U19 Nhật Bản thẳng tiến đến trận chung kết VCK U19 châu Á 2016 với 13 pha lập công mà không để thủng lưới một bàn thua nào. Đáng sợ hơn với lực lượng đồng đều và chất lượng đồng đều, đội bóng trẻ xứ phù tang gần như chẳng tốn nhiều mô hôi để đi đến trận cầu cuối cùng của giải đấu.
Tuy nhiên đối thủ của U19 Nhật Bản – Saudi Arabia cũng cho thấy vì sao họ có thể góp mặt ở chung kết. Và chính đội bóng đến từ Tây Á này mới là những người có cơ hội nguy hiểm đáng chú ý trước tiên với cú sút ngoài vòng cấm đưa bóng đi trúng cột dọc.
Hai đội bóng tạo ra một thế trận giằng co và đầy kịch tính. Nếu như U19 Nhật Bản tiếp tục sử dụng những đòn cận chiến và đá phạt cố định để tiếp cận khung thành đối thủ thì tốc độ, sức mạnh của U19 Saudi Arabia nhiều lần khiến khung thành thủ môn Kojima Ryosuke trải qua sóng gió.
U19 Nhật Bản và U19 Saudi Arabia giằng co quyết liệt
Hòa không bàn thắng sau 120 phút thi đấu, hai đội bước vào loạt sút luân lưu may rủi. U19 Nhật Bản cho thấy vì sao họ lại rất đáng sợ ở những quả đá phạt và dứt điểm trong vòng 18 mét đổ lại khi thực hiện thành công cả 5 lượt sút. Trong khi đó, may mắn đã không đứng về phía Saudi Arabia khi Magrashi lại sút hỏng.
Thắng 5-3 sau loạt luân lưu, U19 Nhật Bản lần đầu tiên giành chức vô địch U19 châu Á sau 36 lần tham dự. Ấn tượng hơn, họ trở thành nhà vô địch duy nhất trong vòng 10 năm trở lại đây không để thủng lưới trong thời gian thi đấu chính thức.
U19 Nhật Bản vô địch giải đấu mà không để thủng lưới
Đội hình thi đấu
U19 Nhật Bản: Ryosuke, So (Ryo 94’), Yuta, Takehiro, Koji (Keita 60’), Koki, Daisuke, Ritsu, Mizuki (Teruki 75’), Kakeru, Iwasaki.
U19 Saudi Arabia: Albukhari, Alamri, Alnaji, Alanaze (Almuwallad 80’), Zabbani, Alkhulaif (Kireiri 106’), Alyami, Alzubaidi, Alasmari (Aldawsari 119’), Alharbi, Magrshi.
Một số danh hiệu đáng chú ý
Vô địch: U19 Nhật Bản
Á quân: U19 Saudi Arabia
Đồng hạng Ba: U19 Việt Nam, U19 Iran
Cầu thủ xuất sắc nhất giải: Ritsu Doan – U19 Nhật Bản
Vua phá lưới: Sami Al Naji – U19 Saudi Arabia (4 bàn)