Để khắc phục sự cố môi trường biển, Hà Tĩnh đã thành lập Ban chỉ đạo, Hội đồng đánh giá thiệt hại và tổ giúp việc để tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện chỉ đạo của Trung ương; phối hợp Bộ NN&PTNT tổ chức các cuộc tập huấn từ thôn xóm, đến cấp tỉnh về công tác kê khai, xác định thiệt hại; thành lập Hội đồng thẩm tra và 7 tổ công tác chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát cấp tỉnh. Các huyện, thị xã, thành phố và các xã phường liên quan đều thành lập Ban chỉ đạo và Hội đồng đánh giá thiệt hại. Cùng với đó là tiến hành tổ chức chi trả công khai, minh bạch, đầy đủ cho người dân bị thiệt hại.
Ông Trần Nhật Lam - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Việc xác định thiệt hại và bồi thường, xử lý hải sản tồn kho là nội dung tồn đọng kéo dài, gặp rất nhiều vướng mắc trong thực tế. Đề nghị Trung ương chỉ đạo, rà soát, đánh giá toàn diện và thống nhất phương án xử lý dứt điểm để trả lời cho dân biết, có biện pháp sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Ông Hoàng Thanh Tùng – Phó Trưởng BQL các khu kinh tế tỉnh: Theo kết quả kiểm tra của Đoàn liên ngành Bộ TN&MT và tỉnh Hà Tĩnh từ ngày 3-4/4/2017 cho thấy, Formosa đã hoàn thành khắc phục 52/53 lỗi. Còn việc chuyển từ công nghệ dập ướt sang khô trong luyện than cốc, dự kiến đến 31/6/2019 sẽ hoàn thành. Hiện tại, Formosa đã lựa chọn nhà thầu Nhật Bản và bắt đầu khởi công xây dựng, lắp đặt công nghệ. Trạm quan trắc online xả thải ra biển, Trạm xử lý nước thải sinh hóa, Trạm xử lý nước thải công nghiệp hiện đã hoàn thành lắp đặt, kiểm định hoặc hiệu chuẩn 14 thông số, tháng 3/2017 đã truyền số liệu về Sở TN&MT.
Đến nay, số liệu kê khai thiệt hại do sự cố môi trường biển được tổng hợp trên địa bàn theo Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016, gồm: 6.489 tàu cá; 1.545ha ao, hồ nuôi; 27.022m3 nuôi lồng bè; 127ha sản xuất muối; 47.960 lao động bị ảnh hưởng (44.280 lao động trực tiếp, 3.680 lao động gián tiếp). Giá trị thiệt hại bước đầu khoảng 1.591,77 tỷ đồng.
Ông Lê Trần Sáng – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL: Mặc dù Chính phủ đã cho kê khai đối tượng chủ cơ sở và người lao động trong nhà hàng phục vụ ăn uống ven biển (không cần phải trong khu du lịch), nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn kê khai.
Đến ngày 10/4/2017, đã phê duyệt giá trị thiệt hại được bồi thường, hỗ trợ là 1.171 tỷ đồng, chi trả cho các đối tượng được 1.036 tỷ đồng, đạt trên 86% kinh phí tạm cấp đợt 1. Hà Tĩnh cũng đã hoàn thành việc hỗ trợ 6.240,484 tấn gạo cho 19.247 hộ, 67.988 nhân khẩu; hỗ trợ 23.066,5 triệu đồng cho 5.012 chủ tàu thuyền. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ riêng 100% kinh phí mua 2.847 thẻ bảo hiểm y tế, 2 năm học phí cho học sinh vùng ảnh hưởng; 125 triệu đồng cho 25 cơ sở kinh doanh hải sản an toàn; 561,28 triệu đồng chi phí tiền điện cho 35 cơ sở đông lạnh tạm trữ hải sản; hỗ trợ đóng mới 36 tàu cá trên 90CV…
Ông Nguyễn Huy Tiến – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Tĩnh: Hiện nay, theo các quy định còn nhiều vướng mắc trong hỗ trợ lãi suất cho vay đóng mới tàu cá. Quyết định 1822/QĐ-UBND ngày 1/7/2016 của UBND tỉnh cần phải điều chỉnh kịp thời, nếu không rất khó để thực hiện. Việc thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 32/2016/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 của HĐND tỉnh đối với khách hàng chung, cũng như khách hàng vay nuôi trồng thuỷ sản tại các khu vực bị ảnh hưởng đang có vướng mắc.
Hiện nay, công tác bồi thường, khắc phục sự cố môi trường đang còn gặp những vướng mắc, chưa giải quyết được, như: còn một số lượng hàng tồn kho của các cơ sở cấp đông; có khá nhiều đối tượng thực tế có thiệt hại nhưng chưa nằm trong diện được kê khai; một số diện tích nuôi trồng thủy sản không có cơ sở xác định thiệt hại thủy sản chết trên 70%...
Sau khi nghe các ý kiến đề xuất của đại biểu, lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách đã tiếp thu, tổng hợp, tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh thống nhất phương án xử lý, và tiếp tục kiến nghị với Trung ương những vướng mắc đang gặp phải tại cơ sở.