Theo dõi sát diễn biến bão số 7 để tổ chức ứng phó phù hợp

(Baohatinh.vn) - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT&TKCN Lê Minh Hoan yêu cầu các địa phương theo sát dự báo về bão số 7 để tổ chức sơ tán dân; đặc biệt, rà soát các đối tượng trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.

Chiều 9/10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT&TKCN Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành và 8 tỉnh từ Quảng Ninh tới Hà Tĩnh để ứng phó với bão số 7 và nhận định xu thế thời tiết trong 10 ngày tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Theo dõi sát diễn biến bão số 7 để tổ chức ứng phó phù hợp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Theo thông tin Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, vào hồi 16h ngày 9/10, bão số 7 đang ở trên khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Trong 24h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và đi vào Vịnh Bắc Bộ.

Đến 4h ngày 10/10, vị trí tâm bão cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 40km về phía Tây Tây Nam. Dự báo trong 12 - 24h tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16h cùng ngày, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên vùng biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Trong 24 đến 36h tiếp theo, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, đi vào đất liền các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đến 4h cùng ngày, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền tỉnh Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Trong 36 đến 48h tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6.

Theo dõi sát diễn biến bão số 7 để tổ chức ứng phó phù hợp

Bão số 7 liên tục đổi hướng khi di chuyển vào Biển Đông.

Do ảnh hưởng kết hợp của hoàn lưu cơn bão số 7 với không khí lạnh tăng cường nên ở Vịnh Bắc Bộ có mưa bão, gió mạnh cấp 7, sau tăng lên cấp 8 - 9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 2 - 4m, biển động rất mạnh.

Từ chiều 9 - 10/10, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 6-7, phía Bắc có nơi cấp 8, giật cấp 10. Từ chiều đến đêm 10/10, ở Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội có gió giật mạnh cấp 6-7.

Từ chiều 9 - 12/10, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to do ảnh hưởng của bão số 7. Cụ thể, từ chiều 9 - 11/10, phía Đông Bắc Bộ có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150 - 250mm, có nơi trên 300mm; từ 10 - 11/10, phía Tây Bắc Bộ có mưa to, tổng lượng mưa phổ biến 50 - 100mm, có nơi trên 150mm; từ ngày 10 - 12/10, khu vực Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 100-250mm, có nơi trên 250mm.

Theo dõi sát diễn biến bão số 7 để tổ chức ứng phó phù hợp

Các đại biểu tham dự ở điểm cầu Hà Tĩnh.

Từ 9 – 12/10, các sông suối khu vực Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên trên các sông nhỏ, thượng lưu các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh từ 3-5m, trên các sông khu vực Bắc Bộ từ 2-4m.

Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên thượng lưu các sông khu vực Đông Bắc, Việt Bắc, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh ở mức BĐ1 và trên BĐ1; hạ lưu các sông chính ở khu vực Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh còn dưới mức BĐ1.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông, khu đô thị, đặc biệt tại các tỉnh: Hà Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và thành phố Hà Nội, Hải Phòng.

Theo dõi sát diễn biến bão số 7 để tổ chức ứng phó phù hợp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn: Để chủ động ứng phó với bão và tình hình mưa lũ, Hà Tĩnh đã có công điện chỉ đạo các địa phương, đơn vị khẩn trương triển khai các phương án ứng phó. Tỉnh cũng tổ chức một số đoàn xuống tận các địa phương, công trình trọng điểm và công trình đang thi công để kiểm tra công tác ứng phó, phòng tránh mưa bão. Hiện nay, toàn bộ tàu thuyền đã vào nơi tránh trú an toàn; tỉnh cũng đã ban hành các kịch bản sơ tán theo từng cấp bão với kịch bản lớn nhất là sơ tán khoảng 45 nghìn hộ dân và với 155 nghìn nhân khẩu.

Đặc biệt, hiện nay trên vùng biển Thái Bình Dương có 1 cơn bão khác với tên quốc tế là KOMPASU đang hoạt động. Khoảng đêm 11 đến sáng 12/10, cơn bão này có khả năng đi vào phía Bắc Biển Đông và trở thành cơn bão số 8 năm 2021.

Dự báo đây là một cơn bão mạnh khi ở trên biển, di chuyển nhanh và có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và phía Bắc của Trung Bộ trong khoảng ngày 13-14/10 và có thể gây ra một đợt mưa lớn cho các khu vực này.

Bên cạnh đó, nhiều khả năng ngày 16 - 17/10 sẽ xuất hiện một cơn áp thấp nhiệt đới hoặc bão khác trên Biển Đông.

Theo dõi sát diễn biến bão số 7 để tổ chức ứng phó phù hợp

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT&TKCN Lê Minh Hoan phát biểu kết luận cuộc làm việc. Ảnh chụp màn hình.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT&TKCN Lê Minh Hoan nhấn mạnh: theo dự báo, bão số 7 nhiều khả năng sẽ giảm cường độ trước khi ảnh hưởng tới đất liền nhưng các địa phương từ Quảng Ninh tới Hà Tĩnh cũng như các đơn vị cần chủ động phương án ứng phó, tuyệt đối không chủ quan.

Các địa phương, đơn vị cần theo sát dự báo về bão số 7 để kịp thời cập nhật thông tin, cảnh báo sớm cho người dân nắm rõ để phòng tránh, bởi thời điểm này, số lượng người dân chạy xe máy từ các tỉnh, thành phía Nam về quê khá đông. Trường hợp người dân di chuyển trong mưa to gió lớn có thể dẫn tới các tai nạn đáng tiếc.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT&TKCN Lê Minh Hoan cũng đề nghị các địa phương theo sát dự báo về bão để tổ chức sơ tán dân sát thực tế, trong đó rà soát các đối tượng trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như biện pháp y tế phù hợp để an toàn dịch bệnh.

Triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là các khu vực ngầm tràn, khu vực có nguy cơ ngập sâu; bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, đảm bảo an toàn giao thông.

Các tỉnh khẩn trương rà soát ngay những vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt trước tình hình mưa lớn; chỉ đạo các hồ thủy lợi, thủy điện xả lũ đúng quy trình, thông báo kịp thời cho người dân...

Chủ đề Mưa lũ ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Khánh kiệt vì tai nạn giao thông

Khánh kiệt vì tai nạn giao thông

Chứng kiến những hoàn cảnh nạn nhân TNGT tại Hà Tĩnh mới hiểu hết những nỗi xót xa. Trong số các nạn nhân, nhiều hoàn cảnh vì TNGT mà gia đình khánh kiệt, rơi vào khó khăn, túng quẫn.
Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Tròn 24 năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy Lê Khải Chương - Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn tràn đầy đam mê với nghề và luôn thương yêu, tận tâm với học trò.
Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng bày tỏ sự tri ân sâu sắc trước những đóng góp, cống hiến của các Nhà giáo Nhân dân đối với sự nghiệp trồng người cũng như phát triển KT-XH tỉnh nhà.
Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện điện: UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam về việc ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông.