông nhàn. Theo bà C., trung bình mỗi ngày bán được từ 50 - 60 con chim các loại, hàng bình dân đến đặc sản đều có, giá từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn đồng.

Các loại “chim trời” thường được khách hàng ưa chuộng và tìm mua khá nhiều tại chợ dân sinh. Anh T.T.A. (thị trấn Cẩm Xuyên) bày tỏ: “Vào mùa mưa, không khó để tìm mua các loại chim cò, cói... tại chợ và trên facebook. Dù biết chính quyền các cấp đang nỗ lực ngăn chặn các hành vi săn bắt, buôn bán chim trời nhưng thấy người khác mua tôi cũng mua về ăn thử”.

Ngoài chợ truyền thống, các loại chim trời còn được rao bán công khai trên chợ mạng online. Khách hàng có thể dễ dàng liên hệ đặt hàng theo địa chỉ rao bán trên facebook, zalo và được người bán ship tận nơi.

Mưa xuống, “chim trời” lại được bày bán công khai ở Cẩm Xuyên

Chim trời được chào mời, bán công khai trên mạng xã hội. (Ảnh chụp qua màn hình facebook vào sáng ngày 24/9).

Theo chị A. - chủ tài khoản trên facebook thường xuyên đăng bán chim, mỗi cặp cói có giá trung bình từ 60.000 - 70.000 đồng, mỗi cặp cò ngàng có giá từ 120.000 - 140.000 đồng. Dù giá khá đắt nhưng ngày nào chị A. cũng bán hàng chục cặp bởi đây là “đặc sản” được nhiều người ưa dùng.

Thời gian qua, các lực lượng chức năng và nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đã vào cuộc để xử lý tình trạng săn bắt chim tự nhiên trái phép. Tuy nhiên, tại chợ truyền thống và cả chợ online, việc buôn bán chim trời còn diễn ra công khai cho thấy việc xử lý vấn nạn đánh bắt chim trời chưa triệt để.

Mưa xuống, “chim trời” lại được bày bán công khai ở Cẩm Xuyên

Thời gian qua, các lực lượng chức năng và nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đã vào cuộc để xử lý tình trạng săn bắt chim tự nhiên trái phép. (Ảnh: Lực lượng chức năng xử lý lán ẩn nấp ở xã Xuân Thành, Nghi Xuân).

Bên cạnh kiểm tra, xử lý hoạt động đánh bắt, rất cần cơ quan chức năng cùng chính quyền các địa phương xem xét, xử lý hoạt động kinh doanh, buôn bán chim trời. Về phía người dân, cần nói không với việc chế biến chim tự nhiên thành món ăn nhằm chung tay bảo vệ môi sinh, môi trường, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.

Chủ đề Bạn đọc viết

Chủ đề BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Đọc thêm

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Biển chỉ dẫn... có như không!

Biển chỉ dẫn... có như không!

Nhiều biển chỉ dẫn dọc theo tuyến đường thuộc xã Thạch Văn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) bị hư hỏng, bong tróc như "đánh đố" người tham gia giao thông.