Thế giới hơn 142,6 triệu ca bệnh, WHO nhận định thời điểm kiểm soát đại dịch

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 635.717 trường hợp mắc COVID-19 và 8.892 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 142,6 triệu ca bệnh, trong đó trên 3 triệu người không qua khỏi.

Thế giới hơn 142,6 triệu ca bệnh, WHO nhận định thời điểm kiểm soát đại dịch

Nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại Toronto, Canada, ngày 16/4/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 20/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 142.667.042 ca, trong đó có 3.041.903 người tử vong.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 121.321.122 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 18.965.690 ca và 102.233 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 19/4, thế giới có tới 118 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 102 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ, Ba Lan và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine. Trong vòng 1 ngày qua, Brazil có số ca tử vong nhiều nhất thế giới.

Thế giới hơn 142,6 triệu ca bệnh, WHO nhận định thời điểm kiểm soát đại dịch

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Vienna, Áo, ngày 16/4/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Ngày 19/4, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố thế giới có những công cụ để đưa đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 toàn cầu vào tầm kiểm soát trong những tháng tới.

Phát biểu họp báo, người đứng đầu WHO nêu rõ: “Chúng ta có những công cụ để kiểm soát đại dịch trong vài tháng tới, nếu chúng ta áp dụng các công cụ này một cách nhất quán và công bằng”.

Cùng ngày, Ủy ban Khẩn cấp của WHO khuyến cáo rằng không cần áp dụng giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine như một điều kiện đi lại quốc tế, qua đó duy trì lập trường của WHO về vấn đề đang ngày càng gây tranh cãi này.

Trước đó, trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp hôm 15/4 vừa qua, để củng cố lập trường của mình, các chuyên gia độc lập viện dẫn rằng có ít bằng chứng về việc liệu tiêm vaccine phòng COVID-19 có làm giảm khả năng lây nhiễm virus của con người hay không, cũng như “tình trạng bất bình đẳng dai dẳng trong hoạt động phân phối vaccine toàn cầu”. Ủy ban Khẩn cấp của WHO cho rằng các nước nên thừa nhận rằng việc yêu cầu giấy chứng nhận tiêm chủng làm sâu sắc thêm sự bất công và thúc đẩy quyền tự do đi lại bất bình đẳng.

Thế giới hơn 142,6 triệu ca bệnh, WHO nhận định thời điểm kiểm soát đại dịch

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Iran. Ảnh: IRNA/ TTXVN

Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 32.465.382 ca nhiễm và 581.068 ca tử vong. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ở Mỹ đã ghi nhận chuyển biến tích cực gần đây nhờ chương trình tiêm chủng vaccine được đẩy mạnh.

Trong khi đó, Ấn Độ đang trở thành điểm nóng đáng quan ngại của dịch COVID-19 khi số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày lên tục tăng lên mức cao từng thấy. Ngày 19/4, quốc gia Nam Á này ghi nhận thêm 273.810 ca mắc - mức tăng trong ngày cao nhất từ trước tới nay.

Hiện tổng số ca nhiễm ở Ấn Độ lên tới 15.061.919 ca, cao thứ 2 thế giới sau Mỹ. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới vượt mức 200.000 ca/ngày. Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng kỷ lục 1.619 ca lên 178.769 ca. Riêng vùng thủ đô Delhi ghi nhận khoảng 25.000 ca mắc mới mỗi ngày trong 3-4 ngày qua.

Trong bối cảnh đó, chính quyền khu vực thủ đô Delhi đã quyết định áp đặt lệnh phong tỏa trong 6 ngày. Lệnh phong tỏa có hiệu lực từ 22h tối 19/4 đến 5h sáng 26/4, theo đó các dịch vụ thiết yếu sẽ được hoạt động trong thời gian hạn chế, song các cửa hảng, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, công ty tư nhân, trường học, rạp hát và nhà hàng buộc phải đóng cửa.

