Thượng nghị sỹ John McCain.(Ảnh: Reuters)
Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain qua đời ở tuổi 81: Theo AFP, ngày 25/8, Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain đã qua đời ở tuổi 81 sau một thời gian dài chiến đấu với căn bệnh ung thư não.
Ông McCain sinh ngày 29/8/1936, là Thượng nghị sĩ kỳ cựu của Mỹ, người tiểu bang Arizona và là người được Đảng Cộng hòa đề cử ra tranh chức Tổng thống trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008.
Ông là một trong hai nhân vật có nhiều đóng góp trong việc kêu gọi và vận động Chính phủ Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Tổng thống Emmerson Mnangagwa. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ông Mnangagwa tuyên thệ nhậm chức tổng thống Zimbabwe: Theo Reuters, ông Emmerson Mnangagwa ngày 26/8 đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Zimbabwe, sau khi việc ông này đắc cử bị đối thủ cạnh tranh chính phản đối và trong bối cảnh giới quan sát bầu cử Mỹ bày tỏ hoài nghi về mức độ tin cậy của nền dân chủ tại Zimbabwe.
Ông Mnangagwa đã tuyên thệ trước Chánh án Tòa án tối cao Luke Malaba, người đã cùng với 8 thẩm phán khác thuộc Tòa hiến pháp hôm 24/8 bác bỏ kiến nghị của thủ lĩnh đối lập chính Nelson Chamisa phản đối chiến thắng của ông Mnangagwa ngày 30/7 vừa qua.
Tổng thống Mỹ Donal Trump (trái) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Ảnh: BBC)
Iran và Mỹ chính thức bước vào “cuộc chiến pháp lý” tại ICJ: Ngày 27/8, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) tại La Haye của Hà Lan, đã mở phiên tòa xét xử tranh cãi pháp lý giữa Iran và Mỹ về việc nối lại các trừng phạt làm hủy hoại nền kinh tế Iran.
Theo phía Iran, các lệnh trừng phạt của Mỹ đã gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế vốn yếu kém của nước này, vi phạm những điều khoản của Hiệp ước hữu nghị 1955 giữa hai nước. Trong khi đó, các luật sư Mỹ cho rằng, Tòa án Liên Hợp Quốc không có thẩm quyền trong vấn đề này. Bên cạnh đó, các luật sư cũng lập luận, Hiệp ước hữu nghị không còn giá trị, do đó các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đưa ra hoàn toàn không vi phạm.
Dự kiến tòa mất vài tháng để quyết định liệu có nên ra phán quyết về đề nghị của Tehran hay không, trong khi một phán quyết cuối cùng cho vụ kiện này có thể mất tới vài năm.
Thủ lĩnh IS ở Afghanistan Abu Saad Erhabi (thứ hai từ phải sang). (Ảnh: AFP)
Thêm một thủ lĩnh IS ở Afghanistan bị tiêu diệt: Thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Saad Erhabi cùng 10 thành viên khác của phiến quân đã bị tiêu diệt trong chiến dịch phối hợp giữa bộ binh và không quân Afghanistan, Reuters dẫn lời cơ quan an ninh địa phương ngày 26/8 cho hay.
Theo Thống đốc tỉnh Nangarhar, Erhabi là thủ lĩnh IS thứ tư ở Afghanistan bị tiêu diệt kể từ tháng 7/2017. IS đã xây dựng một thành trì ở Nangarhar, khu vực biên giới giữa Afghanistan với Pakistan, và đang dần trở thành một trong những nhóm phiến quân nguy hiểm nhất Afghanistan.
Tiêu binh Nga. (Ảnh: Breaking Defense)
Tổng thống Nga Putin sa thải 15 viên tướng ngay trước tập trận lớn nhất trong gần 40 năm: Tổng thống Nga Putin vừa sa thải 15 viên tướng nước này trong bối cảnh Nga chuẩn bị tổ chức cuộc tập trận Phương Đông-2018 lớn nhất của mình trong gần 4 thập kỷ qua.
Trong số những tướng bị cách chức lần này hôm 28/8 có Thứ trưởng Bộ Các tình trạng Khẩn cấp Vladlen Aksenov và người đứng đầu cơ quan quản lý trại giam ở vùng Omsk Sergei Koryuchin.
Trong số 15 viên tướng, có ít nhất một người, ông Mikhail Begun, Bộ trưởng Tình trạng Khẩn cấp ở vùng Tomsk, bị bắt vì các cáo buộc nhận hối lộ. Giới chuyên gia nhận định, có thể còn có thêm các vụ bắt giữ trong thời gian tới.
