Người biểu tình cầm bức ảnh của nhà báo Jamal Khashoggi bên ngoài lãnh sự quán Saudi Arabia ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 25/10. (Ảnh: Reuters)
5 quan chức Saudi Arabia đối mặt án tử hình do liên quan vụ nhà báo Khashoggi: Ngày 15/11, Văn phòng Công tố Saudi Arabia cho biết 5 quan chức nước này phải đối mặt với án tử hình do dính líu tới vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi trong Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng trước. Tuy nhiên, cơ quan này khẳng định Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman không liên quan đến vụ việc.
Đến nay, tổng cộng 21 cá nhân, trong đó 11 người, hiện đang bị giam giữ do liên quan đến vụ sát hại ông Khashoggi. Trong số đó, 11 người bị truy tố và những người còn lại đang bị điều tra.
Theo người phát ngôn trên, ông Khashoggi đã chết sau khi bị 5 quan chức trên đánh thuốc mê và sát hại dã man. Đây là lần đầu tiên chính quyền Riyadh thừa nhận về cách nhà báo Khashoggi bị thủ tiêu.
Các phần thi thể của nhà báo này sau đó đã được trao cho một đặc vụ bên ngoài Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul. Các cuộc điều tra đang được tiến hành để xác định vị trí các phần thi thể nạn nhân.
Đệ nhất phu nhân Melania Trump và bà Mira Ricardel. (Ảnh: nypost.com)
Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải cố vấn an ninh cấp cao: Nhà Trắng tiếp tục có những điều chỉnh nhân sự mới khi ngày 14/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cách chức Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mira Ricardel.
Quyết định trên được đưa ra sau khi Đệ nhất phu nhân Melania Trump yêu cầu sa thải bà Ricardel với lý do quan chức này "không còn xứng đáng được phục vụ tại Nhà Trắng."
Trong một thông cáo, người phát ngôn của Nhà Trắng Sarah Sanders cho hay bà Ricardel sẽ tiếp tục hỗ trợ tổng thống với một vai trò mới trong chính quyền.
Thông cáo nhấn mạnh Tổng thống Trump cảm ơn đóng góp của bà Ricardel đối với người dân Mỹ và những nỗ lực liên tục của bà đối với các ưu tiên an ninh quốc gia của tổng thống.
Bà Rosmah Mansor tới tòa án ở Kuala Lumpur ngày 15/11. (Ảnh: Reuters)
Phu nhân cựu Thủ tướng Najib bị buộc tội nhận hối lộ hơn 45 triệu USD: Reuters đưa tin ngày 15/11, các công tố viên Malaysia đã buộc tội bà Rosmah Mansor, phu nhân của cựu Thủ tướng Najib Razak, nhận hối lộ trị giá 189 triệu ringgit (45,12 triệu USD) từ một công ty tham gia dự án năng lượng mặt trời của chính phủ.
Các công tố viên buộc tội bà Rosmah với hai tội danh tham nhũng, và cho biết khoản tiền hối lộ trên liên quan tới dự án năng lượng mặt trời trị giá 1,25 tỷ ringgit (298 triệu USD) tại các trường học ở bang Sarawak, miền Đông Malaysia, trên đảo Borneo. Cho tới nay, bà Rosmah phủ nhận mọi tội danh.
Bà Esther McVey. (Ảnh: BBC)
Nữ Bộ trưởng Anh từ chức để phản đối dự thảo thỏa thuận Brexit: Ngày 15/11, Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí của Anh Esther McVey đã tuyên bố từ chức.
Đây là Bộ trưởng thứ 2 trong Nội các của Thủ tướng Anh Theresa May từ chức để phản đối một dự thảo thỏa thuận Brexit đã được London và Liên minh châu Âu (EU) nhất trí.
Trong đơn từ chức gửi Thủ tướng May, Bộ trưởng Esther McVey cho rằng dự thảo thỏa thuận mà Thủ tướng May đưa ra Nội các đã không tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. Bên cạnh đó, dự thảo đồng nghĩa với việc Anh sẽ trao cho EU 39 tỷ bảng Anh (gần 50 tỷ USD) cho EU mà không nhận lại được gì.
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Brexit Dominic Raab và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách Bắc Ireland Shailesh Vara cũng đã quyết định đã từ chức, do bất đồng quan điểm với chính phủ của Thủ tướng May liên quan đến dự thảo thỏa thuận này.
Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis. (Ảnh: Telegraph)
Thượng viện Séc yêu cầu Thủ tướng từ chức sau bê bối gian lận quỹ EU: Ngày 15/11, với đa số phiếu thuận, Thượng viện Séc đã thông qua nghị quyết yêu cầu Thủ tướng nước này - ông Andrej Babis từ chức sau khi có những cáo buộc mới liên quan tới vụ gian lận quỹ Liên minh châu Âu dành cho Séc trước đây.
Nghị quyết nêu rõ, sự có mặt hiện nay của Thủ tướng Babis trong Chính phủ là không thể chấp nhận được sau những cáo buộc con trai của Thủ tướng bị nhân viên của ông ép buộc phải rời Séc tới Krym để tránh tham gia thẩm vấn của cảnh sát liên quan tới dự án Tổ Cò.
Cả Thủ tướng và con trai của ông đều là đối tượng điều tra của cảnh sát trong dự án xây dựng tổ hợp hội nghị-nghỉ dưỡng mang tên Tổ Cò ở ngoại ô Praha của ông Babis cách đây hơn 10 năm, trong đó ông Babis được cho là đã tìm cách để đưa hơn 2 triệu EURO tiền quỹ EU về cho dự án thay vì các dự án cần thiết khác.
Bác bỏ thông tin con trai bị bắt cóc tới Krym gây khó dễ cho cuộc điều tra, Thủ tướng Babis nói rằng con trai ông bị bệnh tâm thần và tới Krym một cách tự nguyện, tuy nhiên lời giải thích của ông không đủ sức thuyết phục các Thượng nghị sĩ tại phiên họp ngày 15/11.