Tính đến ngày 19/4, gần 123,9 triệu liều vaccine đã được tiêm cho người dân Ấn Độ, cao thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu tính theo đầu người, tỷ lệ tiêm chủng ở nước này còn khá thấp. Theo thông báo mới nhất của Ấn Độ, từ tháng 5, toàn bộ người trưởng thành ở nước này sẽ được tiêm chủng ngừa COVID-19.

Thế giới hơn 142,6 triệu ca bệnh, WHO nhận định thời điểm kiểm soát đại dịch

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Hyderabad, Ấn Độ, ngày 18/4/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong khi nhiều nước châu Á vẫn siết chặt các biện pháp phòng dịch, nhiều nước châu Âu thực hiện nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Ngày 19/4, Bồ Đào Nha đã tiếp tục nới lỏng theo từng giai đoạn các biện pháp hạn chế vốn được áp đặt nhằm kiềm chế dịch COVID-19 sau khi số ca nhiễm mới giảm.

Theo đó, các trung tâm mua sắm, các trường trung học và đại học được phép mở cửa trở lại, trong khi các nhà hàng được phép phục vụ khách ở bên trong. Đây là giai đoạn 3 trong số 4 giai đoạn dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế bắt đầu từ giữa tháng 3 vừa qua, sau 2 tháng áp đặt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn làn sóng thứ 3 của dịch bệnh. Bồ Đào Nha bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế bằng việc mở cửa trở lại các trường tiểu học cách đây 1 tháng, sau đó đến các trường trung học vào đầu tháng này và dịch vụ ngoài trời của các quán cà phê và nhà hàng.

Tuy nhiên, nước này vẫn duy trì hoạt động kiểm soát tại vùng biên giới giáp Tây Ban Nha ít nhất 15 ngày nữa, cùng với yêu cầu các du khách phải trình giấy chứng nhận có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Bồ Đào Nha cũng sẽ tiếp tục yêu cầu du khách đến từ những nước có tỉ lệ lây nhiễm trên 500 ca/100.000 dân, trong đó có Brazil, Nam Phi cũng như Pháp và Hà Lan, thực hiện cách ly 2 tuần.

Thế giới hơn 142,6 triệu ca bệnh, WHO nhận định thời điểm kiểm soát đại dịch

Hy Lạp nới lỏng các qui định phòng dịch. Ảnh: Greece Islands

Hy Lạp thông báo dỡ bỏ cách ly 1 tuần đối với những du khách đến từ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Anh, Mỹ, Israel, Serbia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UEA) đã tiêm phòng đầy đủ hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Lệnh dỡ bỏ cách ly có hiệu lực từ ngày 19/4, song các biện pháp hạn chế khác đối với các chuyến bay trong nước và quốc tế vẫn có hiệu lực cho đến ngày 26/4. Thông báo trên được đưa ra bất chấp số ca nhiễm gia tăng ở Hy Lạp, với mỗi ngày ghi nhận hơn 1.500 ca nhiễm mới và hàng chục ca tử vong. Hy Lạp vẫn duy trì các biện pháp hạn chế, chỉ cho phép thực hiện hoạt động đi lại vì mục đích thiết yếu giữa các vùng.

Lần đầu tiên trong nhiều tháng qua, người dân Slovakia đã tới các trung tâm thương mại, tiệm làm tóc, thư viện trong bối cảnh quốc gia Trung Âu này cho phép các cửa hàng và dịch vụ hoạt động trở lại với công suất hạn chế. Slovakia cũng cho phép các nhà thờ, bể bơi, vườn bách thú và một số cửa hàng mở cửa trở lại. Khách sạn cũng được phép hoạt động, song chỉ được tiếp nhận khách ở mức giới hạn trong khi các nhà hàng chưa được phép phục vụ khách đến ăn bên trong.

