Cựu Ngoại trưởng Boris Johnson (trái) và Bộ trưởng Môi trường Michael Gove. (Ảnh: The Times)
Đảng Bảo thủ Anh bắt đầu chiến dịch chạy đua vào ghế Thủ tướng: Các hoạt động chạy đua vào cương vị người đứng đầu đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh, cùng với đó là ghế Thủ tướng, đã bắt đầu diễn ra sôi động trong ngày 3/6 mặc dù Thủ tướng Anh đương nhiệm Theresa May sẽ chỉ chính thức từ chức vào ngày 7/6 tới.
Một trong những ứng cử viên hàng đầu là cựu Ngoại trưởng Boris Johnson khởi đầu chiến dịch tranh cử với việc công bố đoạn video tiếp xúc với các cử tri và nhấn mạnh cam kết nếu trở thành Thủ tướng sẽ đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đúng thời hạn hiện tại là ngày 31/10/2019, bất kể có thỏa thuận hay không.
Tuy nhiên, tại thời điểm này mới có 23 nghị sỹ Bảo thủ Anh tuyên bố sẽ ủng hộ ông Boris Johnson, trong khi đã có đến 26 nghị sỹ Bảo thủ quay sang ủng hộ Bộ trưởng Môi trường Michael Gove. Ông này được cho là có quan điểm ủng hộ việc kéo dài tiến trình Brexit, trên cơ sở đánh giá rằng việc rời EU mà không có thỏa thuận khi chưa được chuẩn bị đầy đủ sẽ gây ra nhiều vấn đề cho nước Anh.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: New Daily)
Triều Tiên chỉ trích đề xuất tổ chức Thượng đỉnh Nhật–Triều: Thông qua các kênh truyền thông chính thức, Triều Tiên ngày 2/6 đã ra Tuyên bố về quan hệ Triều Tiên - Nhật Bản cũng như đề xuất tổ chức họp Thượng đỉnh Nhật – Triều của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Tuyên bố nêu rõ, trong bối cảnh Nhật Bản không thay đổi chính sách thù địch đối với Triều Tiên thì việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề xuất tổ chức họp Thượng đỉnh Nhật – Triều mà không cần điều kiện tiên quyết là không phù hợp.
Cũng trong ngày 2/6, đài TBS (Nhật Bản) dẫn lời người phát ngôn của Ủy ban Hòa bình châu Á – Thái Bình Dương – trực thuộc Đảng Lao động cầm quyền Triều Tiên cho biết, đề xuất của Thủ tướng Nhật Bản dường như đang tuyên truyền về việc Nhật Bản thay đổi phương châm đối thoại và tiếp xúc với Triều Tiên. Ông này cũng cho biết, trên thực tế Nhật Bản nhiều lần chủ động đề nghị tiếp xúc trực tiếp với Triều Tiên, tuy nhiên Nhật Bản vẫn không thay đổi chính sách thù địch đối với Triều Tiên.
Bên ngoài Đại sứ quán Canada ở Caracas, Venezuela. (Ảnh: Twitter)
Canada tạm đình chỉ hoạt động của Đại sứ quán tại Venezuela: Ngày 2/6, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland thông báo tạm đình chỉ các hoạt động của Đại sứ quán nước này tại Venezuela và chuyển mọi công việc hỗ trợ lãnh sự sang Đại sứ quán nước này tại Bogota, Colombia.
Ngoại trưởng Freeland nêu rõ, trong trường hợp cần hỗ trợ lãnh sự, các công dân Canada tại Venezuela sẽ phải liên lạc với trung tâm khẩn cấp của Chính phủ Canada bằng thư điện tử hoặc đề nghị hỗ trợ qua Đại sứ quán Canada tại Bogota.
Bà Freeland cho biết thêm Canada sẽ đánh giá quy chế đối với các nhà ngoại giao Venezuela do Tổng thống Nicolas Maduro chỉ định đến Canada. Trong mấy tháng qua, Canada đã khuyến cáo công dân nước này tránh đi du lịch tới Venezuela.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) trong cuộc báo chung với Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini (phải) tại Brussels, Bỉ ngày 11/7/2017. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Nga mở rộng danh sách quan chức EU bị cấm nhập cảnh: Nhằm đáp trả tương xứng các động thái của Liên minh châu Âu (EU), Bộ Ngoại giao Nga đã quyết định mở rộng danh sách các đại diện của EU bị cấm nhập cảnh vào Nga.
Hồi tháng Ba vừa qua, EU đã công bố "danh sách đen" gồm 177 cá nhân và 44 tổ chức của Nga bị trừng phạt với lý do liên quan cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Các tài sản của họ ở EU đã bị đóng băng và họ bị cấm di chuyển tới các quốc gia thành viên của khối này. Các biện pháp hạn chế này lần đầu được áp dụng từ tháng 3/2014. Đến tháng 3/2019, các biện pháp này đã được gia hạn đến ngày 15/9 tới.
Thông báo mới đây của Bộ Ngoại giao Nga cho biết, số lượng cá nhân trong danh sách của Nga đã ngang bằng với con số trong danh sách của EU. Bộ Ngoại giao Nga đã gửi công hàm tới đại diện của EU tại Nga.
Vận tải cơ An-32 của không quân Ấn Độ. (Ảnh: IAF)
Vận tải cơ Ấn Độ chở 13 người mất tích: Ngày 3/6, một máy bay AN-32 của lực lượng không quân Ấn Độ (IAF) chở 13 thành viên phi hành đoàn và hành khách, đã bị mất tích.
Theo các nguồn tin chính thức, máy bay này cất cánh từ Jorhat, bang Assam, miền Đông Bắc Ấn Độ vào lúc 12 giờ 25 (giờ địa phương). Lần cuối cùng máy bay liên lạc với trạm không lưu là vào lúc 13 giờ (giờ địa phương) và từ đó hoàn toàn mất liên lạc.
Cũng theo nguồn tin trên, có 8 thành viên phi hành đoàn và 5 hành khách trên máy bay này. Hiện cơ quan chức năng đang triển khai mọi nguồn lực để xác định vị trí của máy bay.