Đánh bom liên hoàn ở Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 200 người thương vong: Ít nhất 11 người thiệt mạng và hơn 200 người khác bị thương trong 3 vụ đánh bom xảy ra trong hai ngày liên tiếp (17, 18/8) nhằm vào lực lượng an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.
Vụ đánh bom đầu tiên xảy ra tối ngày 17/8 khi một chiếc xe chở bom bất ngờ phát nổ gần trạm cảnh sát ở tỉnh Van, miền đông Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới với Iran. Chỉ vài giờ sau đó, một vụ đánh bom xe nữa cũng xảy ra tại trụ sở cảnh sát ở thành phố Elazig, miền đông Thổ Nhĩ Kỳ. Tỉnh Bitlis cũng báo cáo về trường hợp một quả bom bị kích nổ ở ven đường khi một xe quân sự đi ngang qua khiến ít nhất 4 binh sĩ thiệt mạng, 7 binh sĩ khác bị thương.
Chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm về các vụ đánh bom. Tuy nhiên, phiến quân người Kurd được cho là thường xuyên tấn công bằng bom nhằm vào đồn cảnh sát hoặc căn cứ của các lực lượng an ninh khác tại Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Hiện trường vụ đánh bom xe ở Van. Nguồn: Dailymail)
Bị chỉ trích, Tổng thống Philippines nói Liên Hợp Quốc "ngu ngốc": Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho rằng những chỉ trích của LHQ về chiến dịch trấn áp tội phạm của ông là "ngu ngốc" đồng thời cảnh báo cơ quan này không nên can thiệp vấn đề nội bộ Philippines.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon hồi tháng 6 đã lên án chiến dịch trấn áp ma túy của Tổng thống Duterte, gọi đây là hành động "trái pháp luật, xâm phạm các quyền cơ bản và sự tự do". Văn phòng chống ma túy LHQ trong tháng 8 cũng "quan ngại sâu sắc" về việc tiêu diệt những kẻ buôn bán và sử dụng ma túy ở Philippines.
Đáp lại những lên án và chỉ trích từ LHQ, Tông thống Philippines cho rằng cơ quan này đã đưa ra "một tuyên bố rất ngu ngốc" đồng thời cảnh báo LHQ không nên can thiệp vào nội bộ Philippines. "Vấn đề ở đây là gì? Ông đưa yếu tố chính trị vào. Mới có 1.000 người chết và ông đặt nước chúng tôi vào tình trạng nguy hiểm, đe dọa" - ông Duterte tuyên bố tại một sự kiện kỷ niệm của cảnh sát quốc gia ở thành phố Quezon, Philippines hôm 17/8 vừa qua. (Ảnh: Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Nguồn: Reuters).
Triều Tiên xác nhận tái sản xuất plutonium: Triều Tiên ngày 17/8 xác nhận nước này vừa khôi phục việc sản xuất plutonium từ việc tái chế các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng và không có kế hoạch dừng việc thử nghiệm hạt nhân chừng nào vẫn còn cảm thấy những mối đe dọa từ phía Mỹ.
Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng cũng cho biết sẽ xây dựng một lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ công suất 100.000 kW để dùng cho mục đích thí nghiệm song không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào khác.
Triều Tiên cũng tuyên bố đã sản xuất đủ lượng uranium làm giàu cao cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân như đã lên kế hoạch. Tuy nhiên, cơ quan này không tiết lộ thông tin về lượng plutonium hay uranium làm giàu mà họ sản xuất được cho đến nay.
Hồi đầu tháng 6, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết đã phát hiện ra những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang tiến hành các hoạt động tái chế plutonium ở tổ hợp Yongbyon, để chế tạo vũ khí hạt nhân. (Ảnh: Triều Tiên xác nhận tái chế plutonium tại khu phức hợp Yongbyon. Nguồn: Reuters)
Con trai bin Laden kêu gọi lật đổ chính quyền Ả Rập Xê Út: Tổ chức chuyên theo dõi hoạt động của các nhóm khủng bố SITE Interlligence Group ngày 17/8 cho biết con trai của Osama bin Laden là Hamza bin Laden đã phát tán một thông điệp kêu gọi người dân Ả Rập Xê Út chống lại ảnh hưởng của Mỹ và tham gia vào mạng lưới al-Qaeda.
Trong một đoạn ghi âm không rõ ngày tháng, Hamza bin Laden đã kêu gọi người Ả Rập Xê Út lật đổ các nhà cầm quyền của vương quốc để giải phóng họ khỏi ảnh hưởng của Mỹ.
Hamza cũng muốn thanh niên Ả Rập Xê Út tham gia vào chi nhánh al-Qaeda trên bán đảo Arab (AQAP) đóng tại Yemen để "có được trải nghiệm chiến đấu cần thiết".
Các quan chức tình báo Mỹ tiết lộ Hamza bin Laden 23 tuổi, là “quý tử” của Osama và được nuôi dưỡng để lên nắm quyền lãnh đạo al-Qaeda thay cha. (Ảnh: Hamza bin Laden. Nguồn: AFP)
Thổ Nhĩ Kỳ có thể cho Nga sử dụng căn cứ không quân Incirlik: Thượng nghị sỹ Nga Igor Morozov mới đây đã gợi ý Thổ Nhĩ Kỳ có thể cung cấp căn cứ không quân Incirlik cho Lực lượng không quân Nga sử dụng trong chiến dịch chống khủng bố tại Syria.
Theo ông Morozov, không nhất thiết là Nga sẽ cần căn cứ Incirlik nhưng một quyết định như vậy có thể được xem xét vì Thổ Nhĩ Kỳ thực sự sẵn sàng hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria, chứ không phải chỉ là lời nói suông.
Trong bối cảnh Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang tích cực “làm lành” với nhau, quyết định cho Nga sử dụng Incirlik sẽ là hoàn toàn hợp lý nếu đó là bước đi tiếp theo của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đối với Nga.
Căn cứ không quân Incirlik nằm ở tỉnh Adana phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ, giáp với bờ biển Địa Trung Hải và cách biên giới Syria khoảng 110 km. Incirlik có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, hiện do Mỹ sử dụng để tiến hành các chiến dịch không kích nhằm vào tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, bắt đầu từ mùa hè năm 2015. (Ảnh: Căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: Reuters)