Tướng Jeong Kyeong-doo được bổ nhiệm vị trí Bộ trưởng Quốc phòng. (Ảnh: Yonhap)
Hàn Quốc “đại cải tổ” nội các, thay thế một lúc 5 bộ trưởng: Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 30/8 tiến hành một cuộc cải tổ nội các lớn, theo đó sẽ thay thế 5 vị trí bộ trưởng, lần đầu tiên kể từ khi nhà lãnh đạo này nhậm chức hồi tháng 5 năm ngoái.
Các vị trí bộ trưởng được thay thế là Bộ trưởng Giáo dục, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng, Bộ trưởng Bộ lao động, Bộ trưởng bình đẳng giới và gia đình.
Cũng trong ngày 30/8, Tổng thống Hàn Quốc bổ nhiệm ông Lee Seok-soo, làm người đứng đầu Văn phòng điều phối và lập kế hoạch trực thuộc Cục tình báo quốc gia.
Việc thay thế một số vị trí cấp Thứ trưởng cũng nằm trong đợt cải tổ lần này. Sở dĩ chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tiến hành cải tổ nội các lần này nhằm đổi mới công tác điều hành quốc gia sau 15 tháng cầm quyền.
Quốc kỳ Triều Tiên bên ngoài đại sứ quán nước này tại Ulaanbaatar, Mông Cổ hồi tháng 4. (Ảnh: Reuters)
Mỹ gia hạn lệnh cấm công dân du lịch đến Triều Tiên: Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 30/8 thông báo gia hạn lệnh cấm công dân du lịch đến Triều Tiên thêm một năm do những lo ngại về việc công dân có thể bị Bình Nhưỡng bắt và giam giữ lâu dài, theo Reuters.
Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1/9/2017 sẽ hết hạn vào ngày 31/8, nhưng theo thông báo mới của Bộ Ngoại giao Mỹ, lệnh sẽ được kéo dài đến hết ngày 31/8/2019. Các trường hợp ngoại lệ bao gồm nhà báo, người hoạt động cứu trợ nhân đạo sẽ được cấp phép riêng.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Hàn Quốc và Triều Tiên chuẩn bị cho Thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3: Ngày 31/8, Hàn Quốc thông báo sẽ cử một đặc phái viên tới Triều Tiên vào ngày 5/9, để thảo luận thời điểm cụ thể cho Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều tiếp theo.
Dự kiến, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ có cuộc gặp tại Bình Nhưỡng trong tháng 9, để thảo luận các bước đi thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa đang bị đình trệ.
Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, trong chuyến thăm, đặc phái viên Hàn Quốc cũng sẽ thảo luận việc thiết lập hòa bình, thúc đẩy quan hệ liên Triều và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty Image)
Tổng thống Trump dọa rút Mỹ khỏi WTO: "Nếu họ không cải tổ, tôi sẽ rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)", Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg News ngày 30/8.
WTO được thành lập để đề ra những quy tắc cho thương mại toàn cầu và giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cho rằng Mỹ đang bị WTO đối xử thiếu công bằng và ông đòi hỏi một sự thay đổi.
Lời cảnh báo Tổng thống Trump đưa ra đã làm bật lên những xung đột trong chính sách thương mại của ông với hệ thống thương mại mở mà WTO giám sát. Trong khi đó, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer còn cáo buộc WTO can thiệp chủ quyền của Mỹ.
Căn cứ Mỹ tại al-Tanf, Đông Nam Syria hồi đầu năm 2018. (Ảnh: Sputnik)
Syria từ chối thực hiện các điều kiện để Mỹ rút quân: Nhật báo Al Akhbar của Lebanon ngày 28/8 đưa tin, các quan chức của cơ quan tình báo và an ninh Mỹ cuối tháng 6/2018 đã tới Syria để gặp Thiếu tướng Ali Mamlouk, người đứng đầu Cục an ninh quốc gia Syria.
Trong cuộc gặp kéo dài 4 giờ đồng hồ, hai bên đã thảo luận về cuộc nội chiến kéo dài suốt 7 năm qua ở quốc gia Trung Đông trước khi các quan chức Mỹ đưa ra đề nghị rút quân khỏi Al Tanf và vùng Đông East Euphrates với 3 điều kiện: Iran phải rút toàn bộ quân khỏi Syria; Mỹ nhận được một phần từ nguồn lợi dầu mỏ của Syria; Syria phải cung cấp các thông tin tình báo về khủng bố. Tuy nhiên, Damacus đã bác bỏ những đề nghị này.