Khoảng 35% người già Mỹ tuổi từ 50 đến 90 tuổi không có cháu vào năm 2023 theo dữ liệu điều tra dân số của Trung tâm Nghiên cứu Gia đình & Hôn nhân Quốc gia, Đại học Bang Bowling Green. Trong khi năm 2018, tỷ lệ này là 30%.
"Tôi ghen tỵ", Ann Brenoff, 74 tuổi thừa nhận khi gần đây đi cùng bà bạn mua đồ sơ sinh cho cháu sắp chào đời. Trong khi hai con của Ann, ở độ tuổi 30, tuyên bố không muốn có con.
"Tôi muốn kể các câu chuyện gia đình cho cháu. Tôi muốn cháu có ký ức về tôi", Ann, một nhà báo nghỉ hưu, sống ở San Diego, California nói. Vì không được lên chức ông bà, nhiều người như Ann đang xem thú cưng như cháu.
Theo dữ liệu liên bang, năm 2023 có ít trẻ sơ sinh được sinh ra ở Mỹ nhất kể từ 1979 tới nay. Có nhiều lý do khác nhau. Một số thanh niên, đang phải vật lộn với chi phí nhà ở và nợ sinh viên, không biết làm cách nào để có đủ khả năng chi trả cho việc chăm sóc con cái hoặc không thấy trẻ em phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp. Những người khác chỉ đơn giản không muốn có con, hoặc sợ hãi vì chia rẽ chính trị, biến đổi khí hậu và kỳ vọng ngày càng tăng về việc làm cha mẹ.
Điều đó khiến cha mẹ của họ phải tiếc nuối. Rachel Margolis, giáo sư tại Đại học Western Ontario, người nghiên cứu về tuổi già và việc làm ông bà, cho biết: "Hầu hết đều lớn lên với ít nhất một ông bà nên bạn sẽ xem đó là lẽ dĩ nhiên, là một phần của cuộc sống gia đình".
Đó là những gì Monica O’Connor, 67 tuổi nghĩ. Khi đứa con duy nhất của bà kết hôn cách đây 16 năm, bà đã đề nghị sống gần để tiện chăm sóc cháu. Nhưng con trai bà, Dominic, hiện 43 tuổi và vợ Laura, 45 tuổi không muốn có con.
Qua thời gian bà buộc phải chấp nhận và thay đổi suy nghĩ. Hiện Monica, sống tại San Luis Obispo, California, biết ơn vì các con khỏe mạnh và hạnh phúc, nhưng vẫn có chút nuối tiếc vì không được làm bà, vì thế bà thân thiết với các cháu của chị gái.
Không phải ai cũng suy nghĩ thoáng được như Monica. Kathy McCoy, một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình ở khu vực Phoenix, nhớ lại một khách hàng nam tiết lộ mẹ anh đã đề nghị trả tiền để đảo ngược việc cắt ống dẫn tinh của anh vì muốn được ôm ấp các cháu.
Khi Barbra Williams Cosentino, 72 tuổi, gặp những người cùng tuổi, chủ đề tám chuyện của họ là về các cháu. Họ cũng hỏi bà có cháu nào không. "Luôn giống như một nhát dao nhỏ đâm vào tim khi tôi phải nói 'Không'", Williams Cosentino, sống tại New York cho biết.
Bà thừa nhận ghen tị khi nhìn thấy ảnh của bạn bè với cháu trên Facebook và cảm thấy hối tiếc vì bản thân kết hôn nhưng không có con. Vì lẽ đó, bà luôn cảm thấy cuộc sống của mình có ít người để yêu thương, ít cột mốc hạnh phúc để ăn mừng hơn, ví như sinh nhật đầu tiên của cháu, lễ tốt nghiệp mẫu giáo và lần đầu tiên cháu gái tô son.
Atalaya Sergi, giám đốc toàn quốc của AmeriCorps Seniors, một tổ chức có chương trình ông bà nuôi dưỡng, cho biết ngày không phải ai cũng có cơ hội trở thành ông bà theo cách truyền thống, nhưng họ có thể đóng vai trò giống như ông bà trong cuộc đời của một đứa trẻ. Tổ chức AmeriCorps Seniors cung cấp các cơ hội này và nhiều người đã được khỏa lấp chỗ trống.
Elnora Terry, 84 tuổi, đã mất đứa con duy nhất vào những năm 1990. Nhiều năm trôi qua, Terry, người đã ly hôn, luôn nhớ thương con và cảm giác cô đơn hiện hữu. "Càng lớn tuổi, điều đó càng làm tôi khó chịu", Terry, sống ở Nashville cho biết.
Một người bạn đã kết nối bà với chương trình ông bà nuôi dưỡng tại một trung tâm chăm sóc trẻ em vào tháng 6/2012 và Terry đã ở đó kể từ đó. Những đứa trẻ ở trung tâm gọi Terry là "bà", chúng vẽ những bức tranh mà bà dán đầy trong nhà.
"Cuộc sống của tôi thật trọn vẹn", bà nói.