Số ca nhiễm được phát hiện qua xét nghiệm PCR ở Slovakia hiện ở mức dưới 1.000 ca/ngày trong khi số ca nhập viện giảm xuống 1.978 ca/ngày so với mức cao nhất là hơn 3.800 ca/ngày hồi đầu tháng 3 vừa qua.

Thế giới hơn 142,6 triệu ca bệnh, WHO nhận định thời điểm kiểm soát đại dịch

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 14/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 19/4, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 18.761 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 64.400 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 5 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Campuchia, Thái Lan và Malaysia.

Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cao nhất khu vực. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” sau nhiều tháng bùng phát đã thấy xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm so với giai đoạn trước. Trong 1 ngày qua, Indonesia có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á.

Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao gấp nhiều lần “tâm dịch” Indonesia và cao nhất trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong chưa hề giảm so với các ngày trước. Tình hình dịch bệnh tại Philippines đang nóng nhất khu vực ASEAN, tổng số ca mắc mới mỗi ngày tại nước này nhiều hơn cả khu vực cộng lại.

Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua. Còn tại Myanmar, theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu dịch COVID-19.

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 19/4 ghi nhận thêm 1.390 ca bệnh mới và 3 ca tử vong.

Thế giới hơn 142,6 triệu ca bệnh, WHO nhận định thời điểm kiểm soát đại dịch

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 28/3/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 624 bệnh nhân mới và 2 ca tử vong trong ngày 19/4. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 64.426 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 244 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 3.190.849 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 2.832.094 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 7 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ còn Brunei, Lào và Myanmar không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh.

Nhà khoa học Nga Denis Logunov, người được xem là nhà phát triển hàng đầu vaccine Sputnik V, mới đây cho biết trong bản đánh giá thực dựa trên dữ liệu của 3,8 triệu người, loại vaccine này đạt hiệu quả 97,6% trong việc ngăn chặn COVID-19.

Tỷ lệ trên cao hơn so với mức 91,6% vốn được công bố trong báo cáo kết quả cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối đăng tải trên tạp chí y khoa The Lancet hồi tháng 3 năm nay.

Phát biểu tại một sự kiện ở Viện hàn lâm khoa học Nga, ông Logunov cho hay sau khi phân tích cơ sở dữ liệu của những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Sputnik V, các nhà khoa học ở Viện Gamaleya, nơi bào chế vaccine Sputnik V, đã đi đến kết luận rằng tỷ lệ hiệu quả thực của vaccine này lên tới 97,6% trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2.

Trong khi đó, công ty Rapid BIO (thành viên Quỹ Skolkovo) và công ty Avivir đã đăng ký ở Nga bộ xét nghiệm nhanh đầu tiên giúp phát hiện kháng thể vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19. Xét nghiệm này phù hợp với những người được tiêm vaccine Sputnik V.

Thế giới hơn 142,6 triệu ca bệnh, WHO nhận định thời điểm kiểm soát đại dịch

Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: TTXVN phát

Đây là bộ xét nghiệm máu, cho kết quả sau 15 phút với độ tin cậy là 96%. Bộ thử này có thể tự xét nghiệm tại nhà. Dựa trên phương pháp phân tích sắc ký miễn dịch (phản ứng giữa kháng nguyên và kháng thể tương ứng), bộ xét nghiệm này được xem là “bài kiểm tra” đối với mức độ hiệu quả của vaccine Sputnik V.

Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách đổi mới của Quỹ Skolkovo, ông Kirill Kayem, lưu ý rằng xét nghiệm này sẽ giúp xác định có khả năng miễn dịch sau tiêm chủng hay không. Ông cho biết xét nghiệm mới sẽ giảm gánh nặng cho hệ thống y tế và giúp theo dõi mức độ miễn dịch của người dân.

Tháng 12/2020, Trung tâm Vector thông báo phát triển một hệ thống xét nghiệm nhanh để phát hiện kháng thể virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm chủng. Xét nghiệm này phát hiện được kháng thể trong 18 phút.

Theo baotintuc.vn

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.